Theo thống kê của Vinancas, trong 6 tháng đầu năm 2015, lượng điều thô nhập khẩu để chế biến đạt 414.000 tấn, trị giá 527 triệu USD, tăng 73,2% về khối lượng và tăng gấp 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Tính riêng trong tháng 6, Việt Nam nhập 88 nghìn tấn điều, trị giá 103 triệu USD.
Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 5 - đầu tháng 6 đến nay điều thô nhập khẩu về với lượng tăng nhẹ. Nhưng chất lượng điều nhập khẩu giảm dần, từ 50-48 xuống còn 46-44.
Cụ thể, theo thông tin từ một doanh nghiệp kiểm định điều thô lớn, chất lượng điều nhập khẩu từ Nigeria khá tệ, ngoại trừ hàng của một số nhà cung cấp lớn. Hầu hết, tỷ lệ hàng có vấn đề từ Nigeria lên tới 65-70%.
Theo đó, hàng Nigeria khi về Việt Nam bị ẩm mốc, hạt điều nảy mầm, tỷ lệ hàng phế khá cao. Kích cỡ hạt điều không đồng đều, tỷ lệ vỡ cao trong loại hàng nguyên.
Nguyên nhân hạt điều thô chất lượng thấp theo các nhà cung cấp là do tình hình thời tiết xấu, mưa nhiều, độ ẩm không khí cao. Còn nguyên nhân chủ quan chính là công tác thu mua, xử lý, bảo quản của doanh nghiệp cung ứng điều thô không tốt.
Mặc dù điều Nigeria chất lượng kém nhưng điều nhập khẩu xuất xứ IVC, Ghana, Benin năm nay vẫn được đánh giá là khá ổn định.
Cũng theo Vinacas, vụ điều Tây Phi đang bước vào giai đoạn kết thúc, các doanh nghiệp Việt Nam nên chuẩn bị cho mùa vụ điều Indonesia và Đông Phi.
Chính phủ Guinea Bissau trong niên vụ 2015 đã ấn định giá sàn thu mua tại vườn là 0,49 USD/ kg, tăng 20% so với giá mua năm ngoái. Hiện nay đã có một số lô hàng đầu vụ của Guinea Bissau về Việt Nam được đánh giá có chất lượng tốt.
Mùa vụ mới của Indonesia mặc dù tháng 8/2015 mới bắt đầu nhưng một số người bán đã thông tin chào vụ mới.
Theo một chuyên gia ngành điều thì đây có thể là hàng Indo cuối vụ 2014/2015 giao đầu năm 2015 hoặc hàng không phải là Indo. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước nên thận trọng tìm nguồn hàng đối tác để nhập, tránh nhập hàng tồn, hàng kém chất lượng, giảm thiểu rủi to tài chính.