Việc giá ngô và lúa mì tăng vọt sau khi Nga xung đột với Ukraine - nhà sản xuất ngũ cốc lớn vào cuối tháng 2 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến một số quốc gia nghèo trên thế giới. Nguyên nhân là do các nước này phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực và phần lớn thu nhập của người dân dùng để chi trả cho thực phẩm.
Meyer cho biết các quốc gia đang phát triển ở Bắc Phi và những khu vực khác có thể là những nước đầu tiên thấy giá giảm tại các cửa hàng tạp hóa, do sản lượng mùa vụ ở Bắc Mỹ tăng và giá hàng hóa đã giảm xuống mức trước khi diễn ra cuộc xung đột.
“Đó là một hiệu ứng tức thì. Giá hàng hóa giảm dẫn đến việc giảm giá nhập khẩu ở một số quốc gia, đồng thời có thể giúp kiểm soát một số vấn đề liên quan đến lạm phát giá lương thực.” Meyer nói tại một hội nghị nông nghiệp ở Sao Paulo.
Giá lương thực thế giới giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 6, nhưng vẫn gần mức cao kỷ lục được ghi nhận vào tháng 3, cơ quan lương thực của Liên hợp quốc cho biết hồi đầu tháng 7.
Meyer cho biết lạm phát giá lương thực ở Mỹ sẽ giảm chậm hơn do thực phẩm có nhiều khâu chế biến và chuỗi cung ứng phức tạp hơn. Giá tiêu dùng của Mỹ tăng nhanh trong tháng 6 vì chi phí xăng dầu và thực phẩm tăng cao, dẫn đến mức tăng lạm phát hàng năm lớn nhất trong hơn 40 năm.
Meyer nói: “Lúa mì, ngô hoặc gạo chiếm một phần nhỏ nhu cầu của người tiêu dùng. Quốc gia càng có nhiều sản phẩm đã qua chế biến, thì việc giảm lạm phát giá thực phẩm càng chậm, và giá xuất khẩu liên quan đến nhiều mặt hàng đã qua chế biến hơn.”

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters)