Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), dù tốc độ tăng trưởng những tháng đầu năm chậm hơn so với cùng kỳ năm 2014 nhưng kết quả xuất khẩu dệt may cả năm vẫn có thể đạt mục tiêu đề ra là 27-27,5 tỷ USD.
Thông tin trên được ông Lê Tiến Trường đưa ra tại buổi họp báo Công bố kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tổ chức chiều 19/6, tại Hà Nội.
Báo cáo tại buổi họp báo, ông Trần Việt, Trưởng ban Tổng hợp pháp chế cho biết, qua 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 2 con số, đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,26% so với cùng kỳ năm 2014 (tốc độ tăng trưởng năm ngoái là 19%).
Trong đó, thị trường xuất khẩu sang Mỹ lớn nhất, chiếm 42% so với tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may, ước đạt 5,18 tỷ USD (tăng 11,01% so với cùng kỳ năm 2014). Bên cạnh đó, xuất khẩu dệt may Việt Nam sang EU ước đạt 1,45 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Đối với 2 thị trường châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, theo ông Trần Việt, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt lần lượt là 1,3 tỷ USD và 948 triệu USD.
"Tại 2 thị trường này, Việt Nam vẫn là nhà xuất khẩu dệt may lớn thứ hai sau Trung Quốc và Việt Nam vẫn đang tiếp tục mở rộng thị trường," ông Trần Việt nói.
Từ cuối tháng 1/2015, Tập đoàn Dệt may Việt Nam chính thức hoạt động theo mô hình cổ phần hóa, theo đại diện Vinatex, hiện Tập đoàn chỉ còn 53% vốn nhà nước và Vinatex đang nộp hồ sơ lưu ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam để tiến hành niêm yết.
Ông Trần Việt nhấn mạnh, đến thời điểm này Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã thoái xong hơn 90% lượng vốn cần thoái và có lãi trên 100 tỷ đồng.
Chia sẻ những cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU-FTA), ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện đang đứng thứ 8 trong số các nước xuất khẩu dệt may vào EEU với kim ngạch xuất khẩu trên 300 triệu USD.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vinatex, Hiệp định thương mại kinh tế Việt Nam - EEU lần này đang có những bước tiến triển trong đàm phán xúc tiến thương mại về Quy tắc xuất xứ, thuế quan cho các nhóm hàng ưu đãi trong đó có dệt may.
Do vậy, với sự cam kết hợp tác từ các chính phủ, dự kiến sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang EEU được kỳ vọng tăng trưởng khoảng 50% trong năm đầu tiên và khoảng 20% trong năm tiếp theo.
"Trong vòng 3 - 5 năm tới, dệt may Việt Nam có thể vươn lên đạt mức kim ngạch xuất khẩu tương đương với các đối thủ cạnh tranh như Bangladesh, Ấn Độ và nằm trong top 5 các nước xuất khẩu dệt may vào EEU," ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh./.