Giết mổ lợn trong vùng dịch phải báo thú y lấy mẫu xét nghiệm
Thanhnien.vn đưa tin, ngày 29/5/2019, Bộ NN-PTNT đã ký ban hành hướng dẫn các địa phương thực hiện một số biện pháp khẩn cấp về quản lý giết mổ, tiêu thụ sản phẩm từ lợn khi có dịch tả lợn châu Phi.
Bộ cho phép các cơ sở giết mổ tập trung, nhỏ lẻ đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y được phép tiếp nhận, giết mổ lợn khỏe khi có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi từ cơ sở nuôi lợn ở trong vùng đang có dịch, ngoài vùng dịch thuộc phạm vi trong và ngoài địa bàn cấp tỉnh. Lợn từ cơ sở nuôi phải vận chuyển trực tiếp đến cơ sở giết mổ, không vận chuyển lợn đến điểm thu gom tập trung để giảm thiểu nguy cơ lây lan mầm bệnh.
Đối với lợn xuất phát từ cơ sở thu gom, kinh doanh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi trước khi vận chuyển đến cơ sở giết mổ. Lợn từ các tỉnh khác chuyển về ngoài yêu cầu kiểm tra âm tính với mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi, lợn phải được kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh. Đặc biệt, ở vùng đang có dịch tả lợn châu Phi, lợn trước khi được vận chuyển đến cơ sở giết mổ, chủ cơ sở chăn nuôi phải báo cho cơ quan thú y địa phương để giám sát và lấy mẫu xét nghiệm mầm bệnh.
Về lấy mẫu xét nghiệm, Bộ NN-PTNT cũng cho phép lấy mẫu từ nhiều con lợn khác nhau để gộp thành một mẫu xét nghiệm.
Tháng 6 sẽ có biểu thuế ưu đãi theo Hiệp định CPTPP
Theo
thanhnien.vn, nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của VN để thực hiện CPTPP đã được trình lên Chính phủ và dự kiến vào tháng 6 sẽ ban hành. Khi đó các DN đã có tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu vào các nước thành viên CPTPP sẽ được hưởng thuế suất thuế ưu đãi đặc biệt từ ngày 14.1.2019. Biểu thuế được xây dựng theo lộ trình 4 năm (2019 - 2022).
4 lưu ý quan trọng mà DN cần đáp ứng để được hưởng ưu đãi trong hiệp định CPTPP gồm: giao thương với các DN trong nhóm 6 nước đã phê chuẩn và thực thi hiệp định CPTPP gồm: New Zealand, Canada, Nhật, Mexico và Singapore.
Thứ hai, lộ trình của biểu thuế là 4 năm, nên DN cần rà soát xem sản phẩm của mình thuộc dòng hàng nào và lộ trình cắt giảm của dòng hàng đó. Chẳng hạn nhập khẩu ô tô từ Nhật Bản, từ năm 2019 sẽ giảm về 64% và các năm tiếp theo tiếp tục giảm thêm khoảng 6% mỗi năm. Thứ ba, để được hưởng ưu đãi DN phải có hồ sơ hàng nhập khẩu tại nước nhập khẩu và phải có chứng từ vận đơn vận tải và cuối cùng là hàng hóa phải có chứng nhận xuất xứ từ các nước thuộc CPTPP.
Xuất khẩu cá tra sang Nga- thị trường thiếu minh bạch và thất thường
Theo
vietnambiz.vn, 100% sản phẩm cá tra, basa nhập khẩu của Nga từ Việt Nam, chủ yếu dưới dạng phile đông lạnh. Tuy nhiên, Nga là một thị trường thất thường, hay thay đổi và chưa có tính minh bạch cao.
Ba tháng đầu năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Nga đạt gần 4,9 triệu USD, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái. VASEP nhận định Nga và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu khó dự đoán do tính dao động thất thường về hoạt động nhập khẩu của họ.
Trong 10 năm từ 2011-2019, giá trị xuất khẩu cá tra, basa sang Nga không ổn định, có xu hướng giảm dần. Hai năm 2011 - 2012 xuất khẩu cá tra đạt mức cao nhất từ 51 - 54 triệu USD. Từ đó tới nay, giá trị xuất khẩu cá tra qua các năm giảm dần, dao động thất thường.
VASEP cho hay năm 2018, Trung Quốc, Việt Nam và Nga là ba nước xuất khẩu cá thịt trắng lớn nhất thế giới. Trong đó, mỗi thị trường có một sản phẩm thế mạnh riêng. Vừa là cường quốc xuất khẩu cá thịt trắng với thế mạnh cá Alaska pollock, Nga cũng là một trong những nước có nhu cầu cao nhập khẩu sản phẩm cá thịt trắng.
Hiện Việt Nam là nguồn cung cá thịt trắng lớn thứ hai tại Nga (sau Trung Quốc).
100% sản phẩm cá tra, basa nhập khẩu của Nga từ Việt Nam và chủ yếu dưới dạng phile đông lạnh. Đây cũng là thị trường truyền thống và sẵn lòng với sản phẩm cá tra phile đông lạnh thịt vàng.
Trên thực tế, VASEP cho biết Nga là thị trường rất đặc biệt. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa cũng khó tận dụng FTA nhằm mục đích gia tăng hoạt động xuất khẩu. Đó là nhận xét của một số doanh nghiệp đối với Nga, theo VASEP. Hơn thế, so với nhiều thị trường xuất khẩu khác thì giá xuất khẩu sang Nga không thực sự hấp dẫn.
Trong các năm 2008, 2012, 2013, 2014, Nga cũng nhiều lần ban hành lệnh tạm ngưng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vì lý do an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhưng xét theo lịch sử thương mại, VASEP nhận xét Nga vẫn dành nhiều ưu ái hơn cho sản phẩm cá rô phi của Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam hiện vẫn chưa dành nhiều tâm sức để gia tăng xuất sang thị trường này.
Doanh nghiệp gạo lao đao giữ lợi nhuận
Theo
vneconomy.vn, xuất khẩu gạo đang giảm mạnh cả về khối lượng và giá trị, khiến nhiều doanh nghiệp ngành lúa gạo đang lao đao. Vì vậy muốn tồn tại, giữ và tăng được lợi nhuận, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo cần phải cơ cấu lại các sản phẩm, tiếp tục đầu tư tìm kiếm, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong 4 tháng đầu năm nay đã xuất khẩu 2,02 triệu tấn gạo, đem về 865 triệu USD. Trong tháng 5/2019, ước xuất khẩu hơn 600.000 tấn gạo, với giá trị hơn 250 triệu USD. Tính trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo giảm 8% về khối lượng và giảm 24% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Hiện Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 35,4% thị phần.
Xét về chủng loại xuất khẩu đầu năm đến nay, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 48,8% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 27,6%; gạo nếp chiếm 6,9% và gạo Japonica, gạo giống Nhật chiếm 6,7%.
Việc kim ngạch xuất khẩu gạo giảm mạnh chưa phải là điều đáng lo nhất, quan ngại nhất là Trung Quốc đã tụt xuống vị trí thứ 7 trong danh sách các thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam. Nhiều năm liền từ 2011-2017, Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến khoảng 35-40% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm tới 95,14% về lượng và 95,48% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, khiến giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường này chưa đạt 30 triệu USD, quá nhỏ so với tổng kim ngạch xuất khẩu gạo 1,12 tỷ USD trong thời gian này.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, từ tháng 6/2018 đến nay Trung Quốc đánh thuế nhập khẩu gạo Việt Nam lên mức 50%, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu mặt hàng này.
Phế liệu nhập từ Đài Loan tăng đột biến
Theo
thanhnien.vn, nhập khẩu phế liệu tính đến ngày 15/5/2019 của cả nước có xu hướng giảm, song nhập từ thị trường Đài Loan lại tăng mạnh, chiếm 76% kim ngạch nhập sắt phế liệu của cả nước.
Tính từ đầu năm đến ngày 15.5, cả nước nhập hơn 1,68 triệu tấn sắt thép phế liệu với tổng kim ngạch hơn 530 triệu USD, giảm khoảng 181.500 tấn và giảm 130 triệu USD so với cùng kỳ 2018. Cũng so với cùng kỳ năm ngoái, giá trung bình sắt thép phế liệu nhập năm nay thấp hơn 40 USD/tấn. Tuy nhiên, số lượng nhập từng thị trường cụ thể lại khác.
Đặc biệt, có sự gia tăng đột biến về phế liệu thép từ Đài Loan về Việt Nam trong thời gian qua. Riêng tháng 4, cả nước nhập hơn 42.000 tấn sắt thép phế liệu từ Đài Loan, với tổng trị giá hơn 1,74 triệu USD. So với cùng kỳ, nhập khẩu phế liệu sắt thép từ Đài Loan trong tháng 4 năm nay tăng gấp 6 lần tháng 4.2018.
Theo cơ quan hải quan, nhập khẩu sắt thép phế liệu của Việt Nam nhiều nhất từ thị trường Nhật Bản với 563.800 tấn, tổng kim ngạch 192 triệu USD. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang nhập sắt thép phế liệu từ Mỹ, Úc…
Không chỉ phế liệu, nhập khẩu sắt thép từ Đài Loan cũng tăng 11,4% về lượng và tăng 2,2% về kim ngạch so cùng kỳ, đạt gần 515.000 tấn, tương đương hơn 305 triệu USD.
Về nhập khẩu sắt thép các loại, số liệu của hải quan cũng cho thấy, hiện Trung Quốc vẫn luôn là thị trường cung cấp sắt thép lớn nhất cho Việt Nam với 2 triệu tấn trong 4 tháng đầu năm, tương đương trị giá 1,22 triệu USD. Nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc chiếm 42% về lượng và chiếm gần 40% về kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm.
Nguồn: VITIC tổng hợp