Thị trường mua bán phát thải carbon còn non trẻ tại châu Á vừa có thêm cú hích sau khi Trung Quốc - nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới - ra mắt hệ thống mua bán khí thải được mong đợi từ lâu.
HƠN 2.000 CÔNG TY NĂNG LƯỢNG VỚI 4 TỶ TẤN CARBON/NĂM
Theo Nikkei Asia, hệ thống này bắt đầu hoạt động tại Thượng Hải hôm 16/7 với giá mở bán là 48 Nhân dân tệ (7,4 USD) một tấn carbon. Giao dịch đầu tiên đã được thực hiện với giá 52,78 Nhân dân tệ/tấn và đã có khoảng 160.000 tấn carbon trị giá 7,9 triệu Nhân dân tệ đã được giao dịch.
Theo tờ Yicai, thị trường này có thể đạt tới 7 tỷ tấn mỗi năm trong 5 năm tới với giá trị thị trường đạt 600 tỷ Nhân dân tệ (92,6 tỷ USD).
“Hệ thống giao dịch này cho phép các công ty cân bằng giữa mục tiêu phát triển và không phát thải”, Zhou Aiguo, một quan chức của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), cho biết trên Yicai. CNPC là một trong những công ty tham gia hệ thống giao dịch phát thải carbon hôm 16/7.
Kinh doanh carbon cũng là tạo động lực cho các công ty giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong khi những công ty vượt quá giới hạn phát thải cần mua thêm hạn mức từ thị trường, những công ty cắt giảm khí thải có thể bán hạn mức thừa của mình.
Trung Quốc mắt hệ thống giao dịch khí thải trong bối cảnh nước này đang thúc đẩy mạnh mẽ các mục tiêu cắt giảm khí thải carbon. Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết đưa nước này đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.
Hệ thống mua bán khí thải của Trung Quốc nhanh chóng trở thành hệ thống lớn nhất thế giới với sự tham gia của hơn 2.000 công ty trong lĩnh vực năng lượng. Những công ty này thải ra khoảng 4 tỷ tấn carbon dioxit mỗi năm, gần đôi so với lượng khí thải của các công ty tham gia hệ thống tương tự của Liên minh châu Âu (EU).
Từ nay tới năm 2025, các ngành công nghiệp phát thải nặng như xi măng, thép sẽ được đưa vào hệ thống mua bán khí thải carbon của Trung Quốc.
Tuy nhiên, so với hệ thống của EU - với hạn mức tuyệt đối về lượng khí thải carbon, hệ thống của Trung Quốc dựa trên cường độ của khí thải. Điều này đồng nghĩa hạn mức khí thải tại Trung Quốc vẫn có thể tăng khi sản lượng điện tăng.
“Mục đích chính của lần ra mắt đầu tiên là đưa thị trường đi vào hoạt động. Trong những năm tiếp theo, họ (Trung Quốc) sẽ bắt đầu đưa ra hạn mức tuyệt đối, để đạt được các mục tiêu cân bằng khí thải, sau đó, giá sẽ bắt đầu tăng”, Alistair Ritchie, giám đốc phụ trách bền vững Châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á tại Mỹ, cho biết.
Theo ông Prakash Sharma của hãng nghiên cứu Wood Mackenzie, giao dịch phát thải “giúp xác định lượng phát thải cơ bản, thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo”.
Các chuyên gia dự báo giá khí thải có thể bắt đầu tăng. Một khảo sát của China Carbon Forum với các chuyên gia và các bên tham gia thị trường năm ngoái dự báo giá có thể tăng từ 49 Nhân dân tệ (7,7 USD)/tấn, sau đó có thể tăng lên khoảng 167 Nhân dân tệ (25,77 USD) vào năm 2050. Tuy nhiên, khảo sát này được thực hiện trước công bố về mục tiêu trung hòa carbon của Bắc Kinh. Trong khi đó, giá khí thải carbon tại EU hiện đã đạt mức hơn 50 USD/tấn.
THỊ TRƯỜNG MUA BÁN KHÍ THẢI "NÓNG" LÊN
Trung Quốc không phải là nước châu Á duy nhất phát triển hệ thống mua bán phát thải. Indonesia cũng đang thử nghiệm hệ thống tương tự trong lĩnh vực sản xuất điện. Năm ngoái, các điều khoản cho thị trường carbon nội địa đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam. Thái Lan, Philippines cũng đang cân nhắc phát triển thị trường này.
Tại Nhật Bản, dù không có hệ thống mua bán phát thải bắt buộc, chính phủ có kế hoạch ra mắt một hệ thống định giá carbon mới. Theo đó, hoạt động mua bán khí thải cũng như các công cụ khác như thuế carbon có thể được áp dụng.
“Hệ thống giao dịch phát thải thiên về tiêu chuẩn toàn cầu hơn so với các hệ thống định giá carbon”, giáo sư Toshi Arimura của Đại học Waseda tại Tokyo cho biết.
Ông gợi ý rằng có thể liên kết hệ thống giao dịch carbon giữa các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc và hệ thống này có tiềm năng phát triển như một ngành kinh doanh tài chính.
Tại châu Á, Hàn Quốc đang đi trước các quốc gia khác với hệ thống mua bán khí thải quốc gia. Năm 2015, nước này đã phân bổ chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính (CER) cho 520 công ty thuộc 23 ngành công nghiệp. Dù chiếm tới 70% lượng khí thải nhà kính tại Hàn Quốc, hệ thống này đối mặt với không ít khó khăn.
Theo nghị sĩ Jang Hye-young, hệ thống này không đủ mạnh để buộc các công ty giảm phát thải.
“Chính phủ phân bổ cho các công ty CER với lượng khí thải lớn hơn mức phát thải của họ - điều này khiến họ không có động lực để cắt giảm khí thải”, bà Jang cho biết.
Theo Trung tâm Nghiên cứu và Thống kê Khí nhà kính thuộc Bộ Môi trường Hàn Quốc, từ năm 2015-2019, lượng khí thải carbon của Samsung Electronics đã tăng 66,4% lên 11,1 triệu tấn. Trong khi đó, lượng khí thải của POSCO tăng 10,3% lên 80,6 triệu tấn.

Một nhà máy thép của Posco ở Pohang, Hàn Quốc năm 2018 - Ảnh: Getty Images

"Lượng khí thải đã tăng lên kể từ khi hệ thống mua bán phát thải ra đời, ngoại trừ năm 2019”, bà Jang nhấn mạnh. "Nếu hệ thống này không thể là một giải pháp thay thế hiệu quả, chúng ta cần thảo luận về việc áp dụng thuế carbon để bổ sung cho hệ thống”.
Giá carbon tại Hàn Quốc đã giảm do tác động của đại dịch Covid-19, từ mức 400.000 Won/tấn xuống còn chưa tới 20.000 Won/tấn, nhưng bắt đầu tăng trở lại trong vài tuần gần đây. Hàn Quốc hiện đã giảm hạn mức khí thải nhằm hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2030.
“Khi đó, hạn mức càng trở nên tham vọng hơn và giá sẽ tăng trở lại”, ông Alistair Ritchie của Viện Chính sách Xã hội châu Á nhận định.

Nguồn: Hoài Thu / VnEconomy