Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm sau khi kết quả khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy tổng sản lượng dầu trong tháng 7/2018 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đạt mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Kết thúc phiên, dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 9/2018 giảm 1,37 USD xuống còn 68,76 USD/thùng, dầu Brent giao cùng kỳ hạn giảm 0,72 USD xuống 74,25 USD/thùng.
Các nhà phân tích cho biết những thông tin mới nhất từ Nga và OPEC báo hiệu rằng thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ không thiếu nguồn cung vào cuối năm nay, điều đã tạo sức ép lên giá dầu thời gian qua.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tuần trước cho biết sản lượng dầu mỏ của Nga năm nay sẽ đạt 11,02 triệu thùng dầu/ngày, mức cao mới trong vòng 30 năm.
Trong khi đó, khảo sát sơ bộ của hãng tin Reuters cho hay, trong tháng 7/2018, OPEC đã tăng sản lượng thêm 70.000 thùng/ngày lên 32,64 triệu thùng/ngày, với sự đóng góp của cả Cộng hòa Congo. Đây đồng thời là ngưỡng cao nhất trong năm 2018 nhờ các nước thành viên tăng cường khai thác, sau khi thỏa thuận OPEC được nới lỏng kèm theo Cộng hòa Congo gia nhập vào tổ chức này. Sản lượng của Kuwait và Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất tăng lần lượt 80.000 thùng/ngày và 40.000 thùng/ngày trong tháng 7. Sản lượng của Arab Saudi trong tháng 7 gần ngưỡng kỷ lục 10,6 triệu thùng.
Trong khi đó, nguồn cung của Iran và Libya bị hạn chế. Nguồn cung từ Iran giảm 100.000 thùng/ngày do Mỹ yêu cầu các nước ngừng nhập khẩu dầu từ quốc gia Trung Đông này. Sản lượng của Venezuela cũng giảm do chịu tác động của khủng hoảng kinh tế và tình hình khai thác ở các mỏ suy giảm. Hoạt động khai thác dầu của Libya vẫn bất ổn sau khi hai cảng xuất khẩu dầu lớn của nước này hoạt động trở lại.
Tháng trước, OPEC và các nước đồng minh đồng ý tăng sản lượng khai thác nhằm bù đắp lượng dầu bị thiếu hụt từ Iran và Venezuela do chịu tác động bởi lệnh trừng phạt của Mỹ.
Arab Saudi cho biết nước này có thể sẽ tăng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày trong khi Nga và các nước ngoài OPEC chỉ tuân thủ 100% thỏa thuận giảm sản lượng. Mức độ tuân thủ thỏa thuận của OPEC trong tháng 7 giảm xuống còn 111% so với mức 116% hồi tháng 6.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã dịu xuống phần nào khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30/7 đã tuyên bố rằng ông sẽ gặp Tổng thống Iran, Hassan Rouhani, mà không cần đưa ra bất kỳ điều kiện nào trước. Động thái trên diễn ra chỉ một tuần sau khi người đứng đầu Nhà Trắng đe dọa trên mạng xã hội Twitter rằng Iran sẽ phải đối mặt với những hậu quả "ít ai từng thấy trong lịch sử" nếu Tehran đe dọa Washington.
Mỹ từng yêu cầu Iran dừng hoàn toàn việc xuất khẩu dầu mỏ và lệnh trừng phạt này sẽ được áp dụng từ tháng 11/2018. Dự kiến, giá dầu sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các số liệu về dự trữ dầu của Mỹ được công bố trong tuần này. Sáu nhà phân tích tham gia khảo sát của Reuters trước khi các báo cáo của Viện Dầu khí quốc gia Mỹ (API) và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) được công bố dự đoán dự trữ dầu của nước này trong tuần kết thúc ngày 27/7 sẽ giảm khoảng 3,2 triệu thùng.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm do USD mạnh lên. Vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.215,80 USD/ounce, thấp nhất kể từ 19/7/2018, vàng giao tháng 8/2018 giảm 0,6% trong phiên vừa qua, xuống 1.214,50 USD/ounce.
Theo nhà quản lý cấp cao George Gero của công ty tư vấn đầu tư RBC Wealth Management, nếu Trung Quốc và Mỹ thực sự tiến hành đàm phán và đạt được kết quả khả quan, điều này sẽ hỗ trợ cho thị trường kim loại bởi lẽ nó sẽ giúp Trung Quốc trở lại thị trường vàng và tiếp nhận các đơn hàng.
Trước đó, đã có những lo ngại về việc Trung Quốc dừng tiếp nhận các đơn hàng vì các khoản thuế quan và đồng USD mạnh lên.
Chỉ số đồng USD - được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - phiên này tăng 0,14% lên 94,245 (điểm).
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ tiếp tục tiến trình tăng lãi suất sau khi kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày 31/7-1/8, qua đó sẽ giúp đồng USD mạnh lên nhưng lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên phiên cuối tháng tăng 0,3% lên 15,53 USD/ounce, bạch kim cũng tăng 2,1% lên 841,1 USD/ounce.
Đối với kim loại công nghiệp, giá đồng tại London tăng 0,8% lên 6.300 USD/tấn nhờ thông tin Mỹ và Trung Quốc đang xem xét nối lại các cuộc đàm phán để giải quyết những bất đồng thương mại, trong khi hãng sản xuất Codelco cũng thực hiện các cuộc thương lượng với công nhân. Giá nhôm giảm 0,6% xuống 2.081 USD/tấn, kẽm tăng 2,7% lên 2.626 USD/tấn, chì tăng 0,1% lên 2.154,5 USD/tấn, thiếc tăng 0,3% lên 20.080 USD/tấn và nickel tăng 1,2% lên 14.030 USD/tấn.
Giá thép tại Trung Quốc tiếp tục duy trì ở mức cao nhất trong vòng hơn 5 năm. Phiên cuối tháng 7/2018, thép cây kỳ hạn giao tháng 10/2018 trên sàn Thượng Hải có lúc đạt 4.184 NDT (613 USD)/tấn, mức cao chưa từng có kể từ tháng 2/2013, trước khi kết thúc ở mức 4.171 NDT (tăng 1,1%). Thep tăng kéo quặng sắt tăng theo. Kết thúc phiên vừa qua, quặng giao tháng 9/2018 trên sàn Đại Liên ở mức 488 NDT/tấn, tính chung trong tháng 7 tăng 3,3%. Hiện quặng sắt đang quanh mức cao nhất trong vòng nhiều năm, với loại 65% đạt 133,05 USD/tấn vào ngày 27/7/2018, cao nhất kể từ tháng 5/2014, theo Metal Bulletin; quặng 62% hiện cũng đạt gần 66 USD/tấn, sau khi chạm ngưỡng 67,76 USD/tấn ngày 20/7/2018.
Số liệu của Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc cho thấy sản lượng thép trung bình ngày của các thành viên Hiệp hội trong giai đoạn 11-20/7/2018 là 1,96 triệu tấn, giảm 19.200 tấn so với 10 ngày đầu tháng 7/2018. Tồn trữ thép cây tại kho của các thương gia Trung Quốc tuần vừa qua chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1/2018, chỉ 4,09 triệu tấn.
Trên thế giới, năng suất sản xuất thép của thế giới trong tháng 6 giảm nhẹ so với tháng trước đó vì lo ngại chiến tranh thương mại sẽ làm rối loạn dòng chảy hàng hóa này, dẫn tới tình trạng dư cung. Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Thép thế giới, sản lượng thép của 64 quốc gia đạt 151,4 triệu tấn trong tháng 6, giảm 3 triệu tấn so với tháng trước. Trong đó, Trung Quốc chiếm gần 53% tổng sản lượng thép. Tuy nhiên tính chung 6 tháng đầu năm, nhóm quốc gia này sản xuất được 881,5 triệu tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2018, các quốc gia tăng cường sản xuất khi nhận thấy biên lợi nhuận của ngành thép tăng mạnh trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc chủ trương giảm năng suất luyện thép để bảo vệ môi trường.
Sản lượng thép của Trung Quốc đạt 451,2 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm nay bất chấp tác động từ chính sách bảo vệ môi trường của chính phủ và thuế nhập khẩu của Mỹ. Tính riêng tháng 6, sản lượng đạt 80,2 triệu tấn tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Mỹ, các nhà máy phải tăng năng suất thép trong nước so với cùng kỳ năm ngoái để bù cho nguồn thép nhập khẩu giảm sau chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump. Sản lượng thép của nước này tăng 2,9% lên 41,9 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm nay. Riêng tháng 6 ghi nhận sản lượng đạt 6,9 triệu tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, một số nước sản xuất thép lớn tại châu Á và châu Âu đều ghi nhận sản lượng tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Tại châu Á, sản lượng thép 6 tháng đầu năm của Ấn độ và Nhật Bản lần lượt tăng 5,1% và 1,3%. Trong năm 2017, Ấn Độ từng vươn lên trở thành nước sản xuất thép lớn thứ hai thế giới. Châu Âu cũng sản xuất được tổng 87,3 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì tăng, với hợp đồng giao tháng 9/2018 tăng 7-1/4 US cent đạt 5,53-3/4 USD/bushel. Lo ngại sản lượng sụt giảm do thời tiết tiếp tục hỗ trợ giá lúa mì. Các chuyên gia đã hạ dự báo về sản lượng của Nga, Liên minh châu Âu và Australia do thời tiết năm nay xấu, trong khi khô hạn kéo dài ở nhiều nơi thuộc vùng trung tây nước Mỹ cũng gây bất lợi cho mùa màng. Thông tin mới nhất vừa cho thấy sản lượng của Thụy Điển năm nay có thể giảm mạnh 40%, trong khi mưa quá nhiều vào tháng 7/2018 ở Bulgari chắc chắn cũng khiến sản lượng của nước này giảm xuống chỉ khoảng 5,5 triệu tấn vì năng suất thấp hơn khoảng 7% so với năm trước, đó là chưa kể đến chất lượng cũng kém đi.
Giá đậu tương cũng tăng 3% lên mức cao nhất 1,5 tháng do kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc nối lại đàm phán sẽ giúp mở lại cánh cửa xuất khẩu đậu tương Mỹ. Hợp đồng đậu tương giao tháng 11/2018 trên sàn Chicago tăng 28 US cent tương đương 3% lên 9,19 USD/bushel, cao nhất kể từ 18/6/2018. Quan hệ thương mại giữa Mỹ và châu Âu đang cải thiện, nhưng không có gì đảm bảo rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhập khẩu lượng đậu tương nhiều như mức Washington mong muốn. Theo số liệu được Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố mới đây, EU được dự đoán sẽ nhập 15,3 triệu tấn đậu tương trong niên vụ 2018/19. Mỹ là nước xuất khẩu đậu tương lớn thứ hai trên thế giới sau Brazil. Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Mỹ đạt 138 tỷ USD trong năm 2017, trong đó đậu tương, mặt hàng xuất khẩu giá trị nhất của nước này, chiếm 21,5 tỷ USD.
Giá đường thô giao tháng 10/2018 vừa giảm 0,27 US cent tương đương 2,5% xuống 10,55 US cent/lb vào lúc đóng cửa, trước đó có lúc chỉ đạt 10,45 US cent, thấp nhất (đối với hợp đồng giao sau 3 tháng) kể từ cuối tháng 8/2015. Đường thô đã giảm tổng cộng 11% trong tháng 7/2018, nhiều nhất kể từ tháng 1/2018. Đường trắng giao tháng 10/2018 cũng giảm 2,9 USD (0,9%) trong phiên cuối tháng xuống 317,9 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 4/2018.
Lý do bởi nguồn cung dư thừa khi Thái Lan và Ấn Độ được mùa lớn, bù lại cho khả năng sản lượng giảm ở Brazil.
Trong số các sản phẩm cây công nghiệp, cà phê arabica giao tháng 9/2018 giảm 1,5 US cent tương đương 1,3% xuống 1,099 USD/lb do đồng real Brazil giảm giá. Robusta giao cùng kỳ hạn giảm 16 USD tương đương 1% xuống 1.644 USD/tấn.
Giá chè orthodox tại Ấn Độ hiện thấp hơn khoảng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái do các ngân hàng nước này không tạo thuận lợi cho việc cấp tín dụng thư bằng đồng rupee cho hoạt động kinh doanh với Iran nữa (do Iran bị Mỹ tái trừng phạt về kinh tế). Hiện chè orthodox loại hảo hạng giá chỉ 216,63 rupee/kg, so với 238,32 rupee cách đây một năm. Trong 5 tháng đầu năm 2018, Ấn Độ xuất khẩu 10,36 triệu kg chè sàn Iran, tăng 13,59% so với cùng kỳ năm trước. Hàng năm Ấn Độ thường xuất khẩu khoảng 29-30 triệu kg chè orthodox sang Iran – thị trường phải nhập khẩu tới 95% nhu cầu chè, trong đó gần 90% từ Sri Lanka và Ấn Độ.
Còn tại Bangladesh, giá chè trong phiên đấu giá tuần này tăng lần thứ 11 liên tiếp do nhu cầu mạnh đối với chè chất lượng cao trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm. Giá đạt mức trung bình 238,27 taka (2,7 USD)/kg tại thành phố cảng Chittagong, so với 276,34 taka tuần trước. Sản lượng chè của Bangladesh đã giảm xuống gần 79 triệu kg trong năm 2017 so với mức cao kỷ lục 85 triệu kg năm trước đó do mưa quá nhiều.
Đối với mặt hàng cao su, hợp đồng giao tháng 1/2019 trên sàn Tokyo giá tăng 0,8 JPY (0,0072 USD) lên 170,4 JPY/kg nhưng hợp đồng giao tháng 9/2018 trên sàn Thượng Hải lại giảm 20 NDT (2,93 USD) xuống 10.340 NDT/tấn. Tồn trữ tiếp tục ở mức cao tại cả Nhật Bản và Trung Quốc khiến thị trường cao su châu Á chưa thể khởi sắc. Cao su RSS3 của Thái Lan kết thúc tháng 7/2018 ở mức 1,47 USD/kg trong khi loại SMR20 của Malaysia là 1,32 USD/kg.
Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cho biết các yếu tố cơ bản có sự cải thiện cũng không thể đẩy giá cao su thoát khỏi xu hướng giảm. Theo tổ chức này, nhu cầu cao su tự nhiên toàn cầu 6 tháng đầu năm 2018 đã tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, lên gần 7 triệu tấn, trong khi đó nguồn cung cùng kỳ tăng 4,5% lên 6,2 triệu tấn (tức là thiếu hụt 746.000 tấn).

Giá hàng hóa thế giới

Hàng hóa

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

68,76

-1,3

Dầu Brent

USD/thùng

74,25

-0,72

-0,96%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

50.050,00

-480,00

-0,95%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,78

-0,01

-0,25%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

212,91

-3,12

-1,44%

Dầu đốt

US cent/gallon

213,19

-3,91

-1,80%

Dầu khí

USD/tấn

657,25

-8,25

-1,24%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

68.430,00

-230,00

-0,33%

Vàng New York

USD/ounce

1.233,40

-0,20

-0,02%

Vàng TOCOM

JPY/g

4.393,00

+30,00

+0,69%

Bạc New York

USD/ounce

15,54

-0,02

-0,15%

Bạc TOCOM

JPY/g

55,80

+0,50

+0,90%

Bạch kim giao ngay

USD/ounce

836,97

-1,65

-0,20%

Palladium giao ngay

USD/ounce

932,95

-1,63

-0,17%

Đồng New York

US cent/lb

281,55

-1,60

-0,57%

Đồng LME 3 tháng

USD/tấn

6.300,00

+50,00

+0,80%

Nhôm LME 3 tháng

USD/tấn

2.081,00

-13,00

-0,62%

Kẽm LME 3 tháng

USD/tấn

2.625,00

+68,00

+2,66%

Thiếc LME 3 tháng

USD/tấn

20.080,00

+55,00

+0,27%

Ngô

US cent/bushel

386,50

+5,25

+1,38%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

553,75

+7,25

+1,33%

Lúa mạch

US cent/bushel

245,75

+3,00

+1,24%

Gạo thô

USD/cwt

11,92

-0,04

-0,33%

Đậu tương

US cent/bushel

919,00

+28,00

+3,14%

Khô đậu tương

USD/tấn

341,40

+7,70

+2,31%

Dầu đậu tương

US cent/lb

29,30

+0,45

+1,56%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

500,80

+7,00

+1,42%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.170,00

-69,00

-3,08%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

109,90

-1,50

-1,35%

Đường thô

US cent/lb

10,55

-0,27

-2,50%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

167,40

-1,70

-1,01%

Bông

US cent/lb

89,59

+0,39

+0,44%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

455,40

+9,90

+2,22%

Cao su TOCOM

JPY/kg

170,70

+0,30

+0,18%

Ethanol CME

USD/gallon

1,46

+0,01

+0,90%

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg