Năng lượng: Giá dầu giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2021
Phiên cuối tuần, 16/7, giá dầu Brent tăng 12 US cent tương đương 0,2% lên 73,59 USD/thùng, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 16 US cent, tương đương 0,2%, lên 71,81 USD/thùng.
Doanh số bán lẻ tại Mỹ bất ngờ tăng trong tháng Sáu khi nhu cầu hàng hóa vẫn mạnh dù hoạt động chi tiêu quay trở lại với các dịch vụ, đưa đến hy vọng tăng trưởng kinh tế sẽ mạnh lên trong quý II.
Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, trước tình hình giá dầu tăng trong những tháng qua, số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ tiếp tục tăng chậm. Với 2 giàn được đưa vào hoạt động trong tuần qua, tổng số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ đã lên tới 380, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.
OPEC nhận định nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng trong năm tới, lên mức trước đại dịch là khoảng 100 triệu thùng/ngày, chủ yếu nhờ tăng trưởng nhu cầu tại Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.
Tuy nhiên, dù tăng nhẹ phiên cuối tuần, giá dầu Brent giảm gần 3% trong cả tuần, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp. Còn giá dầu WTI giảm gần 4% trong cả tuần, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng Ba.
Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) ngày 14/7 đã đạt được thỏa hiệp về chính sách sản lượng của OPEC+, mở đường cho việc các nhà sản xuất OPEC + hoàn tất thỏa thuận về mức tăng sản lượng dầu mỏ trong thời gian tới.
Theo đó, hạn ngạch cơ sở của UAE sẽ được nâng từ 3,168 triệu thùng/ngày hiện nay lên 3,65 triệu thùng/ngày. Mức hạn ngạch mới của UAE sẽ được áp dụng từ tháng 5/2022. Theo báo Arab News của Saudi Arabia, UAE hiện vẫn đang thảo luận với Saudi Arabia và các thành viên khác trong OPEC+ để có được các điều khoản tốt hơn vì Abu Dhabi muốn có mức hạn ngạch 3,8 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, virus Covid-19 biến thể đang lây lan nhanh ở khắp nơi trên thế giới, làm gia tăng lo ngại về sự ảnh hưởng đối với tốc độ hồi phục kinh tế toàn cầu, nhất là ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vì nhiều nơi phải phong tỏa trở lại, làm giảm nhu cầu dầu mỏ. Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã vượt qua Ấn Độ về số ca mắc mới hàng ngày trong tuần này, tiếp tục là tâm chấn mới của châu Á trong đại dịch Covid-19, trong khi một số nước láng giềng cũng đang chứng kiến số ca mắc kỷ lục. Melbourne bắt đầu đóng cửa nhanh chóng trở lại sau khi Sydney gia hạn các hạn chế đến cuối tháng Bảy. Quận Los Angeles cũng thông báo với cư dân của mình phải đeo khẩu trang trong nhà - ngay cả khi đã được tiêm phòng - sau khi số ca mắc bệnh tăng đột biến.
Kim loại quý: Giá vàng tăng tuần thứ tư liên tiếp
Giá vàng giảm khỏi mức cao nhất 1 tháng khi chốt phiên cuối tuần (16/7) do sức ép từ lợi suất trái phiếu của Mỹ tăng nhẹ và đồng USD mạnh lên.
Phiên này, giá vàng giao ngay kết thúc ở mức giảm 0,8% xuống 1.814,11 USD/ounce, vàng kỳ hạn tương lai giảm 0,8% xuống 1.815 USD/ounce.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá vẫn tăng 0,3% và là tuần tăng thứ tư liên tiếp.
Ông Mark Haefele, Giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management, công ty tư vấn cho nhiều người siêu giàu trên thế giới, nhận định lãi suất tại Mỹ sẽ tăng khi nền kinh tế phục hồi mạnh. Ông cho rằng lợi suất trái phiếu sẽ có xu hướng giảm khi lòng tin vào đà phục hồi kinh tế mạnh lên. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm sẽ tăng lên 2% vào cuối năm, phù hợp với sự phục hồi của thị trường chứng khoán.
Trước đó, trong phiên điều trần trước Quốc hội, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell rằng thị trường lao động của Mỹ “còn lâu nữa” mới đạt được sự tiến triển cần thiết để Fed giảm sự hỗ trợ cho nền kinh tế và những lo ngại về khả năng nền kinh tế toàn cầu chững lại.
Về những kim loại quý khác, giá palladium phiên cuối tuần giảm 3,2% xuống 2.644,20 USD/ounce, tính chung cả tuần giảm tuần đầu tiên trong 4 tuần; trong khi bạch kim mất 2,9% trong phiên 16/7 xuống 1.105,03; bạc giảm 2,3% xuống 25,71 USD/ounce.
Kim loại công nghiệp: Giá thép không gỉ tăng cao kỷ lục lịch sử
Phiên cuối tuần, giá sắt thép tiếp tục tăng. Giá quặng sắt kỳ hạn giao tháng 9 trên sàn Đại Liên phiên này tăng 1,9% lên 1.241 nhân dân tệ/tấn; quặng sắt 62% nhập khẩu giao ngay tại cảng biển Trung Quốc tăng 1 USD lên 221,5 USD/tấn; than luyện cốc trên sàn Đại Liên tăng 2,4% lên 2.053 nhân dân tệ/tấn, và than cốc tăng 3,1% lên 2.693 nhân dân tệ/tấn.
Đối với các loại thép, giá thép thanh vằn – dùng trong xây dựng – trên sàn Thượng Hải, kỳ hạn giao tháng 10, tăng 0,2% lên 5.559 nhân dân tệ/tấn, trong khi giá thép cuộn cán nóng – dùng trong sản xuất và chế tạo - giảm 0,1% xuống 5.952 nhân dân tệ/tấn.
Đáng chú ý, giá thép không gỉ trên thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh 3 phiên liên tiếp, thêm gần 7%, lên mức cao kỷ lục mới do tiêu thụ mạnh trong khi nguồn cung nguyên liệu thô không đáp ứng đủ nhu cầu, giữa bối cảnh thị trường chưa hết lo ngại về việc Trung Quốc cắt giảm sản lượng thép.
Hợp đồng thép không gỉ kỳ hạn tham chiếu – kỳ hạn tháng 8/2021 – phiên 16/7 có thời điểm tăng 6,7% lên 19.175 nhân dân tệ (2.965,15 USD)/tấn trong phiên, kết thúc phiên vẫn cao hơn 4,3% so với đóng cửa phiên liền trước, đạt 18.740 nhân dân tệ/tấn, mức cao nhất kể từ khi giao dịch hợp đồng thép không gỉ bắt đầu lên sàn giao dịch Thượng Hải vào năm 2019. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp giá thép không gỉ lập những đỉnh cao chưa từng có trong lịch sử.
Đối với kim loại cơ bản, đáng chú ý là mặt hàng thiếc. Giá thiếc đạt mức cao kỷ lục do lo ngại nguồn cung tại nước sản xuất lớn – Myanmar, cùng với đó là giá thép không gỉ tăng cũng đẩy giá nickel tăng lên mức cao nhất 5 tháng.
Giá thiếc trên sàn London phiên cuối tuần tăng 1,3% lên 33.565 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 33.840 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 4/2011 (33.600 USD/tấn). Giá nickel trên sàn London tăng 0,7% lên 19.085 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/2021.
Myanmar – nước sản xuất thiếc lớn thứ 3 thế giới – bị ảnh hưởng bởi các trường hợp nhiễm Covid-19 ngày càng gia tăng và một cuộc khủng hoảng chính trị. Hiệp hội thiếc quốc tế cho biết, thị trường thiếc toàn cầu đạt 380.000 tấn và dự kiến trong năm nay sẽ thiếu hụt 10.200 tấn. Con số này sẽ tăng mạnh lên 12.700 tấn trong năm 2022.
Nông sản: Giá đồng loạt tăng
Phiên cuối tuần, giá lúa mì tại Chicago tăng 3% và có tuần tăng mạnh nhất 6 năm, do điều kiện thời tiết ảnh hưởng đến cây trồng lúa mì tại Bắc Mỹ, châu Âu và Nga, dấy lên mối lo ngại về nguồn cung toàn cầu.
Theo đó, giá lúa mì kỳ hạn tháng 9/2021 tăng 20-1/4 US cent lên 6,92-1/4 USD/bushel. Tính chung cả tuần, giá lúa mì tăng hơn 12% - tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2015. Giá lúa mì vụ xuân kỳ hạn tháng 9/2021 tăng 22-1/2 US cent lên 9,16-1/2 USD/bushel, sau khi đạt 9,25 USD/bushel – mức cao nhất kể từ tháng 12/2012. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2021 tăng 14-1/4 US cent lên 13,94-1/4 USD/bushel, trong khi giá ngô kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 2 US cent xuống 5,54-1/4 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn ICE tăng 0,38 US cent tương đương 2,2% lên 17,71 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn London tăng 7,7 USD tương đương 1,8% lên 443,7 USD/tấn. Tính chung cả tuần, giá đường cũng tăng
Giá cà phê arabica phiên 16/7 tăng gần 3%, do các vấn đề logistics đã hạn chế dòng cà phê từ 2 nước xuất khẩu hàng đầu; arbica kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn ICE tăng 4,3 US cent tương đương 2,7% lên 1,6135 USD/lb; robusta kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn London tăng 11 USD tương đương 0,6% lên 1.767 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 2,5 năm (1.777 USD/tấn).
Giá cao su tại Nhật Bản hồi phục từ mức thấp nhất 8 tháng trong đầu tuần, do kỳ vọng thị trường tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – sẽ hỗ trợ nhiều hơn để củng cố sự phục hồi nền kinh tế sau Covid-19. Mặc dù vậy, giá cao su vẫn có tuần giảm.
Phiên cuối tuần, giá cao su kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn Osaka tăng 1 JPY tương đương 0,5% lên 214,9 JPY (2 USD)/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su giảm 0,7% - tuần giảm thứ 3 liên tiếp, trong bối cảnh lo ngại đại dịch virus corona trên toàn cầu gia tăng; cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 315 CNY lên 13.570 CNY (2.098 USD)/tấn.