Là một trong những ngành có năng suất cao nhất thế giới nhưng ngành trồng mía của Thái Lan đang phải đối mặt với hai thách thức lớn, đó là hạn hán nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến sức khỏe.
Theo Tập đoàn Công nghiệp Đường Thái Lan, sản lượng đường trong nước cho niên vụ 2020 – 2021 (từ tháng 11/2020 đến tháng 10/2021) sẽ đạt khoảng 6,6 triệu tấn, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây và chưa bằng một nửa của mức kỷ lục ghi nhận được trong niên vụ 2017 – 2018.
Hạn hán là yếu tố chính ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất mía. Ngay cả trong mùa mưa năm nay, Thái Lan cũng ghi nhận lượng mưa ít hơn bình thường. Sản lượng trong niên vụ sắp tới dự kiến cũng chỉ tương đương con số của niên vụ 2020 – 2021. Để thích nghi với sự nóng lên toàn cầu, nhiều nông dân trồng mía có xu hướng chuyển sang trồng sắn, một loại cây có khả năng chịu hạn tốt hơn.
Sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng Thái Lan là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sản lượng đường của nước này sụt giảm. Ảnh: Getty Images.
Sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng Thái Lan cũng là một nguyên nhân dẫn tới sản lượng đường của nước này sụt giảm. Nhằm giải quyết các vấn đề sức khỏe như béo phì và tiểu đường, Thái Lan đã áp thuế đường vào năm 2018, tức là đồ uống nào có hàm lượng đường càng cao thì các nhà sản xuất phải trả thuế càng cao. Mức thuế này sau đó đã được tăng lên vào năm 2019 và dự kiến tiếp tục tăng trong tháng 10 năm nay.
Nguồn cung hạn chế hơn và thuế cao hơn có thể làm tăng chi phí đối với các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống, từ đó kéo giảm nhu cầu tiêu thụ đường và gây thiệt hại cho các nhà sản xuất nguyên liệu này.
Trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng tiếp cận với loại thực phẩm thay thế lành mạnh hơn, các nhà sản xuất đồ uống cũng đưa ra công thức ít ngọt hơn. Gần đây, Coca-Cola đã ra mắt một nhãn hiệu nước ngọt không đường mới. Các đối thủ của họ cũng làm điều tương tự. TCP Group, với thức uống năng lượng nổi tiếng Red Bull, cũng “trình làng” một loại đồ uống đặc biệt mới có ít đường hơn và thêm chiết xuất nhân sâm Hàn Quốc.
Nói cách khác, họ bắt đầu bổ sung các chất chiết xuất có nguồn gốc tự nhiên và vitamin vào sản phẩm để thu hút người mua. TCP Group là một ví dụ khi gia nhập thị trường đồ uống chức năng vào năm 2018, ngay sau khi chính phủ Thái Lan áp thuế với đường. Doanh thu từ đồ uống chức năng và đồ uống đặc biệt đã tăng từ 7 tỷ baht vào năm 2018 lên 9,2 tỷ baht vào năm 2020.
Để giữ thị phần trên thị trường nước giải khát Thái Lan, các nhà sản xuất bắt buộc phải làm như vậy dù chi phí với đường lên cao.
“Người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều tới sức khỏe. Chúng ta có thể thấy các nhà sản xuất đồ uống đang phải tự điều chỉnh để phù hợp với tình hình”, một chuyên gia phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn cho hay. Chưa kể, giá đường cao do nguồn cung thấp cũng là một lý do buộc các nhà sản xuất giảm hàm lượng đường trong sản phẩm.
Tại Thái Lan, hơn 5 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, khiến chính phủ tiêu tốn hàng tỷ baht mỗi năm cho chi tiêu y tế công.
Thuế đường đã đè nặng lên thị trường đồ uống có đường của Thái Lan, với quy mô giảm xuống 10,4 tỷ baht (320 triệu USD) vào năm nay, từ mức 13,1 tỷ baht trước khi thuế đường có hiệu lực.
Dù vậy, thị trường đồ uống có đường và không đường vẫn đang phát triển ở Thái Lan. Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn dự đoán quy mô thị trường đồ uống không chứa cồn của nước này sẽ tăng 1,5% trong năm nay lên gần 200 tỷ baht.