Cụ thể, xuất khẩu cao su thiên nhiên trong tháng 8/2015 ước đạt 118.560 tấn với giá trị khoảng 167,07 triệu USD, đơn giá xuất khẩu bình quân khoảng 1.409 USD/tấn.  So với tháng trước (7/2015), xuất khẩu cao su thiên nhiên tăng 12,2% về lượng, tăng 7,4% về giá trị do giá giảm nhẹ 4,3%.

Tổng lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2015 ước đạt 639.560 tấn với giá trị khoảng 928,23 triệu USD, đơn giá xuất khẩu bình quân khoảng 1.451 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2014, xuất khẩu cao su thiên nhiên tăng 12,4% về lượng, giảm 9,6% về giá trị và giảm 19,6% về giá.

Trong tháng 8/2015, cao su khối SVR 3L là chủng loại được xuất khẩu nhiều nhất, đạt 35.049 tấn (tỷ trọng 29,6%), giá trị 51,22 triệu USD, giảm 9,7% về lượng và giảm 13,9% so với tháng trước.

Tiếp đến là cao su khối SVR 10, đạt 24.697 tấn (20,8%), trị giá 34,26 triệu USD, với đơn giá 1.387 USD/tấn, giảm 5,8% về lượng và giảm 9,7% về giá trị so với tháng trước. 

Xuất khẩu cao su hỗn hợp trong 6 tháng đầu năm 2015 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014, nhưng trong tháng 7 và tháng 8, các doanh nghiệp Trung Quốc giảm nhập đáng kể khi nước này áp dụng tiêu chuẩn mới đối với cao su hỗn hợp nhập khẩu (88% cao su thiên nhiên, từ ngày 01/7/2015). Cụ thể xuất khẩu cao su hỗn hợp tháng 7 đạt 7.303 tấn, giảm 72,2% so với tháng 6 và tháng 8/2015 đạt 7.637 tấn trong, chỉ tăng nhẹ 4,6% về lượng so với tháng 7/2015 nhưng giảm 71% so với tháng 6 và giảm 54,6% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường, trong 8 tháng, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 308.827 tấn, chiếm 48,3% tổng lượng xuất khẩu của cả nước. Tiếp đến là thị trường Malaysia đạt 106.616 tấn và Ấn Độ đạt 46.017 tấn.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam trong 8 tháng đạt khoảng 89.434 tấn với kim ngạch 126,23 triệu USD. Thị trường nhập cao su chủ yếu từ Campuchia (chiếm 43,2% về luợng), Khu chế xuất Việt Nam (18,5%), Lào (16,0%) và Thái Lan (8,9%). 

Kiều Linh