Sau một ngày tăng, sáng nay ngày 29/08, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên lại quay đầu giảm về mức 35,4 - 35,5 triệu đồng/ tấn.

Giá cà phê robusta giao tại cảng TPHCM, giá FOB giảm 30 USD/tấn xuống còn 1.671 USD/tấn.

Biến động giá FOB cà phê Robusta giao tại cảng HCM (từ ngày 07/08-29/08/2015)

 

Trong phiên giao dịch đêm qua, giá cà phê robusta trên sàn Liffe kỳ hạn tháng 9/2015 giảm 26 USD/tấn hay 1,6% trở về mức 1.581 USD/tấn, ở các kỳ hạn khác cũng chứng kiến mức giảm tương tự từ 29-30 USD/tấn hay 1,7-1,8%. 

Giá cà phê arabica trên sàn ICE kỳ hạn tháng 9/2015 giảm nhẹ 0,6 cent/pound hay 0,5% xuống còn 120,5 cent/pound, các kỳ hạn khác cũng giảm 0,4-0,5 cent/pound.  

Như vậy giá Arabica không những không tăng mà còn quay đầu giảm giá mặc dù Volcafe đã hạ đáng kể dự báo sản lượng cà phê vụ mới của Brazil, giảm 3,6 triệu bao, xuống 48,3 triệu bao. Tuy nhiên, Volcafe cũng cho biết nhờ lượng cà phê tồn kho vụ trước, nên Brazil vẫn có thể tiếp tục đáp ứng nhu cầu nội và xuất khẩu đến vụ mùa năm 2016.

Theo số liệu của Công ty cung ứng Brazil (Conab), lượng cà phê tồn kho của nước này, gồm cả cà phê lưu kho tư nhân và thương mại, tính đến đầu tháng 4 giảm xuống 14.369.000 bao, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn 70,73% so với cùng kỳ năm 2012. Do vậy, bất chấp dự báo sản lượng cà phê năm nay giảm, Brazil vẫn đủ lượng cà phê lưu kho để đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu đến năm 2016.

Volcafe cũng cắt giảm mức dự báo sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2015-16 giảm 500.000 bao xuống còn 30 triệu bao, tuy nhiên hiện vẫn còn khoảng 27,4 triệu bao tồn kho của niên vụ trước.

Câu hỏi lớn hiện nay là tình hình sẽ diễn biến ra sao khi lượng cà phê tồn kho trong dân và thương nhân nội địa của Việt Nam vẫn rất cao trong khi chỉ chưa đầy 2 tháng nữa là tới vụ thu hoạch. Nhiều người dự đoán rằng để lấy chỗ chứa cà phê vụ mới, nông dân và thương nhân sẽ sớm phải xả bán cà phê lưu kho, chưa kể áp lực gia tăng khi thâm hụt thương mại trong 8 tháng đầu năm của Việt Nam lên đến 3,62 tỷ USD.

Bình Trần