Trên thị trường năng lượng, giá dầu twang lên mức cao nhất 13 tháng do số liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy sản lượng dầu thô tại nước này giảm do thời tiết khắc nghiệt làm gián đoạn sản xuất hồi tuần trước.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu thô của nước này trong tuần qua đã giảm hơn 10%, tương đương 1 triệu thùng/ngày. Giao thông tại kênh Houston dần phục hồi trở lại bình thường nhưng các cảng vẫn đối mặt với một số vấn đề. Sau khi gần 25% công suất lọc dầu bị dừng hoạt động do đóng băng, các nhà máy lọc dầu cũng đã bắt đầu hoạt động trở lại trong tuần này.
Kết thúc phiên này, dầu Brent Biển Bắc tăng 1,67 USD (2,6%) lên 67,04 USD/thùng, trong phiên có lúc giá chạm mức cao nhất kể từ ngày 8/1/2020 là 67,30 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kết thúc phiên tăng 1,55 USD (2,5%) lên mức 63,22 USD/thùng, sau khi đã có lúc chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 1/2020 là 63,37 USD/thùng. Đây là những mức cao nhất kể từ trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.
Giá dầu đã tăng khoảng 30% kể từ đầu năm 2021 đến nay cũng một phần nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng liên tục của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu thô của nước này trong tuần vừa qua đã giảm khoảng hơn 10%, tương đương 1 triệu thùng/ngày do trận bão tuyết hiếm hoi xảy ra ở Texas, bằng với mức giảm hàng tuần lớn nhất từ trước đến nay.
Lượng dầu thô cung cấp cho các nhà máy lọc dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2008 do thời tiết lạnh giá làm ảnh hưởng đến nguồn điện của hàng triệu gia đình và các cơ sở sản xuất.
Các nhà sản xuất dầu thuộc OPEC+ sẽ thảo luận về việc nới lỏng dần các hạn chế nguồn cung dầu từ tháng 4/2021 nhờ giá mặt hàng này phục hồi, mặc dù một số ý kiến cho rằng nên giữ nguyên thỏa thuận cắt giảm hiện nay vì những nguy cơ mới trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tiếp tục giảm sau những phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell về vấn đề lạm phát của Mỹ, trong bối cảnh xu hướng tăng lợi suất trái phiếu tác động xấu đến sức hấp dẫn của vàng khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng.
Cuối phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.798,10 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 4/2021 giảm 0,4% xuống 1.797,90 USD/ounce.
Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Blue Line Futures, Phillip Streible cho biết lợi suất trái phiếu tăng tiếp tục ảnh hưởng xấu đến thị trường vàng. Theo ông, vàng chưa tìm được cách nào để phục hồi vững chắc ngay cả khi Mỹ có các cuộc đàm phán về các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung.
Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên chạm mức 1,4% kể từ tháng 2/2020. Xu hướng tăng lợi suất trái phiếu tác động xấu đến sức hấp dẫn của vàng, vốn được xem như một biện pháp phòng ngừa lạm phát vì nó làm tăng chi phí cơ hội cho những người nắm giữ kim loại quý này.
Trong phát biểu trước Thượng viện Mỹ ngày 24/2, ông Powell nhắc lại rằng lãi suất sẽ vẫn thấp và Fed sẽ tiếp tục mua trái phiếu để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ. Ngoài ra, Chủ tịch Fed cho rằng chính sách tiền tệ vẫn cần được điều chỉnh, với sự phục hồi kinh tế “không đồng đều và sẽ còn kéo dài”.
Các nhà đầu tư vẫn theo dõi chặt chẽ các diễn biến đối với gói cứu trợ dịch COVID-19 với trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, vốn có thể góp phần đưa nền kinh tế phục hồi nhanh chóng, song đi cùng với cái giá là lạm phát gia tăng.
Về những kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,7% lên 27,82 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 1,7% lên 1.258,50 USD/ounce và giá palađi tăng 3,5% lên 2.431,60 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 15/1/2021.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng lên mức cao mới chưa từng có kể từ gần 10 năm nay do đồng USD suy yếu, tồn kho thấp và hy vọng rằng kim loại này sẽ hưởng lợi từ nhu cầu tăng khi sự phục hồi kinh tế mạnh sau ảnh hưởng của đại dịch.
Kết thúc phiên này, đồng giao sau 3 tháng trên sàn kim loại London LME tăng 1,6% lên 9.353 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 8/2011. Giá đồng đã tăng phiên thứ 5 liên tiếp. Đồng USD giảm giá khiến các tài sản định giá bằng đồng bạc xanh này hấp dẫn hơn.
Tồn trữ đồng toàn cầu thấp và nhu cầu đang phục hồi tại Châu Âu và Mỹ đã thúc đẩy giá tăng trong những phiên gần đây. Theo số liệu mới nhất, tồn kho đồng của sàn LME đã tăng 17% lên 54.550 tấn, nhưng tồn kho kim loại này trên toàn cầu đang giảm, một dấu hiệu nhu cầu mạnh hơn.
Giá quặng sắt trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên phục hồi trong phiên vừa qua, kết thúc phiên tăng 0,4% lên 1.130 CNY/tấn, bởi nguồn cung giảm từ các công ty khai thác lớn và nhu cầu tích trữ tại nhà máy. Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc ở mức 56,47 triệu tính tính tới 24/2, so với 73 triệu tấn trong cả tháng 2/2020, theo số liệu của Refinitiv.
Giá thép Trung Quốc dao động trong phạm vi hẹp, nhưng vẫn gần mức cao nhất trong hơn 10 năm do thị trường đợi nhu cầu phục hồi. Thép thanh giao tháng 5 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đóng cửa tăng 0,8% lên 4.618 CNY (714,99 USD)/tấn. Thép cuộn cán nóng giảm 0,1% xuống 4.816 CNY/tấn; thép không gỉ tại Thượng Hải giao tháng 4 giảm 1,2% xuống 15.195 CNY/tấn.
Một nhà phân tích tại Bắc Kinh cho biết tăng trưởng sản phẩm thép sử dụng trong sản xuất đạt 8 – 10% trong năm 2021, trong khi lĩnh vực bất động sản tăng ở mức 2-4%. Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ chính sách thương mại nước ngoài và đảm bảo hoạt động trơn tru của chuỗi cung ứng, theo Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương trên sàn giao dịch Chicago tăng ngày thứ 4 liên tiếp do dự báo mưa nhiều tại Brazil sẽ khiến vụ thu hoạch chậm lại, làm nguồn cung khan hiếm trong ngắn hạn. Giá dầu thô tăng cũng là yếu tố hỗ trợ. Đậu tương cùng kỳ hạn tăng 1,3% lên 14,24 USD/bushel. Giá khô đậu tương tăng lần thứ 6 trong 7 phiên và đạt mức cao nhất kể từ tháng 1/2020. Khô đậu tương kỳ hạn tháng 3 đóng cửa tăng 0,5% lên 428,8 USD/tấn.
Các nhà phân tích dự đoán báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy lượng xuất khẩu đậu tương từ 200.000 tới 1,3 triệu tấn trong tuần kết thúc vào ngày 18/2.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng của tăng 0,16 US cent hay 0,94% lên 17,17 US cent/lb, hướng gần tới mức đỉnh 4 năm 17,52 US cent thiết lập ngày 23/2; đường trắng cùng kỳ hạn tăng 2,1 USD hay 0,4% lên 480,5 USD/tấn.
Các đại lý lưu ý hợp đồng kỳ hạn tháng 3 vẫn biến động trước khi đáo hạn vào ngày 26/2, cao hơn hợp đồng kỳ hạn tháng 5 là 1,16 US cent so với mức chênh của đóng cửa phiên trước là 1,31 US cent.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 lúc đóng cửa giảm 1,05 US cent hay 0,76% xuống 1,3725 USD/lb sau khi đạt đỉnh 1,396 USD, mức cao nhất trong hơn một năm; robusta giao cùng kỳ hạn tăng 3 USD hay 0,2% lên 1.463 USD/tấn sau khi đạt đỉnh 1.479 USD/tấn, cao nhất trong hơn một năm.
Các đại lý cho biết thị trường này được hỗ trợ một phần bởi thời tiết khô hạn hơn bình thường tại Brazil làm giảm triển vọng vụ mùa sắp tới tại nước này và tình trạng thiếu hụt container vận chuyển trên toàn cầu. Thị trường cà phê toàn cầu dự kiến thiếu hụt nhiều hơn trong niên vụ 2021/22 so với dự kiến ban đầu.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm do các nhà đầu tư chốt lời sau khi tăng gần đây lên mức cao nhất trong gần 4 tháng, nhưng kỳ vọng tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và lạm phát tăng nhanh đã hạn chế đà giảm.
Hợp đồng cao su giao tháng 8 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 2,2 JPY hay 0,8% xuống 274,1 JPY (2,6 USD)/kg. Hợp đồng này đã đạt mức cao nhất kể từ ngày 30/10/2020 trong ngày 22/2. Các thị trường tài chính Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ ngày 23/2. Hợp đồng cao su giao tháng 5 tại Thượng Hải tăng 140 CNY lên 16.160 CNY (2.503 USD)/tấn. 
Các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho khả năng lạm phát tăng vọt khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật kích thích kinh tế lên quan tới đại dịch trị giá 1,9 nghìn tỷ USD.
Giá hàng hóa thế giới sáng 25/2/2021


 

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg