Theo số liệu của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, 7 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản sang các nước đạt 3,62 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu tôm giảm mạnh nhất, với mức giảm 28,3%, đạt giá trị 1,55 tỷ USD; xuất khẩu cá tra giảm 8,3% đạt mức 891 triệu USD.
Tính theo tháng, xuất khẩu tôm tiếp tục giảm mạnh hơn 30% và cá tra giảm 4,5% trong tháng 7 so với tháng 7/2014.
Xét về thị trường, xuất khẩu tôm giảm mạnh 9,8% đến 51% ở hầu hết các thị trường chính, trong khi đó xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ, Trung Quốc mở rộng vẫn tăng trưởng lần lượt 2,1% và 51,9%. Điều này cho thấy xuất khẩu tôm vẫn còn gặp khó trong tương lai, trong khi đó, khó khăn của ngành cá tra là tùy vào từng thị trường.
Trong khi đó, thống kê tình hình xuất khẩu thủy sản chia theo doanh nghiệp cho thấy ở top 20 hay 10 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất ngành thủy sản đa số là các doanh nghiệp xuất khẩu tôm. Tuy nhiên, số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lọt bảng xếp hạng top 20, top 10 tăng lên so với cùng kỳ năm trước.
10 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất đóng góp 25,3% giá trị xuất khẩu toàn ngành, trong khi top 20 đóng góp 36,4% giá trị.
|
Nguồn: Số liệu Cục Hải quan Việt Nam |
7 tháng đầu năm, Thủy sản Minh Phú tiếp tục giữ ngôi vương toàn ngành, và dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tôm nói riêng với giá trị xuất khẩu đạt 177,3 triệu USD; Thủy sản Vĩnh Hoàn (mã VHC) đứng thứ 2 toàn ngành, và dẫn đầu ngành xuất khẩu cá tra với giá trị xuất khẩu 133,6 triệu USD.
Thủy sản Hùng Vương (mã HVG) đã tụt hạng từ thứ 9 xuống thứ 10 với giá trị xuất khẩu đạt 56,5 triệu USD.
Số liệu thống kê cho thấy, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cá tra trở nên gay gắt hơn khi những doanh nghiệp lớn tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chậm lại, những doanh nghiệp nhỏ đang bứt phá lên.
Theo Hồng Quân
Bizlive