Đồng là vật liệu thiết yếu trong sản xuất chip, dùng để tạo nên hàng tỷ dây dẫn siêu nhỏ bên trong mỗi mạch điện. Dù đang có những nỗ lực nghiên cứu vật liệu thay thế, hiện chưa có lựa chọn nào vượt trội hơn đồng về hiệu suất và chi phí.
Chile - quốc gia sản xuất đồng lớn nhất thế giới - đã và đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng thiếu nước, làm chậm tiến độ khai thác. PwC dự báo, đến năm 2035, phần lớn trong số 17 quốc gia cung cấp đồng cho ngành chip sẽ đối mặt với nguy cơ hạn hán. Ngoài Chile, các quốc gia như Trung Quốc, Australia, Peru, Brazil, Hoa Kỳ, Cộng hòa Dân chủ Congo, Mexico, Zambia và Mông Cổ cũng không tránh khỏi rủi ro này.
"Khoảng một nửa sản lượng đồng ở mọi quốc gia sẽ đối diện nguy cơ gián đoạn vào năm 2050, bất kể tốc độ cắt giảm khí thải toàn cầu ra sao", báo cáo PwC cảnh báo.
PwC nhấn mạnh, nếu không có các giải pháp vật liệu thích nghi tốt hơn với biến đổi khí hậu và nguồn nước không được đảm bảo, ngành bán dẫn sẽ tiếp tục dễ bị tổn thương trước các cú sốc chuỗi cung ứng.
Trước đây, một đợt thiếu hụt chip toàn cầu – do nhu cầu tăng vọt trong đại dịch kết hợp với việc đóng cửa nhà máy – đã gây tê liệt ngành ô tô và làm gián đoạn các chuỗi sản xuất trong nhiều lĩnh vực khác phụ thuộc vào chip.
“Cuộc khủng hoảng chip toàn cầu trước đây do đại dịch đã khiến nền kinh tế Mỹ mất một điểm phần trăm tăng trưởng GDP, còn Đức là 2,4%,” ông Glenn Burm, trưởng nhóm dự án tại PwC, dẫn nguồn từ Bộ Thương mại Mỹ.
PwC ghi nhận một số nỗ lực tích cực, như việc Chile và Peru đầu tư xây dựng nhà máy khử mặn và cải thiện hiệu quả khai thác mỏ nhằm đảm bảo nguồn nước. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp khả thi cho tất cả các quốc gia, đặc biệt là những nước không có khả năng tiếp cận nguồn nước biển.
Báo cáo ước tính hiện nay 25% sản lượng đồng của Chile đã chịu rủi ro gián đoạn, con số này sẽ tăng lên 75% vào năm 2035 và có thể lên tới 90–100% vào năm 2050 nếu không có biện pháp đối phó hiệu quả.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters