Các nhà nhập khẩu Châu Á đang tăng cường mua dầu cọ để bổ sung kho dự trữ sau khi giá mặt hàng này được điều chỉnh xuống mức thấp nhất một năm và Indonesia tạm bỏ thuế xuất khẩu.
Các nhà nhập khẩu hàng đầu Châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan đã hỗ trợ giá dầu cọ Malaysia, vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong năm.
Ngoài ra, việc này cũng sẽ giúp Indonesia giảm lượng tồn kho tăng lên sau lệnh cấm xuất khẩu vào đầu năm nay, đồng thời gây áp lực giảm giá nội địa và giảm thu nhập của nông dân.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất dầu thực vật Ấn Độ (IVPA) ông Sudhakar Desai cho biết: “Tình trạng biến động giá cao trong vài tuần qua đã khiến các nhà máy lọc dầu, nhà phân phối và nhà bán buôn cắt giảm lượng mua. Điều này dẫn đến lượng dự trữ trong hệ thống phân phối thấp.”
Ông nói: “Sự điều chỉnh giá hiện tại đang tạo cơ hội mua cho các nhà máy lọc dầu cọ”.
Kể từ ngày 19/5 khi Indonesia tuyên bố chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu, giá dầu cọ Malaysia đã giảm 43% xuống 3.489 Ringgit/tấn (783,16 USD) vào giữa tháng 7/2022.
Trong tháng 3, giá tăng lên mức kỷ lục 7.268 Ringgit do lệnh cấm xuất khẩu và gần như ngừng vận chuyển dầu hướng dương từ nhà xuất khẩu hàng đầu Ukraine do xung đột với Nga.
Thị trường dự đoán nguồn cung dầu cọ từ Indonesia sẽ tăng sau khi nước này loại bỏ thuế xuất khẩu đối với tất cả các sản phẩm dầu cọ cho đến ngày 31/08 nhằm thúc đẩy xuất khẩu và giảm lượng hàng tồn kho đang ở mức cao.
Harry Hanawi, Giám đốc phụ trách công ty tại nhà sản xuất dầu cọ Sinar Mas Agro Resources and Technology, cho biết “Các lô hàng xuất khẩu đã phục hồi ổn định kể từ khi lệnh cấm xuất khẩu được dỡ bỏ vào tháng 5. Với nhu cầu ngày càng tăng, các lô hàng xuất khẩu dự kiến cũng sẽ tăng lên.”
Giá dầu cọ thường rẻ hơn đáng kể so với dầu đậu tương và sunoil, nhưng việc hạn chế xuất khẩu của Indonesia đã khiến giá dầu cọ đắt hơn các đối thủ trong một thời gian ngắn.
Sandeep Bajoria, giám đốc điều hành công ty tư vấn và môi giới dầu thực vật Sunvin Group cho biết việc điều chỉnh giá đã khiến dầu cọ trở nên hấp dẫn.
Theo bốn thương nhân tham gia thị trường, đến cuối tháng 7/2022, dầu cọ thô được chào ở mức giá 1.062 USD/tấn bao gồm chi phí, bảo hiểm và cước phí (CIF) cho các lô hàng giao trong tháng 8, so với mức 1.417 USD và 1.550 USD lần lượt đối với dầu thô và dầu hướng dương.
Desai của IVPA cho biết Ấn Độ - nước mua dầu cọ lớn nhất thế giới - có thể nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn dầu cọ trong quý III - kết thúc vào tháng 9/2022. Trước đó, nước này đã nhập khẩu 1,68 triệu tấn vào quý II.
Tại quốc gia láng giềng - Trung Quốc, nhu cầu và nhập khẩu dầu thực vật đã giảm trong vài tháng qua do áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19, một đại lý có trụ sở tại Singapore cho biết.
“Lợi nhuận từ hoạt động ép đậu tương lấy dầu ở Trung Quốc đã âm trong nhiều tháng. Điều đó đã làm giảm hoạt động nghiền ép và nguồn cung dầu đậu tương. Trung Quốc hiện đang nhập khẩu nhiều dầu cọ hơn để đáp ứng nhu cầu dầu thực vật”, đại lý này cho biết.
Theo Ủy ban Dầu cọ Malaysia, nhập khẩu dầu cọ của Trung Quốc từ Malaysia trong tháng 6/2022 đã tăng lên 96.495 tấn từ 85.123 tấn của tháng trước đó.
Ronny Lau, một thương nhân của công ty kinh doanh hàng hóa Four Bung có trụ sở tại Singapore, cho biết nhu cầu của Trung Quốc sẽ phục hồi khá đáng kể khi dầu cọ đang có giá thấp hơn so với dầu đậu nành.
Dự trữ dầu cọ của Indonesia có thể giảm xuống dưới 5 triệu tấn trước cuối tháng 8 do nhu cầu từ các nhà nhập khẩu tăng lên, đại lý trụ sở tại Singapore cho biết.
Tồn kho dầu cọ ở Indonesia đã tăng lên khoảng 7 triệu tấn.
( 1 USD = 4,4550 Ringgit)

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters)