Vừa chịu sức ép giảm giá
Thị trường quặng sắt thế giới trong 2 năm gần đây diễn biến theo chiều giảm giá, kéo theo giá trong nước luôn duy trì ở mức thấp. Đầu năm 2014, giá bán quặng sắt khoảng 130 USD/tấn, nhưng đến cuối năm chỉ còn dưới 70 USD/tấn. Năm 2015, đà giảm của quặng sắt không dừng lại, có thời điểm đạt mức thấp kỷ lục với giá 48 USD/tấn vào tháng 4/2015.
Quặng giảm giá khiến VTM gặp khó khăn lớn trong công tác thực hiện kế hoạch tiêu thụ. Cụ thể, VTM đã ký hợp đồng tiêu thụ nội địa khoảng 1 triệu tấn quặng sắt (ở độ ẩm tự nhiên), với giá bán trung bình khoảng 500.000 đồng/tấn. Song do giá giảm sâu, năm 2014, VTM mới chỉ cung cấp được 1/10 kế hoạch.
Tình trạng trên cũng không được cải thiện trong 6 tháng đầu năm 2015 khi VTM mới giao nhận được khoảng 35.000 tấn quặng sắt. Nghiêm trọng hơn, bước sang đầu quý III/2015, các đối tác gần như dừng mua hàng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp (DN) dù đã ký hợp đồng nhưng liên tục có công văn đề nghị VTM giảm giá xuống 400.000 đồng/tấn.
Vừa khó tiêu thụ
Theo giấy phép hoạt động, VTM thực hiện khai thác quặng sắt tại mỏ sắt Quý Xa để cung cấp cho Nhà máy Gang thép Lào Cai; xuất khẩu sang Công ty TNHH Cổ phần Gang thép Côn Minh (Trung Quốc) và đối lưu than luyện cốc và cốc luyện kim cho Việt Nam khoảng 1.500.000 tấn/năm; đồng thời cung cấp cho Dự án Gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2.
Tuy nhiên, DN hiện đều gặp khó ở cả 3 “cánh cửa” trên. Với Nhà máy Gang thép Lào Cai, do mới đi vào sản xuất, dây chuyền công nghệ chưa ổn định, trình độ vận hành thiết bị của công nhân chưa thuần thục, khó đảm bảo hiệu quả của dây chuyền thiết bị. Trong khi đó, nguồn điện cung cấp cho nhà máy không ổn định, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả sản xuất, làm tăng giá thành sản phẩm.
Với xuất khẩu, Chính phủ đã có chủ trương hạn chế xuất khẩu quặng sắt. Theo đó, việc cấp quota cho VTM xuất khẩu sang Trung Quốc để đối lưu than cốc đã bị dừng từ năm 2012. VTM phải vay vốn ngắn hạn để mua than cốc phục vụ nhu cầu sản xuất của Nhà máy Gang thép Lào Cai, ảnh hưởng đến cân đối tài chính của công ty.
Đầu ra thứ 3 của công ty cũng chưa hề mở ra do Dự án Gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2 vẫn chưa hoàn thành, chưa đi vào sản xuất, khiến quặng của VTM bị tồn đọng.
Trước tình hình đó, nhằm duy trì sản xuất, VTM đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục khó khăn và ổn định đời sống người lao động. Tiêu biểu như: Công ty đã áp dụng các biện pháp cạnh tranh để giảm giá thành nguyên liệu đầu vào; tiết giảm chi phí khai thác và gia công quặng Quý Xa; phối hợp với chuyên gia nghiên cứu tỷ lệ phối trộn quặng Quý Xa trong thiêu kết lên 100%; tiến hành rà soát, tìm các biện pháp kỹ thuật để giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, vật tư; rà soát lại các định mức, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật.
Công ty còn đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, tăng cường tìm kiếm khách hàng để đẩy mạnh tiêu thụ; phát động phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, tiết giảm tất cả các loại chi phí của toàn công ty.
Cần sự hỗ trợ của nhà nước
Dự đoán về thị trường thời gian tới, ông Bùi Thanh Bình- Tổng giám đốc VTM - cho biết, thép nội địa đang trong tình trạng cung vượt cầu. Hơn nữa, DN sẽ phải chịu cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu từ Nga và Trung Quốc. Các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á Âu khi có hiệu lực sẽ dành nhiều ưu đãi thuế quan cho sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này tạo sức ép cho các DN thép trong nước. Các DN sản xuất quặng sắt sẽ càng rơi vào bế tắc, bởi tiêu thụ ngày càng khó khăn, giá bán quặng sắt sẽ tiếp tục giảm.
Trước tình trạng đó, VTM cũng như các DN khai thác quặng sắt khác rất mong sự hỗ trợ của nhà nước. VTM đề nghị nhà nước đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo cho việc vận chuyển quặng từ mỏ Quý Xa; vận chuyển quặng sắt, nguyên liệu mua ngoài về nhà máy gang thép cũng như vận chuyển tiêu thụ phôi thép được thuận lợi; tạo điều kiện cho VTM đấu nối tuyến đường sắt quốc gia vào tuyến đường sắt nội bộ của Nhà máy Gang thép Lào Cai.
VTM còn đề nghị cần có chính sách khuyến khích sản xuất phôi thép từ quặng sắt và chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với quặng sắt mỏ Quý Xa. Do quặng Quý Xa là quặng limonite, không từ tính, hàm lượng sắt thấp, trung bình Fe ~ 54%, và ngậm nước xấp xỉ 18%, phần lớn phục vụ chế biến sâu trong nước nên VTM cũng đề nghị điều chỉnh giảm các khoản thu so với các loại quặng sắt khác.
Được biết, ngày 14/8/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 1398/TTg – KTN về việc tháo gỡ khó khăn cho Nhà máy Gang thép Lào Cai. Theo đó, Thủ tướng đồng ý cho VTM tạm hoãn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản năm 2015 và nộp bù vào năm 2016; đồng ý xuất khẩu quặng sắt limonite mỏ Quý Xa tối đa 1,5 triệu tấn để đối lưu than mỡ luyện cốc và cốc luyện kim cung cấp cho Nhà máy Gang thép Lào Cai.
VTM đề nghị nhà nước đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo cho việc vận chuyển quặng từ mỏ Quý Xa; vận chuyển quặng sắt, nguyên liệu mua ngoài về nhà máy gang thép cũng như vận chuyển tiêu thụ phôi thép được thuận lợi; tạo điều kiện cho VTM đấu nối tuyến đường sắt quốc gia vào tuyến đường sắt nội bộ của Nhà máy Gang thép Lào Cai.
Theo Kim Tuyến
Báo Công thương