Theo dự báo thời tiết, một đợt mưa lớn sẽ xuất hiện trên khu vực phía nam Vành đai ngô do các cụm giông bão cục bộ đang phát triển trong tuần tới và mang lại độ ẩm cần thiết cho cây trồng khi bước vào giai đoạn phát triển quan trọng. Trong khi đó, nửa phía bắc vẫn chưa nhận được dự báo chắc chắn về lượng mưa. Tuy nhiên, nhìn chung thị trường có thể kỳ vọng vào việc chất lượng ngô tại Mỹ sẽ được cải thiện đáng kể trong các báo cáo Crop Progress sắp tới. Ngoài ra, những thay đổi trong các dựu báo thời tiết ngắn hạn gần đây cũng cho thấy tín hiệu tích cực và rõ ràng hơn từ mô hình El Nino đã được xác nhận trong năm nay. Trái ngược với tác động của La Nina trong 3 năm vừa qua, việc El Nino xuất hiện thường đi kèm với thời tiết ẩm ướt hơn tại Mỹ. Triển vọng nguồn cung dần trở nên khả quan hơn chính là yếu tố sẽ khiến giá ngô duy trì xu hướng giảm trong vài tháng tới.
Do ảnh hưởng của hạn hán không quá lớn nên diện tích gieo trồng ngô Mỹ niên vụ 23/24 trong báo cáo Diện tích Gieo trồng (Acreage) được dự báo ở mức 91.85 triệu mẫu, giảm nhẹ so với con số mà Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra trong báo cáo Prospective Plantings cuối tháng 3. Với diện tích tăng vọt so với mức 88.58 triệu mẫu trong niên vụ 22/23, chúng tôi cho rằng trong trường hợp mùa vụ năm nay vẫn ghi nhận thiệt hại từ hạn hán, năng suất có thể giảm xuống so với mức 181.5 giạ/mẫu trong dự báo hiện tại thì sản lượng ngô tại Mỹ vẫn sẽ tăng lên. Trong khi đó, các đơn hàng ngô của Mỹ mà Trung Quốc đặt mua liên tục bị hủy có thể sẽ khiến cho tồn kho trong báo cáo Grain Stocks cao hơn. Cả 2 báo cáo sắp tới đều đang mang lại tác động “bearish” tiềm ẩn với giá.

Mở cửa phiên giao dịch ngày 29/06, giá ngô đang hồi phục trở lực nhờ lực chốt lời sau chuỗi lao dốc liên tiếp trong 5 phiên trước đó. Trong nửa cuối tuần này, bên cạnh thời tiết ở các vùng sản xuất tại Mỹ, 2 báo cáo quan trọng được phát hành vào tối thứ 6 cũng sẽ là những yếu tố chính tác động lên giá và khiến cho thị trường tiếp tục biến động mạnh mẽ.

Giá đồng có thể giảm trở lại nếu dữ liệu lạm phát của Mỹ tăng

Giá đồng phục hồi nhẹ trong phiên sáng sau chuỗi giảm điểm nhiều ngày liên tiếp, do được hỗ trợ bởi dữ liệu kinh tế có sự cải thiện nhẹ của Trung Quốc. Tuy vậy, dự báo giá có thể giảm trở lại nếu báo cáo lạm phát được Mỹ công bố tối nay cao hơn dự báo.
Trong sáng nay, dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia công bố cho thấy chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất tháng 6 của Trung Quốc đã tăng nhẹ lên mức 49 điểm từ mức 48,8 điểm trong tháng 5. Con số này phù hợp với dự đoán của giới phân tích. Hoạt động sản xuất có sự cải thiện so với tháng trước đã hỗ trợ lực mua đồng trong phiên sáng.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của Trung Quốc vẫn ở vùng thu hẹp tháng thứ 3 liên tiếp, cho thấy đà phục hồi yếu kém của nền kinh tế nước này. Mặc dù Chính phủ cho biết sẽ tăng cường ban hành các chính sách giúp ổn định kinh tế, tuy nhiên, vẫn chưa có biện pháp mới nào được tung ra kể từ khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hạ lãi suất vào ngày 20/06. Do đó, triển vọng tiêu thụ yếu kém tại Trung Quốc vẫn sẽ là lực cản đối với đà tăng của giá đồng.
Hơn nữa, dự báo giá có thể gặp sức ép trở lại trong phiên tối nếu dữ liệu chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tiếp tục tăng cao.
Trong tháng 5, áp lực lạm phát tại Mỹ vẫn còn cao khi mà báo cáo bảng lương phi nông nghiệp cho thấy Mỹ đã tạo ra 339.000 việc làm, cao hơn gần gấp đôi so với dự báo, trong khi kỳ vọng tiêu dùng của người dân Mỹ cũng tích cực hơn so với ước tính. Do đó, nhiều khả năng chỉ số PCE tháng 5 có thể cao hơn tháng 4 và làm gia tăng lo ngại Fed vẫn còn nhiều dư địa để tăng lãi suất. Điều này có thể củng cố cho đồng USD và gây sức ép tới giá đồng trong phiên tối.

Giá dầu có thể di chuyển trong biên độ hẹp trước thông tin trái chiều
Giá dầu đang cho thấy diễn biến tương đối giằng co trong phiên giao dịch sáng nay khi thị trường thiếu vắng các thông tin mới về cung cầu. Dự báo giá có thể sẽ dao động trong phiên độ hẹp, một mặt chịu sức ép từ dữ liệu sản xuất tiêu cực của Trung Quốc, mặt khác, có thể được hỗ trợ nếu dữ liệu lạm phát của Mỹ tối nay cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt.
Sáng nay, Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố dữ liệu chỉ số quản lý mua hàng PMI sản xuất tháng 6 của quốc gia này chỉ đạt 49 điểm, bằng với con số dự đoán của giới phân tích. Mặc dù tăng nhẹ so với mức 48,8 điểm vào tháng trước, nhưng ngưỡng dưới 50 vẫn cho thấy các nhà máy sản xuất thu hẹp hoạt động, phản ánh tăng trưởng kinh tế yếu kém của Trung Quốc.
Tuy nhiên, đà giảm có thể sẽ bị hạn chế bởi lo ngại về nguồn cung sụt giảm trong tháng 7, khi Saudi Arabia thực hiện cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày, tương đương với 1% nhu cầu dầu toàn cầu. Các dự báo từ loạt tổ chức lớn như Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đều cho thấy lăng kính thị trường dầu thô sẽ rơi vào trạng thái thâm hụt trong quý III.
Ngoài ra, giá dầu có thể sẽ biến động mạnh hơn trong phiên tối trước loạt dữ liệu kinh tế của Mỹ, trong đó có chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 5, dữ liệu đo lường lạm phát yêu thích nhất của Fed. Nếu PCE tăng ít hơn dự báo ở mức 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, giá dầu có thể tiếp tục được hỗ trợ bởi kỳ vọng mức đỉnh lãi suất có thể thấp hơn dự kiến.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)