Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm hơn 2% sau khi các nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới đạt được thỏa hiệp về nguồn cung trong khi nhu cầu nhiên liệu ở Mỹ giảm trong tuần vừa qua.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giảm 1,73 USD (2,26%) xuống 74,76 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,12 USD (2,82%) xuống 73,13 USD/thùng; chênh lệch giữa giá dầu thô Brent và dầu WTI tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 6/7/2021.
Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đạt được thỏa thuận mở đường cho Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đối tác, còn gọi là OPEC+, đạt được một thỏa thuận để tăng cường nguồn cung dầu mỏ trên toàn cầu, giữa bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của nước này tuần qua đã giảm nhiều hơn dự đoán, và là tuần sụt giảm thứ 8 liên tiếp. Tuy nhiên, thông tin này bị lu mờ do nhu cầu xăng dầu giảm.
Chủ tịch Andrew Lipow của công ty tư vấn Lipow Oil Associates có trụ sở ở Houston (Mỹ) cho biết nhu cầu xăng và dầu diesel giảm đáng kể đã gây áp lực lên giá nhiên liệu, bất chấp dự trữ dầu thô tiếp tục giảm. Mặc dù các nhà máy lọc dầu giảm hoạt động, dự trữ xăng dầu của Mỹ vẫn tăng cao khi tăng thêm 1 triệu thùng, trái ngược so với kỳ vọng giảm 1,8 triệu thùng trước đó.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell cho rằng, ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ phù hợp bất chấp chỉ số lạm phát tăng đột biến.
Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 1% lên 1.824,75 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn New York tăng 0,8% lên 1.825 USD/ounce.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu điều trần trong hai ngày 14-15/7 trước Quốc hội Mỹ về tình hình kinh tế. Tại đó, ông nhắc lại rằng việc lạm phát tăng mạnh cuối cùng sẽ dịu bớt và đây là xu hướng tạm thời.
Giá vàng còn nhận được thêm động lực khi Bộ Lao động Mỹ ngày 14/7 công bố số liệu cho thấy chỉ số giá của nhà sản xuất trong tháng Sáu tăng 1% so với tháng Năm và tăng kỷ lục 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao tháng Chín tăng 13,1 xu Mỹ, hay 0,5%, lên 26,271 USD/ounce; giá bạch kim giao tháng 10/2021 tăng 16,9 USD, hay 1,52%, lên 1.128,1 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm do nhu cầu chậm lại tại nước tiêu thụ kim loại hàng đầu – Trung Quốc và sự không chắc chắn về lạm phát gia tăng.
Theo đó, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,8% xuống 9.342 USD/tấn – giảm phiên thứ 3 liên tiếp. Giá đồng giảm kể từ khi đạt mức cao kỷ lục (10.747,5 USD/tấn) trong tháng 5/2021, song vẫn tăng 21% kể từ đầu năm đến nay; đồng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 0,4% xuống 68.870 CNY (10.637,28 USD)/tấn.
Giá quặng sắt tại Đại Liên tăng, song tại Singapore giảm do lo ngại về triển vọng nhu cầu quặng sắt tại nước sản xuất thép hàng đầu – Trung Quốc. Cụ thể, quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên tăng 0,8% lên 1.219,5 CNY (188,36 USD)/tấn; quặng sắt kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn Singapore giảm 0,5% xuống 209,15 USD/tấn.
Giá thép tăng bởi lo ngại chính sách siết chặt sản xuất sẽ khiến nguồn cung thép trở nên khan hếm. Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 2,9%, thép cuộn cán nóng tăng 2,6%.
Đặc biệt, giá thép không gỉ tăng 4,1% lên 17.965 CNY/tấn – cao nhất kể từ năm 2019, do nhu cầu tăng cao và tồn trữ tại Trung Quốc ở giảm mạnh.
Xuất khẩu thép của Trung Quốc suy giảm, bởi nhu cầu tại các nước Đông Nam Á chậm lại, do làn sóng nhiễm Covid-19 mới trong khu vực, công ty tư vấn Mysteel cho biết.
Trên thị trường nông sản, giá ngô và đậu tương Mỹ đạt mức cao nhất gần 2 tuần, do dự báo thời tiết khô tại khu vực Trung tây Mỹ trong tuần tới và tình trạng khô hạn tiếp tục tại khu vực phía bắc Mỹ đe dọa triển vọng năng suất cây trồng.
Cụ thể, giá ngô kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn Chicago tăng 18 US cent lên 5,58-3/4 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 5,62-3/4 USD/bushel – cao nhất kể từ ngày 2/7/2021; đậu tương kỳ hạn tháng 8/2021 tăng 38-1/4 US cent lên 14,53 USD/bushel và giá đậu tương vụ mới kỳ hạn tháng 11/2021 tăng 31-1/2 US cent lên 13,83-1/4 USD/bushel; lúa mì đỏ mềm, vụ đông kỳ hạn tháng 9/2021 tăng 20-1/2 US cent lên 6,54-1/4 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn ICE giảm 0,15 US cent tương đương 0,9% xuống 16,93 US cent/lb; giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn London tăng 1,4 USD tương đương 0,3% lên 425,3 USD/tấn.
Giá cà phê tăng hơn 2% do bị tắc nghẽn giao thông ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển cà phê, đồng thời đồng real Brazil tăng mạnh cũng hỗ trợ giá.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn ICE tăng 4,35 US cent tương đương 2,9% lên 1,566 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn London tăng 45 USD tương đương 0,9% lên 1.762 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm phiên thứ 6 liên tiếp và chạm mức thấp nhất 8 tháng, do lo ngại sự gia tăng đột biến của biến thể Delta trên toàn thế giới và nhập khẩu cao su tại nước mua hàng đầu thế giới – Trung Quốc – suy giảm, gây áp lực thị trường.
Giá cao su kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn Osaka giảm 4,2 JPY tương đương 2% xuống 209,6 JPY (1,9 USD)/kg, trong đầu phiên giao dịch giá cao su chạm mức thấp nhất kể từ ngày 9/11/2020 (208,2 JPY/kg).
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 85 CNY tương đương 0,6% xuống 13.180 CNY (2.035 USD)/tấn.
Nhập khẩu cao su tự nhiên và tổng hợp của Trung Quốc trong tháng 6/2021 giảm 13,5% so với tháng 6/2020.
Giá hàng hóa thế giới sáng 15/7/2021