Các số liệu về cơ cấu cung cầu tại Mỹ vẫn được duy trì như trong báo cáo tháng 3 mặc dù tồn kho đậu tương tính đến ngày 01/03 giảm mạnh là cơ sở để thị trường kỳ vọng USDA cắt giảm dự báo tồn kho đậu tương cuối niên vụ 22/23 của nước này. Con số này vẫn được dự báo ở mức 210 triệu giạ, cũng là mức thấp trong vòng 7 năm qua.
Đối với số liệu thế giới, trọng tâm của thị trường lại một lần nữa đổ dồn về vụ đậu tương của Argnetina. Mức cắt giảm mạnh tay tới 6 triệu tấn từ báo cáo tháng 3 khiến dự báo sản lượng của nước này chỉ còn ở mức 27 triệu tấn. Đây là mức thấp nhất trong 27 năm qua và tương đương với một số dự báo nghiêm trọng của các tổ chức tư nhân. Với thế mạnh về ngành ép dầu nội địa, mức thiệt hại trên cũng khiến cho ước tính nhập khẩu đậu tương của Argentina tăng thêm hơn 1 triệu tấn lên mức 8.3 triệu tấn. Trong khi đó, mặc dù dự báo sản lượng đậu tương của Brazil gia tăng nhưgn cũng không bù đắp được vào phần sụt giảm từ nguồn cung ở Argentina. Mặc dù hạn hán đã không còn là mối lo ngại trong giai đoạn quốc gia Nam Mỹ này bắt đầu thu hoạch nhưng các số liệu vẫn tiếp tục phản ánh nguồn cung thắt chặt do tác động từ đầu năm. Chính vì thế nên chúng tôi cho rằng, đây không phải là yếu tố quá bất ngờ đối với thị tường và tác động “bullish” đối với giá sẽ không mạnh. Trước khi mối quan tâm quay trở lại về Mỹ, giá đậu tương khả năng sẽ chỉ biến động trong khoảng đi ngang 1480 – 1530 như giai đoạn vừa qua.
Những tín hiệu điều chỉnh về mặt kỹ thuật có thể hạn chế đà tăng của giá cà phê
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/04, hai mặt hàng cà phê đồng loạt bật tăng mạnh hơn 4% trước những lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn. Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE tiếp tục suy yếu về mức thấp nhất trong gần 4 tháng, gia tăng lo ngại khan hiếm nguồn cung trong ngắn hạn, từ đó hỗ trợ giá tăng.
Tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE tiếp tục suy yếu mà chưa có tín hiệu của sự bổ sung trong khi tồn kho tại các nước sản xuất chính như Brazil dường như cũng không mấy tích cực. Xuất khẩu trong quý đầu tiên của năm 2023 đạt 8.6 triệu bao, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Bộ Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Brazil. Điều này góp phần củng cố lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn của thị trường, cùng với sự mạnh lên của đồng Real so với USD, có thể hỗ trợ giá tăng.
Giá Arabica tại Brazil giảm gần 7% trong tuần kết thúc ngày 07/04, về mức 1,050 Real/bao, trái chiều với xu hướng giá khởi sắc của Arabica giao dịch trên Sở ICE. Điều này sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu bán hàng của nông dân Brazil do chênh lênh giá và dự kiến có thể sẽ là yếu tố gây sức ép lên giá.

Giá đồng có thể biến động nhẹ trước khi báo cáo lạm phát Mỹ được công bố tối nay
Đồng mở cửa phiên giao dịch sáng nay ngày 12/04 với lực mua và bán khá giằng co, khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi báo cáo lạm phát quan trọng của Mỹ. Bên cạnh đó, triển vọng tiêu thụ tích cực từ phía quốc gia tiêu dùng hàng đầu là Trung Quốc có thể là yếu tố hạn chế đà giảm mạnh của giá đồng.
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs mới đây đã đưa ra quan điểm lạc quan về sự phục hồi trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, lĩnh vực tiêu thụ phần lớn đồng tại nước này. Dữ liệu mới nhất cho thấy doanh số bán nhà mới của Trung Quốc đã tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 3. Do đó, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc dần phục hồi có thể làm gia tăng triển vọng nhu cầu tiêu thụ đồng trong thời gian tới và hỗ trợ cho giá.
Tuy vậy, những tín hiệu tích cực gần đây về sự phục hồi trong nguồn cung đồng toàn cầu có thể khiến giá đồng giằng co. Theo thông báo từ một quan chức cấp cao tại Peru, nhà sản xuất đồng lớn thứ hai thế giới, hoạt động khai thác tại nước này đã trở lại bình thường và họ dự kiến sẽ sản xuất 2.8 triệu tấn đồng trong năm 2023, tăng gần 15% so với năm ngoái.
Bên cạnh đó, thị trường cũng sẽ hướng tâm điểm tới báo cáo lạm phát của Mỹ được công bố tối nay. Mặc dù lạm phát cơ bản được dự báo sẽ hạ nhiệt, do chi tiêu người tiêu dùng suy yếu trong bối cảnh tín dụng thắt chặt sau cuộc khủng hoảng ngân hàng hồi tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi được giới phân tích dự báo vẫn tăng 5.6% trong tháng 3, từ mức 5.5% trong tháng 2. Hơn nữa, số liệu bảng lương công bố vào thứ Sáu tuần trước cũng cho thấy thị trường lao động tại Mỹ vẫn ổn định.
Do đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ mạnh tay để kiểm soát lạm phát về mức mục tiêu 2% và gây sức ép tới thị trường đồng trong phiên hôm nay. Theo CME FedWatch Tool, có khoảng 65% số ý kiến cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 5.

Giá dầu có thể gặp áp lực nếu dữ liệu lạm phát cao thúc đẩy hành động tăng lãi suất của Fed
Giá dầu đã có một phiên tăng đáng kể trong ngày hôm qua, sau khi liên tục giằng co kể từ đợt gap-up do thông tin OPEC+ cắt giảm nguồn cung. Nhìn chung, lo ngại nguồn cung thu hẹp vẫn khiến các nhà đầu tư ưa thích vị thế mở mua khi giá về dưới 80 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu WTI vẫn đang nằm trong khoảng đi ngang, chưa bứt phá được qua vùng 82 USD/thùng.
Tâm điểm của thị trường ngày hôm nay sẽ hướng về dữ liệu lạm phát của Mỹ, và giá dầu sẽ nhiều khả năng sẽ biến động mạnh.
Dự báo của các chuyên gia kinh tế cho rằng chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ trong tháng 3 sẽ tăng chậm lại ở mức 5.2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 6.0%. Điều này là khả dĩ khi giá hàng hoá nhìn chung trong tháng trước đã gặp áp lực đáng kể từ hàng loạt các sự kiện ngân hàng sụp đổ.
Mối bận tâm hơn sẽ là lạm phát lõi và nhiều khả năng CPI lõi loại trừ biến động của năng lượng và thực phẩm vẫn sẽ cao hơn kỳ vọng. Tăng trưởng tiền lương vẫn cao, thị trường lao động chưa rơi vào kịch bản tiêu cực. Điều này có thể sẽ tạo dư địa cho Fed tiếp tục tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 5 và giá dầu có thể gặp áp lực trong trường hợp này.
Khảo sát của 22 Research cho biết khoảng 1/2 số ý kiến được phỏng vấn cho rằng lạm phát lõi sẽ ở mức 5.6% hoặc cao hơn trong tháng 3 này so với cùng kỳ năm ngoái, tức là cao hơn mức 5.5% hồi tháng 2.
Về mặt cung cầu, trong báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) tháng 4 của EIA, mặc dù đã tính đến việc OPEC+ cắt giảm sản lượng, nhưng dự báo vẫn cho thấy xu hướng nguồn cung nhỉnh hơn so với nhu cầu trong các quý năm nay và năm sau. EIA dự báo nguồn cung vẫn ở mức cao hơn nhu cầu trung bình khoảng 430,000 thùng/ngày trong năm 2023 và 530,000 thùng/ngày vào năm sau.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)