Phiên 27/01/2021, giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE duy trì ổn định, trước đó trong phiên giá đường thô chạm 15,62 US cent/lb – thấp nhất kể từ ngày 13/1/2021. Trong khi đó, giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 1 USD xuống 444,2 USD/tấn.

Hoạt động bán tháo đang diễn ra sau đợt giá tăng mạnh gần đây, và các quỹ hàng hóa có vẻ đang điều chỉnh danh mục đầu tư, theo các nhà kinh doanh đường.

Một năm trước, các nhà kinh doanh đường hàng đầu đã dự đoán thị trường đường năm 2020 sẽ kéo dài những chuỗi ngày giảm giá bởi đại dịch Covid-19, tuy nhiên họ đã sai lầm.
Ngay trong mùa dịch, các nhà hàng, rạp chiếu phim và sân vận động đóng cửa, mọi người vẫn tiếp tục ăn đường và các sản phẩm có chứa đường. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, mọi người ở nhà nấu nướng và làm bánh trái khiến nhu cầu sử dụng đường vẫn cao đã đẩy giá đường năm 2020 tăng mạnh tới 17%.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn New York kết thúc năm 2020 ở mức 15,53 US cent/lb, trong khi đường trắng ở 420,9 USD/tấn, cao nhất 1 tháng.
Giá đường tiếp tục leo thang trong giữa tháng 1/2021 lên mức cao kỷ lục 3,5 năm. Theo đó, giá đường thô hôm 15/1 là 16,67 US cent/lb, trong khi đường trắng là 464,4 USD/tấn, do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, sau khi Indonesia liên tiếp mua mạnh đường của Australia, Ấn Độ và Brazil.
Ở thời điểm đó, Brazil không chào bán hợp đồng kỳ hạn tháng 3/2021, Thái Lan và EU cũng vắng bóng trên thị trường đường trắng xuất khẩu. Thời tiết khô hạn ở Nam Mỹ gây lo ngại ảnh hưởng tới sản lượng mía đường vụ này. Tình trạng thiếu container cũng góp phần đẩy giá đường tăng chóng mặt trong 2 tuần đầu năm 2021.
Nhà phân tích hàng hóa Green Pool đã dự đoán nhu cầu đường thế giới sẽ giảm 1 triệu tấn, nhưng nay đã điều chỉnh con số thành giảm 100.000 tấn. ED&F Man Holdings Ltd. trong báo cáo mới đây nhất cũng dự báo nhu cầu có thể giảm khoảng 1% (trước đây dự báo là giảm 2%).
Các nền kinh tế mở cửa trở lại và các nước tiến hành tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 đang giúp nhu cầu đường thế giới hồi phục, giữa bối cảnh sản xuất đường ở Brazil, Liên minh Châu Âu và Thái Lan gặp trục trặc. Những yếu tố đó đã đẩy giá đường tăng hơn 70% kể từ mức thấp nhất gần đây chạm tới hồi tháng 4/2020.
Châu Á và châu Phi đang dẫn đầu về mức tăng trưởng nhu cầu đường, trong khi Mỹ và châu Âu hầu như không thay đổi.
Indonesia, nhà nhập khẩu đường thô lớn nhất thế giới dự kiến sẽ tăng nhập khẩu đường thô thêm 10% trong năm 2021. Trung Quốc đã mua kỷ lục 5,3 triệu tấn đường trong năm 2020 sau khi Bắc Kinh nới lỏng kiểm soát đối với những mặt hàng nhập khẩu vượt hạn ngạch thuế quan thấp, theo dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 vẫn chưa kết thúc và nhiều quốc gia ở châu Âu gần đây đã phải đóng cửa lần thứ 3. Tiêu dùng đường ở EU đã giảm trong nhiều năm liền do người tiêu dùng cố gắng giảm sử dụng đường để đảm bảo sức khỏe.
Theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Brazil, tiêu thụ đường của nước này trong 11 tháng năm 2020 tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước đó.
Niên vụ này, tiêu thụ đường ở Ấn Độ cũng sẽ hồi phục mạnh thêm khoảng 1 triệu tấn, theo Giám đốc điều hành Rahil Shaikh của công ty nông nghiệp Meir Commodities India Pvt.

Nguồn: VITIC/Reuters