Ngành gỗ Việt Nam cần 'tỉnh táo' trước căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
Theo vietnambiz.vn, cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung là có nhưng không lớn như nhiều người tưởng, cơ hội đó có thể đi kèm với rủi ro do các hành vi "lẩn tránh" gây ra, đòi hỏi cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải hết sức chú ý.
Có hai sự kiện có tính chất hoàn toàn đối lập. Sự kiện thứ nhất đại diện cho sự đối đầu, đó là xung đột thương mại Mỹ - Trung. Sự kiện thứ hai đại diện cho sự hợp tác giữa các quốc gia, đó là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).
2 sự kiện thật khác nhau, nhưng giữa chúng có một điểm chung. Đó là, chúng đều có khả năng gây tác động đến ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Và đó cũng là lý do chúng ta có mặt tại đây ngày hôm nay.
Sự kiện thứ nhất: Xung đột thương mại Mỹ - Trung
Một số chuyên gia nhận định đây sẽ là cơ hội cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam bởi đơn hàng sẽ có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, thậm chí đầu tư vào chế biến gỗ cũng sẽ có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam.
Sự kiện thứ hai: Các FTA
Xung đột thương mại Mỹ - Trung tuy sẽ gây ảnh hưởng, có thể là không nhỏ, nhưng đó mới chỉ là một phần trong những biến chuyển về kinh tế, thương mại trong thời gian tới. Bởi, nếu cả 2 Hiệp định CPTPP và EVFTA đồng thời được đưa vào thực thi trong năm 2019, sẽ có tác động tương đối lớn tới sự phát triển của ngành gỗ Việt Nam.
Việt Nam được hưởng lợi gì từ căng thẳng Ấn Độ - Pakistan?
Vietnambiz.vn đưa tin, theo nhận định của Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, trong bối cảnh căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan leo thang, Việt Nam có thể tăng xuất khẩu xi măng sang Ấn độ. Bên cạnh đó, chè là mặt hàng nhập khẩu lớn của Pakistan từ Ấn độ và Việt Nam. Nếu Pakistan quyết định áp dụng các biện pháp trả đũa thì chè xuất khẩu của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), mặt hàng chè xanh của Việt Nam xuất khẩu chính tới thị trường Pakistan trong tháng 1 với lượng chiếm tới 68,6% tổng lượng chè xanh xuất khẩu.
Chiều ngược lại, trừ quả chà khô là hàng tiêu dùng, các mặt hàng xuất khẩu của Pakistan sang Ấn Độ là nguyên liệu phục vụ sản xuất, do đó các biện pháp trừng phạt của Ấn Độ có khi lại gậy thiệt hại cho Ấn Độ nhiều hơn.
'Nóng' chuyện giá mía nguyên liệu tại Tuyên Quang
Theo baotintuc.vn, vụ mía 2018 - 2019, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương thu mua mía nguyên liệu giảm từ 900 đồng/kg xuống còn 800 đồng/kg khiến nhiều hộ trồng mía ở Tuyên Quang cảm thấy lo lắng và có ý muốn phá bỏ cây mía để trồng cây trồng khác.
Chủ tịch UBND xã Bình Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cho biết, đến nay toàn xã đã thu hoạch được khoảng 70% tổng diện tích mía của niên vụ ép 2018 - 2019.
Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương giảm giá thu mua từ 900 đồng/kg xuống còn 800 đồng/kg khiến bà con rất bức xúc. Hiện nay, nhiều hộ dân trồng mía trong xã có ý định chuyển đổi sang trồng cây lâm nghiệp, cây màu hoặc đi làm công nhân tại các nhà máy.
Trước tình hình trên, xã đã giải thích đây là khó khăn chung của ngành mía đường, tuy nhiên cần có sự bàn bạc thống nhất giữa công ty và người dân để thực hiện đúng cam kết như trong hợp đồng để người dân đỡ thiệt thòi, giúp bà con yên tâm sản xuất giữ vững vùng nguyên liệu.
Thời gian gần đây, tình trạng nhập lậu và việc bán phá giá của đường Thái Lan khiến đường trong nước khó cạnh tranh càng làm cho việc tiêu thụ đường gặp khó khăn. Đến thời điểm này, giá bán đường của công ty là 10.400 đồng/kg, bao gồm cả thuế. Dù giá đường bán ra giảm nhưng vẫn không bán được. Hiện lượng đường tồn kho của công ty là 13.500 tấn.
Bộ NN&PTNT đưa ra giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản
Theo baochinhphu.vn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá, năm 2019, ngành nông nghiệp sẽ một số khó khăn, thách thức trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Thị trường xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn do dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 giảm. Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản bằng hàng rào kỹ thuật như chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Trong khi đó, năm 2019 các chỉ tiêu phát triển ngành nông nghiệp đều cao hơn năm 2018 như: tốc độ tăng trưởng GDP trên 3,0%, giá trị sản xuất trên 3,11%; kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD.
Để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Phát triển cơ cấu sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực: sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý.
Năm 2019, ngành nông nghiệp cũng sẽ phối hợp với các ngành liên quan để xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, tiến tới hài hòa hóa với các quy định của các thị trường nhập khẩu khu vực và trên thế giới. Tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia, phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi gian lận, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa nông sản, nhằm giữ uy tín cho hàng hóa nông sản của Việt Nam cả thị trường trong nước và quốc tế.
Khó khăn xuất khẩu cá ngừ
Vietnambiz.vn đưa tin, hoạt động sản xuất xuất khẩu cá ngừ tiếp tục bị đình trệ do vướng cùng lúc hai thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) là Thông tư số 36/2018 và Thông tư 21/2018.
Trong đó, Thông tư số 36/2018 về kiểm dịch động vật; còn Thông tư 21/2018 về quy định ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản; công bố cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp; xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.
VASEP phản ánh nhiều container cá ngừ nhập khẩu gián tiếp qua cảng trung chuyển bị ách tắc, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cá ngừ bị ùn ứ do những lô hàng nhập khẩu vẫn còn nằm tại cảng, chưa về được nhà máy vì không được kiểm dịch để thông quan theo quy định của Thông tư 36/2018.
Lí do được đưa ra là các cảng không đủ điều kiện đáp ứng tiêu chí của cảng cá loại I và II nên không đủ điều kiện để được chỉ định là cảng cá "có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác".
Nhằm tránh gián đoạn, ách tắc hoạt động sản xuất, xuất khẩu cho các doanh nghiệp cá ngừ, ngày 1/3, VASEP đã gửi công văn kiến nghị tới Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị Bộ NN&PTNT sớm ra văn bản ban hành "Danh sách các cảng cá được chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác". Đồng thời, Tổng cục Thủy sản sớm đăng tải Danh sách này lên trang thông tin điện tử của Tổng cục để làm căn cứ chính thống trong triển khai các hoạt động xác nhận, chứng nhận thủy sản tại các địa phương.
Giá lúa tăng
Trang nongnghiep.vn thông tin, giá lúa tại ĐBSCL được thương lái thu mua lúa tươi (cắt máy) tại ruộng của nông dân đang tăng nhẹ. Cụ thể như giống IR 50404 giá 4.700 - 4.800 đồng/kg, lúa tươi hạt dài Đài Thơm 8 giá 4.900 - 5.000 đồng/kg, Jasmine 5.100 - 5.200 đồng/kg, OM 4900 giá 5.500 - 5.600 đồng/kg, OM 5451 giá 4.900 - 5.000 đồng/kg, RVT giá 5.900 - 6.000 đồng/kg…
Tại An Giang vụ lúa ĐX này toàn tỉnh SX 234.000ha đến thu đã thu hoạch gần 50% diện tích. Nhờ thu hoạch muộn hơn so với Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang và TP Cần Thơ… nên nông dân nơi đây có phần may mắn bán lúa có giá hơn.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet