Giá chanh, mít tăng mạnh, cam giảm
Theo vietnambiz.vn, trong tháng 10, thị trường trái cây trong nước biến động tăng giảm khác nhau tùy chủng loại, giá chanh lên cao do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tăng mạnh. Vụ thu hoạch chanh năm 2018 khi giá xuống đáy, nhiều nông dân ở các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang... đã chặt chanh làm củi. Năm ngoái giá chanh chỉ đạt 2.000 - 3.000 đồng/kg, nhưng năm nay giá lại lên đến 15.000 - 16.000 đồng/kg.
Giá cam sành, cam mật và cam xoàn tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg so với tháng 9. Tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận như: Hậu Giang, Vĩnh Long... cam mật chỉ khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg; cam sành bán xô 8.000 - 9.000 đồng/kg; cam xoàn 10.000 - 12.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá cam xoàn bán lẻ tại nhiều nơi đang ở mức 20.000 - 25.000 đồng/kg; cam sành 12.000 - 17.000 đồng/kg, cam mật 9.000 - 12.000 đồng/kg. Giá cam giảm chủ yếu do nguồn cung tăng mạnh vì bước vào rộ mùa thu hoạch và nhiều loại cam chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa. Trong khi đó, các loại cam trong nước cũng đang chịu nhiều sự cạnh tranh bởi cam nhập khẩu từ Australia và Mỹ.
Trong những ngày đầu tháng 10, nông dân ở Bình Thuận thu hoạch thanh long chính vụ để xuất khẩu, giá 5.000-8.000 đồng/kg, cao hơn so với chính vụ năm trước. Tuy nhiên, vào những ngày gần đây tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, lượng xe trở thanh long đổ về cửa khẩu đã gia tăng mạnh khiến dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng.
Trong tháng qua, do giá mít tăng cao, mặc dù đã có khuyến cáo nhưng nhiều nơi vẫn ồ ạt mở rộng diện tích. Đến nay, Tiền Giang là địa phương có diện tích cây mít lớn nhất khu vực ĐBSCL với tổng diện tích hơn 6.000 ha. Ngoài Tiền Giang, một số địa phương tại Đồng Tháp cũng đang lên tiếp trồng mít trên đất ruộng; hoặc phá bỏ các loại hoa màu, cây ăn trái khác để trồng mít. Trong tháng 10, mít Thái giá trên 50.000 đồng/kg, có thời điểm giá lên đến 70.000 đồng/kg.
Diêm dân 'đắng lòng' vì hạt muối
Vov.vn đưa tin, diêm dân làm ra hạt muối thu nhập không bằng công đi làm thuê nên nhiều hộ bỏ ruộng không làm. Thôn Phú Lộc, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch là địa phương duy nhất ở tỉnh Quảng Bình còn duy trì được nghề làm muối truyền thống.
Không chỉ vất vả để làm ra hạt muối, diêm dân nơi đây còn bộn bề lo toan với việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Lâu nay, diêm dân Quảng Bình “đắng lòng” vì hạt muối quê mình.
Làng muối Phú Lộc, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình có 73 ha diện tích đất sản xuất muối cho sản lượng hơn 6.000 tấn muối/năm.
Ông Nguyễn Phi Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, mới đây, Công ty TNHH MTV Muối Việt Nam đã đầu tư khoảng 59 tỷ đồng để cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng tại cánh đồng muối Quảng Phú nhằm phục vụ sản xuất muối bền vững. Tuy nhiên, các hộ sản xuất muối ở đây quy mô nhỏ lẻ, tự tiêu thụ sản phẩm.
Ấn Độ có thể cạnh tranh với Việt Nam về xuất khẩu cá tra
Thông tin từ vov.vn, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, xuất khẩu thủy sản 10 tháng năm 2019 ước đạt 7,1 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2018; Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm các loại chiếm 38,9% tổng kim ngạch; xuất khẩu cá tra chiếm 23,4%; cá ngừ chiếm 8,7%. Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 57% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Riêng đối với mặt hàng cá tra, Trung Quốc, Mỹ và Mexico tiếp tục là các thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.
Dự báo của các chuyên gia tại Hội nghị Triển vọng toàn cầu cho các Lãnh đạo Nuôi trồng thuỷ sản năm 2018 (GOAL 2018) cho biết, sản lượng cá tra của Ấn Độ sẽ tăng 8%, lên 630.000 tấn vào năm 2020; Do đó, trong tương lai, ngành cá tra Việt Nam có thể sẽ gặp thêm một đối thủ cạnh tranh mới.
Cá tra của Ấn Độ được nuôi chủ yếu ở bang Andhra Pradesh (60% sản lượng năm 2018), tuy nhiên đang mở rộng thêm sang các bang phía Bắc khác như Bihar, Tripura, Uttar Pradesh và West Bengal. Sản lượng tăng mạnh có thể khuyến khích các nhà sản xuất Ấn Độ xây dựng doanh nghiệp xuất khẩu cá tra.
Nông dân vùng mía kêu cứu
Theo vnexpress.net, niên vụ 2019 – 2020, nông dân tỉnh Hậu Giang xuống giống 8.200 ha mía, trong đó huyện Phụng Hiệp chiếm 6.700 ha, đây là vùng mía nguyên liệu lớn nhất miền Tây, đang vào mùa thu hoạch nhưng tiến độ rất ì ạch.
Tỉnh Hậu Giang trước đây có ba nhà máy đường hoạt động, thu mua hết mía cho người dân với tổng công suất khoảng 9.000 tấn/ngày. Nhưng hiện chỉ còn nhà máy đường Phụng Hiệp (thuộc Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ) có sức tiêu thụ khoảng 3.000 tấn mỗi ngày, lại vào vụ trễ gần một tháng so với hàng năm.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết đến nay, toàn huyện mới thu hoạch được 1.700 ha mía. Trong đó, 1.300 ha được bà con bán để ép nước mía, còn lại 450 ha bán cho nhà máy đường. Do chỉ có một nhà máy hoạt động nên sức tiêu thụ rất chậm. Các năm trước đến thời điểm này hơn 50% diện tích mía tại địa phương đã được thu hoạch (bình quân mỗi ngày 50 - 60 ha), nhưng nay chưa tới 30%.
Hiện có khoảng 2.100 ha mía quá lứa, chữ đường cao, ngập nước đang cần gấp rút thu hoạch. Nếu không, khoảng 2 – 3 tuần nữa mía sẽ xuống lá, khô héo rồi chết dần, nông dân thiệt hại lớn.
Giá mía thu mua hiện nay của nhà máy đường là 700.000 đồng/tấn. Trong khi đó chi phí sản xuất của nông dân đã 700.000 đồng/tấn mía, chưa kể tiền thuê nhân công thu hoạch khá cao, từ 220.000 đến 250.000 đồng/tấn.
Trong khi đó, đại diện Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ cho rằng lý do đóng cửa một nhà máy ở thị xã Vị Thanh (Hậu Giang) là do diện tích vùng nguyên liệu tại địa phương giảm khoảng 2.000 ha so với vụ trước, các địa phương lân cận như Sóc Trăng, Kiên Giang đều giảm diện tích mía, còn một nhà máy đường tại huyện Long Mỹ của một đơn vị khác đang bị đình chỉ hoạt động 4 tháng (từ ngày 23/7) theo quyết định của UBND tỉnh Hậu Giang vì gây ô nhiễm môi trường.
Cơ hội xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sang EU
Thông tin từ bnews.vn, Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu cho rằng, các sản phẩm nông nghiệp của An Giang có rất nhiều cơ hội để mở rộng thị trường ở các nước thuộc Liên mình châu Âu.
Tiếp tục chương trình thăm, làm việc tại tỉnh An Giang, ngày 2/11, Đoàn đại biểu Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu do ông Jan Zahradil, Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu (INTA), Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị giữa Nghị viện châu Âu (EP) và Việt Nam làm trưởng đoàn đã đi khảo sát thực tế một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản của tỉnh An Giang, thăm vùng nuôi cá tra theo tiêu chuẩn organic của một số doanh nghiệp tỉnh An Giang ở khu vực đầu nguồn sông Hậu.
Tại buổi khảo sát, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, An Giang là tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước với các mặt hàng chủ lực như lúa gạo, cá tra, rau màu và cây ăn trái.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 của tỉnh An đạt 840 triệu USD; trong đó, xuất khẩu gạo đạt 475 nghìn tấn, tương đương 240 triệu USD, thị thường xuất khẩu qua 38 nước, trong đó có 8 nước châu Âu với sản lượng xuất khẩu là 5,13 nghìn tấn, tương đương khoảng 3 triệu USD; thủy sản đông lạnh xuất khẩu đạt 116 nghìn tấn, tương đương 287 triệu USD, thị trường xuất khẩu qua 78 nước; trong đó, có 21 nước châu Âu với sản lượng 14,8 nghìn tấn, tương đương khoảng 29 triệu USD; rau quả đông lạnh xuất khẩu đạt 8,8 nghìn tấn, tương đương 15 triệu USD, thị trường qua 23 nước, trong đó có 11 nước châu Âu với sản lượng 3,6 nghìn tấn, tương đương 5,6 triệu USD.
Sau khi trực tiếp tham quan, khảo sát tại một số nhà máy chế biến, xuất khẩu cá tra và vùng nuôi cá tra theo tiêu chuẩn organic các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, ông Jan Zahradil, Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu cho rằng, các sản phẩm nông nghiệp của An Giang có rất nhiều cơ hội để mở rộng thị trường ở các nước thuộc Liên mình châu Âu.
Nguồn: VITIC