Cụ thể, có 39 nhà đầu tư trúng giá, trong đó 36 cá nhân và 3 tổ chức. Khối lượng đặt mua cao nhất là 35,7 triệu cp được thực hiện bởi CTCP Chứng Khoán Đông Nam Á (SeASecurities) tại mức giá 11.500 đồng/cp. Mức giá đấu thành công cao nhất là 22.500 đồng/cp nhưng chỉ ở mức khối lượng 300 cp.
Trong phiên đấu giá, ACBS cũng tham gia hai lệnh đấu giá lớn là 6,53 triệu cp và 1,15 triệu cp.
Kết quả, 39 nhà đầu tư đã đấu giá hết 35,7 triệu cp (nhà đầu tư nước ngoài trúng hơn 79.000 cp) mà Cảng Sài Gòn đăng ký bán tại mức giá trúng thầu 11.514 đồng/cp, tương ứng giá trị thu về hơn 411 tỷ đồng.
Trươc khi phiên IPO diễn ra, sức nóng của IPO Cảng Sài Gòn đã thể hiện khi có đến 39 nhà đầu tư có 35 nhà đầu tư cá nhân trong nước, 1 nhà đầu tư cá nhân nước ngoài và 3 tổ chức trong nước đăng ký đấu giá là 44,8 triệu cp, cao hơn 25% số lượng cp đấu giá.
Trước đó, theo phương án cổ phần hóa của Cảng Sài Gòn, 35,7 triệu cp sẽ được chào bán cho nhà đầu tư chiến lược và 35,7 triệu sẽ được đấu giá công khai với giá khởi điểm 11.500 đồng/cp.
Cụ thể, có 3 nhà đầu tư chiến lược tham gia đăng ký mua cổ phần của Cảng Sài Gòn sau đợt IPO này. Trong đó, Tập đoàn Vingroup (VIC) đăng ký mua 80% vốn điều lệ Cảng Sài Gòn, Ngân hàng VietinBank đăng ký mua 11% vốn điều lệ và VPBank đăng ký mua 11% vốn. Như vậy, 3 nhà đầu tư chiến lược này đăng ký mua hơn 100% vốn Cảng Sài Gòn trong khi đơn vị này chỉ chào bán 16,51% vốn cho đối tác chiến lược. Giá bán cho nhà đầu tư chiến lược không thấp hơn giá đấu bình quân của cuộc đấu giá công khai.
Cảng Sài Gòn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam – Vinalines làm chủ sở hữu. Cảng Sài Gòn đang trực tiếp quản lý 4 khu cảng trực thuộc tại Quận 4 và Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh gồm cảng Nhà Rồng Khánh Hội, cảng Tân Thuận, cảng Tân Thuận 2, Cảng Hành khách tàu biển và thuê khai thác cầu cảng Nhà máy Thép Phú Mỹ (Huyện Tân Thành, Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) của Tổng công ty Thép Việt Nam. Tổng chiều dài các bến cảng do Cảng Sài Gòn khai thác là 2.899 m bao gồm 20 cầu tàu và 463.448 m2 hệ thống kho bãi. Sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Sài Gòn bình quân khoảng 10 triệu tấn/năm.
Bên cạnh đó, Cảng Sài Gòn còn tham gia góp vốn liên doanh tại một số cảng liên doanh tại khu vực Cái Mép – Thị Vải như SSIT (34%), SP-PSA (36%), CMIT (15%). Tuy nhiên, theo Cảng Sài Gòn do tình hình kinh tế khó khăn chung nên 3 cảng này chỉ hoạt động cầm chừng. Cảng Sài Gòn hiện đang trong quá trình đầu tư xây dựng Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước với tổng mức đầu tư gần 2.800 tỷ đồng.
Cảng Sài Gòn có 5 công ty con. Hoạt động kinh doanh từ năm 2012 có sự tăng trưởng đều về doanh thu nhưng lãi ròng hợp nhất thì không duy trì sự ổn định này khi lần lượt đạt 45 tỷ, gần 34 tỷ và 61 tỷ đồng.
Sau khi IPO, Cảng Sài Gòn dự kiến đầu tư tiếp tục 850 tỷ đồng vào Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước giai đoạn 1.
Đối với chi nhánh Cảng Tân Thuận 2 sẽ được định hướng phát triển như 1 cảng cạn ICD (Inland Container Depot). Theo đó, Cảng Tân Thuận 2 sẽ chuyển sang làm hàng container và sắt, thép thay vì làm hàng rời (chủ yếu là mặt hàng gạo) như hiện nay. Vì vậy, Cảng Sài Gòn có kế hoạch đầu tư vào thời gian tới nhưng chủ yếu là tiếp nhận máy móc, trang thiết bị thích hợp của Cảng Nhà Rồng Khánh Hội khi di dời.
Về chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh sau IPO, Cảng Sài Gòn đặt kế hoạch 2015 với doanh thu gần 935 tỷ đồng và lãi ròng 31 tỷ đồng.
Kế hoạch kinh doanh Cảng Sài Gòn giai đoạn 2015-2020