Trong tuần qua, giá lúa các loại ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có sự tăng/giảm trái chiều ở một vài địa phương.
Giá xuất khẩu gạo đi ngang và dự báo sẽ vẫn cao hơn do những lo ngại về kinh tế và chính trị toàn cầu thúc đẩy các nước tăng dự trữ lương thực.
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, giá lúa tại Sóc Trăng có sự giảm giá nhẹ ở một số loại như ST giảm 200 đồng/kg còn 8.300 đồng/kg; OM 4900 cũng giảm tương tự còn 6.700 đồng/kg; các loại khác vẫn giữ ổn định như Đài thơm 8 là 7.900 đồng/kg; OM 5451 là 7.700 đồng/kg.
Giá lúa tại Tiền Giang cũng có sự giảm nhẹ ở một số loại như Jasmine giảm 100 đồng/kg còn ở mức 7.200 đồng/kg; lúa OC10 cũng giảm mức tương tự còn ở mức 6.700 đồng/kg; riêng IR 50404 còn 6.500 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg.
Tại Cần Thơ, giá lúa vẫn đi ngang như Jasmine là 7.600 đồng/kg, OM 4218 là 6.600 đồng/kg; IR 50404 ở mức 6.200 đồng/kg.
Tại Kiên Giang, giá lúa vẫn duy trì sự ổn định như IR 50404 là 6.500 đồng/kg; OM 5451 là 6.700 đồng/kg; Jasmine là 7.000 đồng/kg.
Còn tại An Giang, tuần qua nhiều loại lúa lại có sự tăng giá tốt. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức từ 6.400-6.500 đồng/kg; OM 5451 từ 6.400-6.500 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; Nàng hoa 9 từ 6.400-6.600 đồng/kg; tăng 300 đồng/kg; IR 50404 từ 6.200-6.300 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; Đài thơm 8 cũng tăng 200 đồng/kg đạt từ 6.600-6.800 đồng/kg.
Với nếp vẫn có sự duy trì giá ổn định, tại An Giang có giá từ 6.100-6.300 đồng/kg; nếp Long An từ 6.600-6.800 đồng/kg.
Đến nay, tỉnh Kiên Giang xây dựng được 717 cánh đồng lớn, với tổng diện tích hơn 82.585ha. Địa phương này đã thu hoạch hơn 167.000ha, đạt gần 60% diện tích, năng suất bình quân 7,3 tấn/ha.
Kiên Giang có 27.187ha đạt chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững (SRP), hữu cơ, GlobalGAP, VietGAP, kiểm soát dư lượng, đang thời kỳ chuyển đổi sản xuất hữu cơ phục vụ xuất khẩu sang các thị trường châu Âu (EU), Mỹ, Nhật… Các giống lúa gieo trồng phổ biến trong cánh đồng lớn như ĐS1, Jasmine, ST 24, ST 25, RVT, Đài thơm 8, OM 5451, OM18…
Đến nay, trên địa bàn 12 huyện, thành phố của tỉnh đã được cấp 113 mã vùng trồng lúa, với hơn 5.695ha cho các vùng trồng lúa phục vụ xuất khẩu vào các thị trường EU, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Canada.
Hậu Giang cũng đã dịch chuyển cơ cấu giống lúa dần từ nhóm chất lượng thấp (IR 50404, OM 576…) sang các giống lúa chất lượng cao (OM 5451, OM 18, Jasmine, RVT, Đài thơm 8, ST24…). Hiện giống chất lượng cao trên 95% tổng diện tích gieo trồng lúa của tỉnh, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 460 USD/tấn vào ngày 6/4, không đổi so với một tuần trước.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết giá gạo sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian tới, chủ yếu do bất ổn kinh tế và chính trị toàn cầu thúc đẩy các nước tăng dự trữ lương thực.
Các thương nhân cho biết số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ước đạt từ 6,5-6,7 triệu tấn trong năm nay, giảm so với mức 7,1 triệu tấn của năm ngoái.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng trong tuần qua do nhu cầu cải thiện và đồng rupee tăng giá. Theo đó, giá gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ được báo giá ở mức từ 383-389 USD/tấn trong tuần này, tăng từ mức 380-385 USD/tấn của tuần trước.
Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, bang Andhra Pradesh cho biết giá cả các mặt hàng nông sản Ấn Độ đều phục hồi trong vài ngày qua. Chính đà tăng này cùng nhu cầu cải thiện đã giúp giá gạo của Ấn Độ lên cao hơn.
Bên cạnh đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan được niêm yết ở mức từ 480-482 USD/tấn, tăng so với mức từ 475-482 USD/tấn của tuần trước.
Một thương nhân ở Bangkok cho biết giá trong nước lên cao khi Thái Lan sắp kết thúc mùa thu hoạch và nguồn cung giảm.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đồng loạt giảm trên diện rộng trong phiên 6/4 vừa qua, dẫn đầu là ngô
Các thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday) trong phiên 7/4 vừa qua. Theo đó, giá ngô giao tháng Năm tới giảm 9,25 xu (1,42%) xuống 6,435 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng Năm tới giảm 6,5 xu (0,95%) xuống 6,755 USD/bushel. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 18,5 xu (1,22%) xuống 14,925 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4kg).
Với mùa gieo hạt đang tới gần, công ty nghiên cứu thị trường nông sản AgResource không cho rằng giá ngô giao tháng 12 năm nay sẽ trượt xuống dưới ngưỡng 5,50 USD/bushel và đậu tương giao tháng 11 dưới ngưỡng 13,00 USD/bushel. AgResource nhận định đó không phải thời điểm các nông sản trên chuyển sang xu hướng giảm giá.
Bộ Nông nghiệp Mỹ báo cáo rằng trong tuần kết thúc vào ngày 30/3 vừa qua, nước này đã bán được 7,1 triệu bushel lúa mỳ, 49,1 triệu bushel ngô và 5,7 triệu bushel đậu tương. Tính từ đầu niên vụ của mỗi loại nông sản tới nay, Mỹ đã bán được 667 triệu bushel lúa mỳ (giảm 5% so với cùng kỳ năm trước), 1,465 triệu bushel ngô (giảm 32%) và 1,834 triệu bushel đậu tương (giảm 11%).
Thị trường càphê thế giới cho thấy kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe-London đảo chiều giảm. Hợp đồng giao ngay tháng Năm tới giảm 15 USD xuống 2.299 USD/tấn. Hợp đồng giao tháng Bảy cũng giảm 18 USD còn 2.256 USD/tấn.
Trái lại, giá càphê Arabica trên sàn ICE US-New York tiếp nối đà tăng. Hợp đồng giao ngay tháng Năm năm nay tăng thêm 3,45 xu Mỹ lên 183,60 xu/lb và hợp đồng giao tháng Bảy năm nay tăng thêm 2,70 xu lên 181,70 xu/lb. (1 lb = 0,4535kg).
Báo cáo Thương mại tháng Ba của Tổ chức Càphê Quốc tế (ICO) cho biết trong niên vụ càphê 2022/2023, ước tính tiêu thụ càphê toàn cầu đạt khoảng 178,50 triệu bao, trong khi ước tính nguồn cung càphê toàn cầu chỉ khoảng 171,30 triệu bao. Do đó, thị trường càphê toàn cầu sẽ thâm hụt 7,27 triệu bao.
Song sự thiếu hụt trên sẽ được bù đắp từ sản lượng tăng của các quốc gia sản xuất trong vụ thu hoạch mới. Đặc biệt, nhà sản xuất càphê lớn nhất thế giới Brasil sẽ có vụ thu hoạch được mùa theo chu kỳ hai năm một.
Thị trường cũng đang chờ dữ liệu báo cáo xuất khẩu càphê tháng Ba của Brasil, khi một số ước tính ban đầu cho thấy xuất khẩu của nước này giảm tới 20% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, thị trường còn lo ngại tình trạng lạm phát ở châu Âu và lãi suất cao ở Mỹ sẽ ảnh hưởng đến ngân sách của người tiêu dùng, khiến mức tiêu thụ càphê yếu đi./.

Nguồn: VITIC/Baocongthuong/TTXVN