Nguồn cung chính là yếu tố thúc đẩy giá duy trì nhịp điều chỉnh do những lo ngại đối với mùa vụ Mỹ có thể bị thiệt hại nếu như khô hạn ở các khu vực gieo trồng chính tại Midwest vẫn không có dấu hiệu cải thiện. Dự báo cho thấy nhiệt độ mát hơn đang trở nên phổ biến trên khắp khu vực này nhưng lượng mưa dự kiến vẫn duy trì ở mức thấp cho đến giữa tháng Sáu. Dự báo trong 6-10 ngày sẽ kéo theo sự mở rộng của nhiệt độ ấm áp về phía đông và nguy cơ nắng nóng có thể lan rộng trở lại sau 10 ngày. Điều này lý giải cho việc mặc dù tồn kho đậu tương Mỹ cuối niên vụ 22/23 được dự đoán sẽ tăng lên trong báo cáo Cung – cầu sắp tới nhưng giá vẫn duy trì ở mức cao trong 3 tuần qua.
Ngược lại, hoạt động xuất khẩu đậu tương của Mỹ lại đang kém khả quan. Trong báo cáo Xuất khẩu hàng tuần (Export Sales) Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành vào tối nay, thị trường dự đoán bán hàng đậu tương trong tuần kết thúc ngày 01/06 sẽ vẫn duy trì ở dưới 300.000 tấn như những tuần trước đó và thậm chỉ có thể đạt mức âm. Điều này cũng sẽ hạn chế đà tăng của giá đậu tương trong phiên tối. Tuy nhiên, tác động “bearish” từ số liệu bán hàng trong giai đoạn này sẽ không mạnh do tính tổng lũy kế từ đầu niên vụ tới nay, tiến độ giao hàng của Mỹ đã đạt hơn 90% và gần tương đương so với năm ngoái. Mức chênh lệch không quá lớn này khiến cho tốc độ bán hàng không còn là mối bận tâm quá lớn của thị trường trong 3 tháng tới khi niên vụ 22/23 kết thúc. 

Giá cà phê khả năng cao sẽ giằng co khi sương giá khó xảy ra
Kết thúc phiên giao dịch ngày 07/06, hai mặt hàng cà phê đồng loạt khởi sắc trước lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Cụ thể, giá Arabica tăng 1,55% so với tham chiếu khi thị trường lo sợ đợt không khí lạnh đang tiến về khu vực trồng cà phê chính của Brazil sẽ gây thiệt hại đến mùa vụ cà phê và làm lu mờ đi các dự báo triển vọng nguồn cung cà phê tích cực trong niên vụ 2023/24. Giá Robusta ghi nhận mức tăng hơn 2% và là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của mặt hàng này trong bối cảnh lo ngại khan hiến nguồn cung gia tăng sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng Robusta giảm 5% trong niên vụ mới tại Brazil.
Dù không khí lạnh từ phía Nam đang tiến dần đến khu vực Đông Nam, vùng canh tác cà phê chính của Brazil, nhưng khối lạnh này khả năng chưa thể tạo ra sương giá, công ty tư vấn thời tiết Rural Clima cho biết. Đồng thời, các chuyên gia tại đây cũng nhận định, nếu sương giá có xảy ra thì mùa vụ 2024/25 mới là đối tượng chính chịu ảnh hưởng từ biến động này do cây cà phê niên vụ 2023/24 đang trong giai đoạn thu hoạch, khó có thể ảnh hưởng đến năng suất.
Các thông tin cơ bản trước đó đều chỉ ra sự trái chiều về nguồn cung cà phê. Một mặt, lo ngại vấn đề thiếu hụt nguồn cung cà phê trong ngắn hạn vẫn hiện hữu thông qua số liệu tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE ở mức thấp nhất 6 tháng và hoạt động xuất khẩu vẫn còn ảm đạm tại Brazil. Mặt khác, triển vọng nguồn cung tích cực trong niên vụ 2023/24 với những dự báo sản lượng nới lỏng tại Brazil hay Colombia của USDA.

Giá đồng chưa thể bứt phá do triển vọng tiêu thụ còn mờ nhạt
Trong phiên sáng, giá đồng giảm nhẹ bất chấp yếu tố hỗ trợ từ Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ đồng hàng đầu. Dự đoán giá sẽ tiếp tục giằng co trước khi dữ liệu việc làm của Mỹ được công bố tối nay.
Vào sáng nay, sau khi Chính quyền Trung Quốc kêu gọi các ngân hàng hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế, một loạt các ngân hàng lớn của Trung Quốc đã quyết định hạ lãi suất tiền gửi, theo Bloomberg đưa tin.
Cụ thể, Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng TNHH Trung Quốc, Ngân hàng Truyền thông Công ty và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc thông báo cắt giảm 15 điểm cơ bản đối với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 và 5 năm, giảm 10 điểm cơ bản đối với mức kỳ hạn 2 năm.
Việc hạ lãi suất tiền gửi sẽ làm giảm nhu cầu gửi tiền vào các ngân hàng của người dân, điều này sẽ giúp gia tăng cung tiền lưu thông trong nền kinh tế và kích thích chi tiêu tiêu dùng, hỗ trợ nền kinh tế. Đây là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng trong phiên hôm nay.
Tuy nhiên, giá đồng liên tục dao động trong khoảng đi ngang 3,68 – 3,78 USD trong các phiên gần đây, do giá đồng vẫn chưa tìm được động lực phục hồi.
Dữ liệu kinh tế ảm đạm từ các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn đang đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư. Sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc tiếp tục mất đà, trong khi đầu tàu kinh tế của khu vực châu Âu, Đức, chính thức rơi vào suy thoái khi mà tăng trưởng GDP giảm 2 quý liên tiếp. Thêm vào đó, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) sản xuất toàn cầu tiếp tục ở dưới ngưỡng 50 và giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020 vào tháng 5, khi chỉ đạt 48,3 điểm.
Điều này tiếp tục làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khiến cho triển vọng tiêu thụ kim loại công nghiệp hàng đầu là đồng vẫn còn mờ nhạt.
Do vậy, thị trường sẽ tiếp tục hướng sự chú ý tới dữ liệu việc làm của Mỹ được công bố tối nay để đánh giá triển vọng nền kinh tế Mỹ, sau khi Bộ trưởng tài chính Janet Yellen đã cho biết nền kinh tế vẫn đang ổn định vào hôm qua.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ trong tuần 02/06 được dự báo tăng lên 235.0000 đơn, tăng 3.000 đơn so với mức 232.000 trong tuần 26/05. Nếu dữ liệu thấp hơn so với dự báo, giá đồng có thể được hỗ trợ do kinh tế Mỹ ổn định.

Giá dầu có thể tiếp tục phục hồi bởi kỳ vọng từ Trung Quốc
Giá dầu mở cửa phiên giao dịch hôm nay với lực mua và bán tương đối giằng co. Thị trường hiện cũng thiếu vắng các chất xúc tác mới, nhưng những lo ngại về tình trạng thâm hụt nguồn cung trong giai đoạn cuối năm sẽ ngăn cản đà giảm sâu của giá dầu. Thị trường vẫn sẽ hướng sự tập trung vào nền kinh tế Trung Quốc, yếu tố then chốt có thể thúc đẩy giá.
Vào hôm qua, Giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn là yếu tố quan trọng nhất với thị trường dầu mỏ. Trong số hơn 2 triệu thùng tăng trưởng mỗi ngày về nhu cầu tiêu thụ dự kiến trong năm nay, IEA cho biết 60% sẽ đến từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, mức độ hồi phục của quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới trong giai đoạn qua vẫn chưa đủ sức thuyết phục nhằm hỗ trợ giá dầu. Do đó, nếu Trung Quốc có thêm các biện pháp kích thích kinh tế, tâm lý các nhà đầu tư có thể được cải thiện và thúc đẩy giá dầu.
Sau lời kêu gọi của chính quyền Trung Quốc hồi đầu tháng này yêu cầu các ngân hàng lớn nhất nước này cắt giảm lãi suất huy động, vào sáng nay, các ngân hàng đã hạ lãi suất đối với một loạt các sản phẩm tiền gửi. Ngoài ra, một số nhà kinh tế dự đoán Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng trong những tháng tới. Điều này được kỳ vọng sẽ kích thích đầu tư, tiêu dùng trở lại.
Ngoài ra, dữ liệu lao động về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp Mỹ vào tối nay cũng sẽ phản ánh một phần sức khoẻ của nền kinh tế Mỹ. Nếu số đơn gia tăng cao hơn kỳ vọng, giá dầu vẫn sẽ đối diện với áp lực.

 

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)