Ngành dầu cọ của Indonesia đã cố gắng để được xóa bỏ Nghĩa vụ Thị trường Nội địa (DMO), theo đó các nhà xuất khẩu phải bán một phần sản lượng cho thị trường trong nước trước để được cấp giấy phép xuất khẩu.

Septian Hario Seto, Thứ trưởng điều phối lĩnh vực hàng hải và đầu tư, cho biết để giảm trữ lượng dầu cọ, chính phủ cho phép các công ty xuất khẩu gấp 9 lần số lượng dầu cọ cung cấp cho thị trường trong nước từ ngày 1/8, tăng gấp 7 lần so với trước đó. 

Nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới - Indonesia - đã thực hiện chính sách DMO để đảm bảo nguồn cung dầu ăn trong nước sau khi chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ vào ngày 23/5.

Tuy nhiên, lệnh cấm xuất khẩu và chính sách DMO đã tạo ra tình trạng dư thừa hàng tồn kho khiến giá bán trái cọ giảm.

Ông nói: “Chúng tôi muốn giá dầu ăn ở mức 14.000 rupiah/lít (0,94 USD) và việc xuất khẩu diễn ra suôn sẻ, đồng thời tăng giá trái cọ.”

Dầu ăn chiết xuất từ dầu cọ có giá trung bình khoảng 18.000 rupiah/lít vào tháng 4 và hiện có giá khoảng 14.400 rupiah/lít.

Tháng trước, Bộ trưởng Thương mại cho biết ông sẽ xem xét loại bỏ chính sách DMO nếu các nhà sản xuất đảm bảo rằng họ sẽ duy trì đủ nguồn cung cho nhu cầu trong nước.

“Chúng tôi muốn nhất quán với chính sách của mình và sẽ không thay đổi chính sách DMO.” Seto nói và cho biết thêm Chính phủ rút ra kết luận này sau khi xem xét các yêu cầu. 

“Chúng ta phải giảm lượng hàng tồn kho dần dần, không thể làm trong một sớm một chiều vì nó sẽ làm ảnh hưởng đến giá thành toàn cầu”.

Việc  Indonesia mở lại xuất khẩu và suy đoán về việc loại bỏ chính sách DMO, cùng với việc sản lượng của Malaysia tăng, đã khiến giá dầu cọ Malaysia kỳ hạn giảm gần 32% trong tháng 6 và tháng 7.

Chủ tịch Hiệp hội Dầu cọ Indonesia, Joko Supriyono, tại một hội nghị ngành cho biết DMO không phải là chính sách hiệu quả nhất để cân bằng nguồn cung cho thị trường xuất khẩu và trong nước.

Ông cho biết chính phủ nên duy trì nguồn cung dầu ăn cho người tiêu dùng có thu nhập thấp - những người sử dụng 2,5 triệu tấn/năm thông qua trợ cấp trực tiếp.

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters)