Trong những dự đoán đầu tiên về niên vụ 2023/24, USDA chi nhánh Bắc Kinh cho biết nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên mức 97.5 triệu tấn, từ mức 96 triệu tấn trong niên vụ hiện tại. Nguyên nhân chính mà USDA Bắc Kinh đưa ra là do tăng trưởng nhỏ trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi tại nước này. Sau khi Trung Quốc mở cửa các hạn chế Covid-19 vào tháng 12 năm ngoái, nhu cầu đối với đậu tương dự kiến sẽ có sự cải thiện.
Trong 2 tháng đầu năm, các lô hàng đậu tương từ Mỹ vận chuyển sang Trung Quốc đạt 11.59 triệu tấn, tăng 15.4% so với mức 10.04 triệu tấn cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chỉ có khoảng 2.24 triệu tấn đậu tương Trung Quốc nhập khẩu có nguồn cung từ Brazil và con số này giảm 36% so với cùng kì năm ngoái. Theo dữ liệu từ Ban Thư ký Ngoại thương Brazil, trong 3 tuần đầu tháng 03 Brazil xuất khẩu được trung bình 563,600 tấn đậu tương mỗi ngày, cao hơn một chút so với mức 554,100 tấn trung bình hàng hàng được ghi nhận trong cả tháng 02 năm ngoái. Điều này cho thấy tốc độ xuất khẩu đã có sự cải thiện trong tuần này. Không những thế, trong những tuần tới, khi hoạt động thu hoạch được đẩy mạnh thì khối lượng xuất khẩu sẽ còn tăng mạnh hơn do nông dân hiện tại cũng đang ưu tiên việc bán hàng đậu tương. Đây sẽ là yếu tố cạnh tranh trực tiếp với nguồn cung từ Mỹ và tạo áp lực lên giá CBOT trong trung hạn.
Thông tin cơ bản tiếp tục diễn biến trái chiều, giá Arabica khả năng cao sẽ giằng co trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/03, hai mặt hàng cà phê cùng rung lắc mạnh sau những biến động trên thị trường tài chính, kết phiên giá đều hồi phục hơn 1%. Sự suy yếu của Dollar Inedx đã kéo tỷ giá USD/Brazil Real giảm gần 1%, từ đó hạn chế lực bán từ phía nông dân nước này và hỗ trợ giá Arabica hồi trở lại.
Đúng với dự đoán được đưa ra trong bài phân tích trước đó, việc lượng cà phê chờ phân loại để bổ sung vào kho dự trữ của ICE còn quá ít, dẫn đến việc lượng tồn kho Arabica đạt chuẩn tại đây đã bắt đầu suy yếu khi giảm từ 787,375 bao xuống còn 776,073 bao trong báo cáo ngày hôm qua. Hơn nữa, số bao chờ phân loại cũng chưa được bổ sung thêm nên rất có thể đây sẽ tiếp tục là yếu tố hỗ trợ giá trong thời gian tới.
Tuy vậy, nguồn cung đang dần tích cực với việc gia tăng bán hàng trở lại của nông dân Brazil, cũng như những dự đoán triển vọng nguồn cung nói lỏng hơn 2 năm trước đó tại cả Brazil và Colombia vẫn góp phần không nhỏ trong việc gây sức ép lên giá.
Trên thị trường tài chính, những bất ổn từ ngành ngân hàng đã giảm bớt sau nỗ lực của các tổ chức tài chính lớn. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đang kỳ vọng Fed sẽ tạm dừng chu kỳ thắt chặt tiền tệ sau động thái bơm thanh khoản vào thị trường hôm 19/03, điều này có thể khiến Dollar Index tiếp tục suy yếu trước khi biên bản cuộc họp của Fed được công bố và những động thái mới cho tiến trình điều chỉnh tiếp theo, từ đó góp phần hỗ trợ giá.
Vắng bóng tin tức hỗ trợ, giá đồng có thể tiếp tục dao động trong biên độ hẹp
Sau khi tăng mạnh vào phiên hôm qua, giá đồng quay đầu suy yếu trong phiên sáng nay 21/03 khi những rủi ro trên hệ thống ngân hàng toàn cầu vẫn còn tiềm ẩn.
Nhờ những động thái hỗ trợ từ Chính phủ cũng như các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới, những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng đã tạm thời lắng xuống. Tuy vậy, niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường tài chính vẫn còn rất mong manh. Cổ phiếu của các ngân hàng vẫn tiếp tục suy yếu, cổ phiếu của First Republic Bank đã giảm gần 50% trong phiên giao dịch hôm qua do thị trường lo ngại rằng khoản vốn 30 tỷ USD mà ngân hàng này được hỗ trợ tuần trước là chưa đủ. Về phía UBS, các nhà phân tích tại Jefferies cho biết, ngân hàng này sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro để hoàn thành thỏa thuận mua lại Credit Suisse đồng thời đối mặt với các khoản phí kiện tụng tiềm ẩn. Do đó, những sự hỗn loạn trên thị trường có thể làm gia tăng lo ngại về sự chậm lại trong hoạt động kinh tế, gây suy yếu lực mua đồng.
Hơn nữa, thị trường cũng sẽ thận trọng hơn trước thềm công bố quyết định lãi suất quan trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 22/03 tới đây. Bên cạnh đó, những phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell sau cuộc họp cũng sẽ có tác động nhất định tới thị trường do có thể ông sẽ đưa ra những manh mối tiếp theo về lộ trình tăng lãi suất của Fed.
Đồng thời, tin tức tích cực xoay quanh vấn đề nguồn cung có thể là yếu tố cản trở đà tăng của giá đồng trong phiên. Theo báo cáo mới đây của Bộ Năng lương và Mỏ Peru (MINEM), mặc dù bị ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình khiến hoạt động sản xuất gián đoạn, sản lượng đồng của Peru vẫn tăng 4.8% so với năm 2021. Hơn nữa, Chính phủ Peru thông báo dự kiến sẽ có 39 dự án khai thác đồng sẽ đi vào hoạt động trong năm 2023. Đồng thời, mỏ đồng Oyu Tolgoi đã bắt đầu được khai thác ngầm từ hôm nay, mỏ này được dự đoán sẽ trở thành mỏ đồng lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030.
Giá dầu có thể tiếp tục hồi phục nhờ lực mua kỹ thuật và tâm lý “ưa rủi ro” của thị trường
Giá dầu giảm nhẹ trong sáng nay trước sự hồi phục của đồng USD. Tuy nhiên diễn biến giá cho thấy xu hướng đi ngang trong biên độ 65 – 70 USD ngày thứ tư liên tiếp.
Đà giảm của giá dầu đã có tín hiệu chững lại trong phiên hôm qua khi mà thỏa thuận sáp nhập giữa hai ngân hàng UBS và Credit Suisse dần hoàn tất. Tuy nhiên, liệu giá dầu có phục hồi lại vẫn phụ thuộc rất lớn vào tâm lý thị trường (market sentiment).
Trong phiên hôm nay, thị trường sẽ không đón nhận tin tức nào quá quan trọng, và các nhà đầu tư có thể duy trì mức độ thận trọng trước khi cuộc họp lãi suất tháng 3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu.
Giá dầu hiện cũng có mối tương quan khá lớn với chỉ số chứng khoán S&P500 của Mỹ trong thời gian gần đây. Hiện hợp đồng tương lai S&P500 mini đang phục hồi gần về mốc kháng cự tâm lý 4000 điểm. Vì thế, trong bối cảnh những lo ngại về sự lan rộng của cuộc khủng hoảng ngân hàng giảm bớt, dòng tiền có thể tiếp tục phân bổ về các thị trường đầu tư rủi ro, trong đó có thị trường dầu.
Citadel, một trong những quỹ đầu tư hàng hóa lớn nhất thế giới, dự báo thị trường tín dụng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn và tạo ra những áp lực nhất định với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, mức độ suy giảm của nền kinh tế toàn cầu sẽ không đẩy giá hàng hóa sụt giảm quá sâu.
Về phía tiêu thụ, bên cạnh Trung Quốc, nhu cầu nhập khẩu của châu Âu không có dấu hiệu suy yếu nhiều, bất chấp các lệnh cấm vận với Nga. Theo hãng tin Reuters, xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang châu Âu đã đạt mức trung bình 2.1 triệu thùng/ngày trong tháng này. Mức tăng trưởng được thúc đẩy nhờ sự suy yếu của giá dầu và nhu cầu dầu yếu hơn của các nhà máy lọc dầu Mỹ. Kỷ lục xuất khẩu sang châu Âu và Trung Quốc trong tháng này phản ánh vai trò ngày càng quan trọng của Mỹ trong việc đảm bảo nguồn cung trên toàn cầu.