Sebastian Jacob, một chuyên gia trong ngành và là Giám đốc điều hành của công ty thương mại Continental Seafoods, cho biết, nhiều nhà máy chế biến tôm phải giảm mạnh công suất do thiếu công nhân. Có công ty lớn chế biến XK tôm sang Mỹ đang vận hành các nhà máy với công suất gần 30 - 40%, và thiếu 1.500 công nhân. Các nhà máy giá trị gia tăng ở bang nuôi tôm thẻ chân trắng chính là Andhra Pradesh cũng đang hoạt động với công suất hạn chế. Điều này có nghĩa là Ấn Độ sẽ tăng đáng kể tỷ lệ tôm nguyên liệu thô, chưa qua chế biến bán sang các thị trường mục tiêu như Trung Quốc để chế biến sâu.
Nganh tom An Do gap kho, gia tom tang
Thêm vào đó, giá vận chuyển hàng hóa đã tăng gấp đôi trong những tháng gần đây do thiếu container cũng gây ra nhiều khó khăn. Việc lập kế hoạch kinh doanh trở nên khó khăn, việc quay vòng giao hàng mất nhiều thời gian hơn. Trước đó, nếu chuyến hàng mất 30 ngày, DN sẽ nhận được tiền vào ngày thứ 35 hoặc 40; hiện tại việc vận chuyển mất 45-60 ngày, vì vậy tiền của họ thực sự bị giữ lại trong hai tháng. Hiện tại, các ngân hàng cũng đang bị thắt chặt và giám sát nghiêm ngặt. Dự đoán nhiều công ty lớn trong ngành sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ trong những tháng tới, do nhà NK Mỹ giữ các hợp đồng giá cao dài hạn mà họ phải thực hiện một cách hợp pháp, Jacob tiếp tục. "Chúng tôi thấy một số người đã nhận đơn đặt hàng từ tháng 5 đến tháng 6 trước khi tình hình thay đổi và tất cả các tính toán đã sai. Họ đã bị buộc phải giao hàng, họ có thể bị chậm một hoặc hai tuần, có thể là một tháng, nhưng họ vẫn đang giao hàng và mất tiền."
"Ở Andhra Pradesh, nếu bạn hỏi một nhà cung cấp, họ không quan tâm đến việc chào hàng sang Mỹ vì họ đã nhận đơn đặt hàng cho đến tháng 7," ông tiếp tục. "Tất cả những đơn đặt hàng đó đều bị trì hoãn ... chúng bị chậm một tháng. Nếu người mua ở Mỹ hỏi, họ nói rằng họ sẽ cố gắng thực hiện vào tháng 8, nhưng đến lúc đó thì không ai biết điều gì sẽ xảy ra." Do đó, một số nhà nhập khẩu Mỹ đã bắt đầu chuyển sang nơi khác để mua tôm, Jacob tuyên bố.
"Tại Việt Nam, giá cũng sẽ tăng vì dần dần các nhà nhập khẩu Mỹ nhận ra rằng mua của Ấn Độ sẽ rủi ro nên họ sẽ chuyển sang Việt Nam".
Giá tôm Ấn Độ cỡ lớn dự kiến sẽ tăng
Mặc dù giá tôm thẻ chân trắng cách đây hai tuần giảm 20-25 INR/kg ở tất cả các kích cỡ, nhưng dường như đã phục hồi ổn định kể từ đó do nông dân đã được khuyến cáo tránh thu hoạch vội. Ước tính chỉ có 25-30% vụ mùa ở Andhra Pradesh được thu hoạch trong một loạt vụ thu hoạch sớm từng phần vào tháng trước, dẫn đến tình trạng dư thừa tôm cỡ nhỏ hơn trên thị trường.
Ngay sau đó, Phòng Nông nghiệp Andhra Pradesh đã vào cuộc đưa ra một bộ giá chuẩn để ngăn chặn việc thao túng thị trường, và giá dường như không giảm thêm.
Trong tuần 19, thậm chí giá tôm vừa và nhỏ phục hồi một phần, giá tôm nuôi cỡ trung bình từ 40 con đến 100 con tăng 10 INR/kg (0,15 USD).
Còn khoảng một tháng nữa mới đến chính vụ thu hoạch ở các vùng nuôi nhỏ hơn ở Gujarat và Tây Bengal, nơi tôm gần ở giai đoạn 70 DOC (ngày nuôi). Tuy nhiên, giá phục hồi tương tự 10 INR/kg ở tất cả các kích cỡ tại Gujarat trong tuần 19.
Mặc dù chưa bắt đầu thu hoạch, nhưng việc thu hoạch một phần sớm có nghĩa là có khả năng nguồn cung tôm cỡ lớn sẽ giảm trong những tháng tới và giá tôm 20 con và 30 con dự kiến sẽ tăng vì khả năng thiếu hụt trong quý III. Tuy nhiên, nếu tình hình quốc gia được cải thiện trong vài tuần tới, nhiều nông dân có thể sẽ giữ lại tôm nuôi lâu hơn, ông nói thêm.
Nguồn tin chế biến trước đó cũng nói với Undercurrent rằng vẫn còn quá sớm trong mùa vụ cho các kích cỡ lớn hơn với bất kỳ khối lượng đáng kể nào, với các trang trại ở bờ biển phía đông vẫn còn vài tuần nữa mới có thể phát triển tôm lên cỡ 20/30 con.
Do cuộc khủng hoảng y tế hiện nay ở Ấn Độ,sẽ rất ít nông dân dự trữ tôm trong mùa hè, tình trạng thiếu hụt sẽ trầm trọng thêm. Thật vậy, nguồn cung cấp oxy cần thiết để vận chuyển con giống đến trại giống đang được sử dụng trong các bệnh viện và khu y tế để điều trị bệnh nhân COVID, có nghĩa là nhiều trại sản xuất tôm giống của Ấn Độ không hoạt động đầy đủ.
Đó là một tình huống rất khó khăn cho tất cả những người có liên quan; trên LinkedIn tuần trước, nông dân Durai Murugan, chủ sở hữu của Sea Gem Aqua Farms, đã viết rằng nhiều nông dân và đại lý đang đứng trước bờ vực phá sản.
Rajendra Damle, nông dân ở Maharashtra, cũng nhận xét rằng do sự kết hợp của đại dịch và cơn lốc xoáy tấn công trang trại của ông vào tháng 7 năm ngoái, doanh nghiệp của ông đã không còn tôm trong hơn một năm qua.

Nguồn: Vasep/undercurrentnews