Vào lúc 15h57 ngày 31/8, giá cao su giao tháng 1/2016 trên sàn Tokyo (TOCOM) - cho biết giá săm lốp tại Đông Nam Á - giảm 3,9 yên xuống 173,1 yên/kg từ mức chốt phiên 28/8 là 177 yên/kg. Tuần trước, giá cao su Tocom cũng đã giảm 2,9% và là tuần giảm thứ 2 liên tiếp.

Ở châu Á cũng ghi nhận giá cao su giảm tại một số thị trường lớn như Thượng Hải và Thái Lan. Cụ thể, giá cao su giao tháng 1/2016 trên sàn Thượng Hải giảm 180 nhân dân tệ xuống 11.430 nhân dân tệ/tấn. Giá cao su RSS3 giao tháng 1/2016 tại Thái Lan cũng giảm 1,1 baht xuống 50,5 baht/kg.

Trong khi đó, giá cao su giao tháng 9/2015 trên sàn SICOM ở Singapore lại tăng nhẹ 0,3 cent Mỹ lên 129,6 cent Mỹ/kg; và giá cao su RSS4 của Ấn Độ không đổi ở 169,65 USD/100kg.

Cũng giống Ấn Độ, thị trường trong nước ghi nhận mủ cao su tạp, cao su SVR3L và SVR10 không đổi. Cụ thể, giá mủ cao su là 9.500 đồng/kg; giá cao su SVR3L là 26.000 đồng/kg và giá cao su SVR10 là 26.100 đồng/kg.

Diễn biến giảm bất ngờ của giá dầu thô Brent ngay đầu phiên 31/8 đã ảnh hưởng lớn đến giá cả trên các thị trường hàng hóa khác, đặc biệt là cao su.

Mặc dù cao su liên tiếp tăng giá trong 3 phiên cuối tuần trước nhưng niềm tin của giới đầu tư vào thị trường này vẫn rất yếu với khối lượng giao dịch thấp, theo nhận định của một chuyên gia phân tích tại Tokyo.

Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ xe ôtô của Trung Quốc - yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiêu thụ cao su - giảm mạnh trong khi nguồn cung tiếp tục tăng. Dự trữ cao su tại kho ngoại quan được giám sát bởi Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 0,6% so với tuần trước.

Vào lúc 10h52 tại London, giá dầu Brent giảm 1,14 USD xuống 48,91 USD/thùng do lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc cùng áp lực nguồn cung dầu dư thừa.

          Giá cao su xuất khẩu (giá FOB) kỳ hạn giao tháng 10/2015

Giá cao su tại một số nước châu Á ngày 31/8/2015  

Nguyễn Dung