Trong báo cáo Bán hàng xuất khẩu (Export Sales) tối qua, USDA cho biết Mỹ đã bán 527,719 tấn ngô niên vụ 22/23 trong tuần 31/03-06/04, giảm 57.7% so với một tuần trước. Đúng như những phân tích của chúng tôi, với sự xuất hiện thưa thớt của các báo cáo Bán hàng hàng ngày (Daily Export Sales) trong giai đoạn trên, doanh số bán ngô của Mỹ trong tuần đánh giá đã giảm mạnh và chỉ cao hơn một chút so với mức thấp nhất của khoảng dự đoán từ giới chuyên gia. Thêm vào đó, chỉ có 21.3 triệu tấn ngô niên vụ 22/23 đã được giao kể từ đầu niên vụ tới ngày 06/04, thấp hơn 43.6% so với lũy kế bán hàng trong giai đoạn này. Một lần nữa, điều đó dấy lên lo ngại về tính khả thi trong việc hoàn thành kế hoạch xuất khẩu ngô niên vụ 22/23 của Mỹ, khiến giá ngô đối mặt với áp lực bán mạnh.
Đối với nguồn cung từ Argentina, Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) cho biết, sự xuất hiện của một đợt không khí lạnh và không có mưa đã giúp hoạt động thu hoạch ngô được đẩy nhanh. Tính tới ngày 13/04, 13% diện tích ngô dự kiến đã được thu hoạch. Tuy năng suất ngô được đánh giá ở dưới mức tiềm năng, nhưng BAGE vẫn duy trì dự báo tổng sản lượng năm nay của Argentina ở mức 36 triệu tấn, cao hơn 4 triệu tấn so với ước tính mới nhất của Sở Giao dịch Ngũ cốc Rosario. Thông tin này giúp thị trường có cái nhìn lạc quan hơn về triển vọng mùa vụ của Argentina và phần nào gây sức ép lên giá ngô trong sáng nay.

Arabica có thể giằng co trước những thông tin trái chiều về nguồn cung
Kết thúc phiên 14/04, hai mặt hàng cà phê đều tăng trước lo ngại về thiếu hụt nguồn cung. Xuất khẩu trong tháng 3 tại Brazil và Colombia đều ghi nhận mức giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi nông dân tại Việt Nam và Indonesia hạn chế bán Robusta do tồn kho ở mức thấp.
Thị trường cà phê Arabica đang chịu tác động trái chiều từ hai luồng thông tin về nguồn cung.
Trong ngắn hạn, xuất khẩu Arabica trong tháng 3 và 3 tháng đầu năm của Brazil và Colombia đều giảm mạnh quanh mức gần 20% so với cùng kỳ năm 2022, kết hợp với tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE tiếp tục giảm, làm gia tăng lo ngại về thiếu hụt nguồn cung, từ đó hỗ trợ giá.
Trong trung hạn, giới phân tích vẫn lạc quan về triển vọng nguồn cung niên vụ 2023/24 của Brazil. Sản lượng cà phê của quốc gia này dự kiến đạt 55.7 triệu bao, tăng 0.7% so với dự báo trước và 6.5% so với 2022, trong đó Arabica giảm 0.3% so với dự báo tháng 2, về 38.50 triệu bao nhưng vẫn tăng 13.4% so với năm ngoái, theo Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE).

Giá đồng có thể tăng phiên thứ 4 liên tiếp nhờ triển vọng tiêu thụ tích cực từ Trung Quốc
Giá đồng bật tăng mạnh mẽ hơn 1% trong phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 14/04 nhờ triển vọng tiêu thụ khởi sắc từ phía quốc gia tiêu dùng đồng hàng đầu là Trung Quốc. Đồng thời, đồng USD suy yếu tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho giá.
Sau loạt dữ liệu cho thấy lạm phát tại Mỹ đang dần hạ nhiệt khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 đạt mức thấp hơn dự báo, giảm phát giá sản xuất tiếp tục kéo dài. Hôm nay Mỹ sẽ tiếp tục công bố dữ liệu doanh số bán lẻ, với kỳ vọng của thị trường nghiêng về kịch bản chi tiêu của người tiêu dùng chậm lại, doanh số bán lẻ lõi tháng 3 giảm 0.3% sau khi giảm 0.1% trong tháng 2. Kỳ vọng lạm phát của Đại học Michigan cũng giảm xuống 3.5% trong tháng 4 từ mức 3.6% của tháng 3.
Do đó, nếu số liệu được công bố tiếp tục cho thấy những dấu hiệu lạm phát tại Mỹ dần hạ nhiệt, điều này làm gia tăng kỳ vọng của nhà đầu tư về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Đồng USD có thể tiếp tục suy yếu và hỗ trợ cho giá đồng trong phiên.
Về phía Trung Quốc, dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) cho thấy sản xuất và doanh số bán ô tô của Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ trong tháng 3. Trong tháng 3, sản lượng sản xuất và doanh số bán ô tô của Trung Quốc đạt lần lượt là 2.58 triệu chiếc và 2.45 triệu chiếc, tăng 27.2% và 24% so với tháng trước và 15.3 % và 9.7% so với cùng kỳ năm 2022. Tính trong 3 tháng đầu năm, tổng sản lượng và doanh số bán xe chạy bằng năng lượng mới (New Energy Vehicle - NEV) đạt tổng cộng 1.65 triệu chiếc và 1.586 triệu chiếc, tăng lần lượt 27.7% và 26.2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự phục hồi tích cực trong hoạt động sản xuất cũng như doanh số bán ô tô của Trung Quốc có thể là yếu tố thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đồng tăng trong thời gian tới. Do đồng là một trong những nguyên liệu quan trọng để sản xuất ô tô, hơn nữa, đối với ô tô điện, lượng đồng cần thiết để tạo ra một chiếc ô tô điện gấp 4 lần xe ô tô thông thường.
Hơn nữa, Ngân hàng Goldman Sachs mới đây đã cho rằng sự thâm hụt lớn trên thị trường đồng trong năm tài chính 2023 sẽ xảy ra. Họ dự kiến giá đồng sẽ tăng 25% và đưa ra dự báo giá là 11,000 USD/tấn trong 12 tháng tới.
