Chiếm 8% thị trường phân phối ĐTDĐ

Dẫn số liệu thống kê của GfK về sản lượng phân phối điện thoại di động (ĐTDĐ) các công ty từ năm 2013 đến tháng 5/2015, Digiworld cho biết lĩnh vực phân phối ĐTDĐ đang chỉ chiếm 8% thị phần tiêu thụ cả nước trong khi thị phần phân phối máy tính xách tay lại dẫn đầu về  với 24%. Digiworld cũng mới chỉ bước sang mảng phân phối ĐTDĐ từ năm 2013 và là đơn vị phân phối độc quyền của các hãng Nokia, Wiko, Xiaomi, Obi. 
 

Mặc dù mảng máy tính xách tay đang chiếm hơn 50% cơ cấu doanh thu nhưng Digiworld lại định hướng chuyển dịch sang mảng kinh doanh ĐTDĐ. Mảng này sẽ chiếm phần lớn cơ cấu doanh thu. Bên cạnh đó, công ty vẫn phát triển mảng máy tính xách tay và thiết bị văn phòng, tuy nhiên doanh số sẽ giảm xuống.

Digiworld cũng dẫn dự báo của IDC, thị trường ĐTDĐ nói chung mà đặc biệt là điện thoại smartphone sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 23,5% trong giai đoạn 2014  -2018. Doanh số thị trường ước tính tăng từ 11,6 triệu chiếc (năm 2014) lên 26,9 triệu chiếc (năm 2018). Do đó, ông Việt tin tưởng tốc độ tăng trưởng của ngành này sẽ còn cao hơn nữa và là cơ hội để Digiworld chen chân.

Hướng đi nào cho mảng kinh doanh mới?

Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Digiworld xác định, sản phẩm ĐTDĐ nhắm vào phân khúc bình dân và hướng tới nông thôn, sau đó mới tiến về các đô thị lớn. 

Theo định hướng của Digiworld, thị trường nông thôn được xem là rất tiềm năng cho ngành phân phối những mặt hàng điện thoại thông minh thuộc phân khúc bình dân, đặc biệt là những thương hiệu với giá cả hợp lý từ Trung Quốc và các thương hiệu nội địa.

Dẫn ví dụ về việc phân phối điện thoại hãng Rico, ông Việt cho biết là 1 thương hiệu smartphone giá 999.000 đồng, phù hợp với nông thôn nên Công ty triển khai bán hàng tại hầu khắp khu vực này, sau đó mới đi vào thành phố - nơi khách hàng có thu nhập cao hơn và nhiều lựa chọn. 

Bên cạnh đó, khi bán hàng tại nông thôn, chi phí marketing rất ít, thậm chí việc quảng cáo sản phẩm còn được triển khai trên hệ thống loa đài, chi phí thấp hơn nhiều lần so với việc quảng cáo truyền hình. Tất cả chuyện đó liên quan tới chiến lược và Digiworld có chiến lược marketing tổng thể cho các nhãn hiệu, ông Việt nhấn mạnh.
Tính đến thời điểm này, Digiworld có tới 6.000 điểm phân phối bán lẻ, trong khi FPT Shop có hơn 200 cửa hàng lớn và Thế giới di động có hơn 400 cửa hàng. Đặt trong phép so sánh về đại lý, ông Việt nói rằng các đại lý lớn thì margin thấp hơn, các đại lý nhỏ thì lợi nhuận tốt hơn. Đây cũng là cơ hội để Digiworld tiếp cận với các nhà sản xuất.

Ngoài ra, Digiworld hiện đang là nhà phân phối độc quyền các sản phẩm ĐTDĐ của Nokia. Trong khi GfK thống kê, từ năm 2013 đến nay, dòng sản phẩm điện thoại Nokia phân khúc smartphone và mobilephone chiếm tỷ trọng 80%  tổng thị trường điện thoại cả nước. Phân khúc khách hàng bình dân với giá thành dưới 2 triệu đồng khá tiềm năng, theo GfK nhận định.

Ông Việt khẳng định rằng, Digiworld sẽ tăng doanh thu điện thoại bằng cách tìm kiếm các nhà cung cấp mới để tăng trưởng. Dễ thấy, cuối năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, Công ty đã trở thành nhà phân phối độc quyền của 3 dòng sản phẩm mới, ngoài Nokia là Wiko (Pháp), Xiaomi (Trung Quốc) và Obi (Mỹ). Mục tiêu mà Digiworld hướng tới là nhóm khách hàng tiềm năng có thu nhập thấp đến trung bình, bởi cơ hội phát triển mảng ĐTDĐ tại nông thôn còn rất lớn.