Dòng tiền mạnh mẽ trở lại thị trường thể hiện qua mức tăng vọt hơn 65% của giá trị giao dịch toàn Sở trong ngày hôm qua, chốt phiên đạt gần 5.700 tỷ đồng, cao nhất trong gần 1 tháng trở lại đây.
Giá dầu bật tăng trở lại trước lo ngại nguồn cung từ Nga
Giá dầu bất ngờ bật tăng khá mạnh trong phiên giao dịch ngày 11/04 sau khi liên tiếp ghi nhận các phiên biến động giằng co, tuy nhiên vẫn chưa bứt phá khỏi vùng đi ngang. Kết phiên, giá dầu WTI tăng 2,24% lên mức 81,53 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ cuối tháng 1 năm nay. Dầu Brent tăng 1,7% lên mức 85,61 USD/thùng.
Lực mua chủ yếu được thúc đẩy do đồng USD yếu hơn sau 4 phiên tăng liên tiếp đã hỗ trợ cho chi phí nắm giữ dầu, và nguồn cung vẫn là mối lo ngại lớn, đặc biệt là từ Nga, bất chấp triển vọng kinh tế kém sắc.
Giá dầu mở cửa với lực bán chiếm ưu thế khi dữ liệu tại Trung Quốc phản ánh bức tranh tiêu thụ trong tháng 3 tương đối yếu. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của quốc gia này đã giảm 0,3% so với tháng trước, và chỉ cao hơn 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm sâu hơn mức giảm hồi tháng 2, ở mức 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh tốc độ phục hồi kinh tế hậu mở cửa vẫn còn chậm, khiến kỳ vọng tiêu thụ nhiên liệu có thể bị ảnh hưởng và từ đó gây sức ép tới giá dầu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung bị cắt giảm mạnh, giá dầu vẫn chưa có đủ động lực rơi xuống vùng 79 USD/thùng, bất chấp lăng kính tăng trưởng kinh tế kém sắc, và báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) không quá mang tính hỗ trợ.
Cụ thể, lực mua bất ngờ được thúc đẩy mạnh mẽ trong phiên tối, khiến giá đảo chiều và giúp dầu WTI đóng cửa trên mức 81 USD/thùng. Theo dữ liệu khảo sát từ Bloomberg, dòng chảy từ các cảng của Nga giảm 1,24 triệu thùng/ngày, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ khi bão tấn công hai cảng xuất khẩu vào giữa tháng 3. Do đó, xuất khẩu bằng đường biển của Nga lần đầu tiên trong 8 tuần đạt dưới mức 3 triệu thùng/ngày.
Điều này làm dấy lên lo ngại về kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu của Nga đã bắt đầu có ảnh hưởng nhất định, làm gia tăng nguy cơ thâm hụt và hỗ trợ giá.
Với thông báo cắt giảm sản lượng của OPEC+, báo cáo STEO tháng 4 cũng hạ dự báo sản lượng dầu thêm 0,2% xuống còn 101,3 triệu thùng/ngày so với báo cáo trước đó, trong khi nhu cầu không có sự điều chỉnh đáng kể. EIA cũng cho thấy cán cân cung cầu sẽ tương đối chặt chẽ vào giai đoạn nửa cuối năm.
Đồng thời, cơ quan cũng nâng dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 85 USD/thùng trong năm nay, cao hơn 2 USD/thùng so với báo cáo tháng 3.
Tuy nhiên, sản lượng dầu từ Nga được dự báo cao hơn 0,3% so với báo cáo trước bất chấp việc cắt giảm, do hàng xuất khẩu tiếp tục tìm được người mua ở các thị trường bên ngoài châu Âu, và khu vực các nước non-OECD cũng sản xuất nhiều dầu hơn có thể bù đắp một phần thiếu hụt từ phía OPEC.
Trong khi đó, tăng trưởng toàn cầu cũng là một mối lo. Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong báo cáo mới nhất cho biết 5 năm tới, tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ vào khoảng 3% - mức dự báo trung hạn thấp nhất trong 30 năm. IMF dự kiến tăng trưởng toàn cầu là 2,8% trong năm nay và 3% vào năm 2024, thấp hơn một chút so với ước tính của quỹ được công bố vào tháng Giêng.
Mặc dù vậy, lo ngại tăng trưởng yếu kém cũng thúc đẩy kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm dừng tăng lãi suất. Do đó, đồng USD suy yếu kéo chỉ số Dollar Index giảm điểm sau 4 phiên tăng liên tiếp, đẩy giá dầu tăng cao trong phiên do chi phí đầu tư vật chất bớt đắt đỏ hơn.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo độc lập của Viên Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ chỉ tăng nhẹ 380.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 07/04, trái ngược với dự đoán giảm. Tồn kho xăng cũng tăng nhẹ trái chiều với dự đoán, trong khi tồn kho nhiên liệu chưng cất giảm. Điều này có thể hạn chế mức tăng của giá dầu trong phiên sáng nay.
Giá đường cao nhất 11 năm, cà phê tăng hơn 4%
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/04, sắc xanh bao trùm hoàn toàn lên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý khi đường thô tiếp tục xác lập kỷ lục giá cao mới trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung ngày càng sâu sắc.
Sau phiên điều chỉnh nhẹ vào hôm qua, đường thô tiếp tục tăng thêm 3,44% trong phiên hôm qua, đưa giá lên mức cao nhất trong 11 năm trước lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Trung Quốc tiếp tục cắt giảm sản lượng đường niên vụ hiện tại từ 9,33 triệu tấn xuống 9 triệu tấn. Đi kèm với đó là dự đoán giá nội địa tăng lên 1.815,44 USD/tấn. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu đường của quốc gia này. Đây hiện là quốc gia nhập khẩu đường lớn thứ 2 thế giới.
Hơn nữa điều này cũng làm gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung đường trên phạm vi toàn cầu khi trước đó, Ấn Độ và Thái Lan, 2 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới đều dự báo sản lượng có sự suy yếu.
Cùng chung diễn biến, giá Arabica đã nhanh chóng trở lại đà tăng với mức bật hơn 4% so với mức tham chiếu khi những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn trở nên lấn át.
Xuất khẩu Arabica trong 10 ngày đầu tháng 4 tại Brazil đạt 387.355 bao, tương ứng với 61% lượng xuất khẩu trong cùng kỳ tháng trước, thêm vào đó tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE tiếp tục giảm về mức 729.504 bao, thấp nhất kể từ giữa tháng 12/2022, khiến thị trường tiếp tục lo ngại thiếu hụt nguồn cung, từ đó tạo nên tâm lý e dè trong việc xuất khẩu của nông dân và hỗ trợ giá tăng.
Thêm vào đó, Dollar Index suy yếu, kéo theo tỷ giá USD/Brazil giảm hơn 1,19%, đã phần nào hạn chế lực bán của nông dân Brazil, càng làm gia tăng lo ngại khan hiếm trong ngắn hạn, từ đó thúc đẩy giá tăng mạnh.
Robusta trở lại giao dịch với mức giá bật tăng hơn 4,53% so với mức tham chiếu khi thị trường tiếp tục chịu chi phối bởi những cảnh báo thiếu hụt nguồn cung.
Xuất khẩu cà phê 3 tháng đầu năm của Việt Nam sụt giảm
Với vị thế là quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta số một toàn cầu, diễn biến thị trường cà phê trong nước có tác động rất lớn đến giá giao dịch thế giới. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, hiện xuất khẩu chưa hồi phục hoàn toàn tại Việt Nam với lũy kế xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời nguồn cung toàn cầu được Tổ chức cà phê thế giới ICO dự đoán tiếp tục giảm 2,1% so với niên vụ 2021/22 do sự sụt giảm chủ yếu từ các nước cung ứng chính.
Ghi nhận trong sáng nay, trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục ổn định ở khoảng 49.200 – 49.600 đồng/kg, tiến rất sát lên mốc 50.000 đồng/kg. Như vậy, so với cùng thời điểm trong năm ngoái, giá cà phê trong nước đã tăng mạnh đến hơn 8.000 đồng/kg. 

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)