Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu cá tra lớn nhất, cung cấp khoảng 80 - 85% tổng sản lượng cá tra trên toàn thế giới. Giai đoạn 2009 - 2013, thị trường chính của Việt Nam chủ yếu là EU và Mỹ; trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ ngày càng tăng thì ngược lại xuất khẩu sang thị trường EU càng thu hẹp.
Tỷ trọng đóng góp của thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã giảm từ 40% (2009) còn khoảng 20% (2014) do: (1) nhu cầu yếu bởi tác động của suy thoái kinh tế tại châu Âu; (2) cạnh tranh giá không lành mạnh giữa các doanh nghiệp cá tra dẫn đến uy tín sản phẩm giảm sút.
Đặc biệt, trong năm 2015, đi kèm với khả năng ký kết hiệp định FTA Việt Nam - EU, xuất khẩu cá tra một mặt hưởng lợi từ mức thuế ưu đãi nhưng mặt khác, chất lượng sản phẩm sẽ đóng vai trò là một rào cản kỹ thuật mới. Do vậy, Rồng Việt Research cho rằng, thị trường EU vẫn chưa thể phục hồi mạnh trong năm 2015.
Đối với thị trường Mỹ, cá tra vẫn là 1 trong 10 mặt hàng thủy sản được ưa thích nhất; do đó, nhu cầu tại thị trường này được duy trì tốt. Tỷ lệ đóng góp của thị trường Mỹ trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 13% (2010) lên 19% (2014). Tuy vậy, thuế chống bán phá giá vẫn là rào cản, gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra.
Vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kết quả đợt rà soát hành chính đối với thuế bán phá giá thứ 10 (POR10), theo đó, mức thuế chống bán phá giá trung bình đã tăng từ 0,42 USD/kg (trong kỳ POR 9) lên 0,97 USD/kg.
Trong hai năm trở lại đây, mức thuế trung bình áp dụng đều khá cao do việc sử dụng Indonesia là nước thay thế để tính biên độ phá giá, thay vì tham chiếu Bangladesh như trước đây.
Với sự thay đổi này, thuế chống bán phá giá trong các năm tiếp theo có thể duy trì ở mức cao và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu sang thị trường này của các doanh nghiệp Việt Nam.
Diện tích nuôi cá tra tại Việt Nam có xu hướng giảm do cạnh tranh từ sản phẩm thay thế (cá tuyết) từ năm 2008 - 2013. Diện tích nuôi mới mặc dù đã tăng nhẹ (+27%) trong năm 2014, nhưng nếu tính trên diện tích thu hoạch thì con số này vẫn giảm 9,32% so với cùng kỳ.
Rồng Việt Research nhận thấy việc quy hoạch vùng nuôi trong thời gian gần đây giúp ngành phát triển bài bản hơn, đặc biệt hạn chế việc tăng mạnh nguồn cung như những năm trước đây.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ tín dụng cho người nuôi tôm, cá như tại Quyết định 540/QĐ-TTg, Công văn 5294/NHNN-TD, một số chính sách hỗ trợ cũng vừa được ban hành như: Thông tư 344/TB-VPCP về miễn thuế giá trị gia tăng cho các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi cho các doanh nghiệp thủy sản sẽ giảm từ 20% (2015) xuống 17% kể từ 1/1/2016; Thông tư 198/2014/TT-BTC về quản lý cách tính giá cá nguyên liệu và điều chỉnh nếu cần thiết; Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra liên quan đến quy định về tỷ lệ mạ băng và độ ẩm cần thiết cho sản phẩm được dời thời gian áp dụng đến ngày 31/12/2015.
Ngành cá tra trong năm 2015 còn có thể được hưởng lợi từ xu hướng giảm giá thức ăn chăn nuôi tương đồng với xu hướng giảm giá hàng hóa trong thời qua. Trong quý I/2015, giá mặt hàng này đã giảm khoảng 5-7% so với mặt bằng chung của năm 2014.
Dưới nhiều điều kiện thuận lợi, ngành thủy sản đang cho thấy bước chuyển mình để vượt qua khó khăn của những năm trước. Tuy nhiên, những vấn đề tồn đọng như chất lượng, con giống, hệ thống phân phối sẽ là bài toán cần giải quyết triệt để nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững hơn.
Trong quá trình này, Rồng Việt Research nhận thấy một số doanh nghiệp đầu ngành, tiềm lực mạnh đang tích cực tập trung thâu tóm và củng cố vị thế. Đặc biệt, Rồng Việt Research đánh giá cao các công ty đã tranh thủ mở rộng được vùng nuôi trong thời gian khó khăn vừa qua.
Xuất khẩu tôm đứng trước nhiều thách thức
Cùng trong xu thế về những điều kiện thuận lợi của ngành thủy sản như giá nguyên liệu đầu vào, những hỗ trợ từ phía Chính phủ, ngành tôm Việt Nam đã chứng kiến sự thay đổi khá lớn.
Trong khi đó, năm 2014, các thị trường xuất khẩu lớn như Thái Lan, Trung Quốc giảm mạnh về sản lượng cung cấp do dịch bệnh tôm chết sớm (EMS) lan rộng tại các quốc gia này.
Sản lượng tôm cung cấp của Thái Lan đã giảm khoảng 8%, tương đương 230.000 tấn. Chính vì sự sụt giảm trong nguồn cung, giá tôm thế giới liên tục tăng mạnh từ cuối năm 2013 đến giữa năm 2014.
Tuy vậy, nguồn cung tại Thái Lan vào năm 2015 được dự báo có thể tăng trưởng tốt hơn nhờ việc kiểm soát dịch bệnh EMS. Sản lượng khai thác ước đạt tăng 200.000-300.000 tấn. Do vậy, giá tôm thế giới đã cho thấy xu hướng “hạ nhiệt” từ cuối năm 2014. Nhiều khả năng, xu hướng này vẫn sẽ tiếp diễn khi dịch bệnh EMS được dự báo kiểm soát tốt.
Mặt khác, việc giá tôm tăng mạnh khiến diện tích nuôi trồng tôm tại Việt Nam gia tăng từ năm 2013. Tính đến cuối 2014, sản lượng cung cấp tôm đã tăng hơn 20%; vì thế việc gia tăng này có thể tạo áp lực cung vào năm 2015.
Theo kết quả sơ bộ của đợt rà soát hành chính về thuế chống bán phá giá lần thứ 9 (POR 9) về thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm, mức thuế trung bình trong đợt rà soát này chỉ vào khoảng 0,93%, thấp hơn khá nhiều so với mức 6,37% của POR8.
Thông tin này đã tác động khá tích cực đến các doanh nghiệp trong ngành. Tuy vậy, rủi ro từ việc thay đổi trong công bố kết quả chính thức trong ít nhất 6 tháng tới vẫn có khả năng xảy ra.
Chúng tôi cho rằng, trong năm nay, ngành tôm sẽ khó đạt tốc độ tăng trưởng nhảy vọt như năm qua bởi: (1) một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Nhật Bản, đồng yên giảm giá khiến giá tôm xuất khẩu sang nước này cao tương đối so với các sản phẩm khác; (2) nguồn cung trên thế giới dự báo tăng mạnh vào năm nay.
Chúng tôi đánh giá cao những doanh nghiệp có mô hình khép kín hoặc có quy trình chuyên nghiệp kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm từ con giống đến đầu ra cuối cùng, đặc biệt là các doanh nghiệp có kế hoạch nâng cao khả năng tự chủ vùng nuôi cũng như đầu tư mở rộng sản xuất và tạo giá trị tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm.
CTCK Rồng Việt