• Đồng USD tiếp tục giảm, gần mức thấp nhất trong ba năm, khi các nhà đầu tư chờ đợi các cuộc đàm phán thương mại
• Đồng yên tăng
• Franc Thụy Sĩ tiếp tục tăng so với đồng USD
• Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết tăng trưởng của Mỹ dường như đang chậm lại
Đồng USD tiếp tục giảm trong phiên thứ Tư so với tất các loại tiền tệ an toàn và nhạy cảm khi các nhà giao dịch chờ xem liệu chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump có đạt được các thỏa thuận thương mại mới với các đối tác hay không.
Đồng USD đã giảm mạnh vào tuần trước do lo ngại về tác động kinh tế của các mức thuế quan mới và khi các nhà đầu tư Mỹ chuyển hướng phân bổ tài sản ra nước ngoài do sự không chắc chắn về các mức thuế thương mại. Mỹ đang thảo luận với các quốc gia, trong đó có Nhật Bản, trong khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang gia tăng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đích thân tham dự cuộc họp của các quan chức thương mại Nhật Bản và Mỹ vào thứ Tư. Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok sẽ họp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent vào tuần tới để thảo luận về các vấn đề thương mại.
Phó Tổng thống JD Vance hôm thứ Ba cho biết có nhiều khả năng Mỹ và Anh sẽ đạt được một "thỏa thuận lớn" về thương mại. Bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với Trung Quốc và Liên minh Châu Âu dự kiến sẽ mất nhiều thời gian hơn để đạt được.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell vào thứ Tư cho biết tăng trưởng kinh tế của Mỹ dường như đang chậm lại, với chi tiêu của người tiêu dùng tăng khiêm tốn.
"Fed đang chờ xem mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào trước khi đưa ra bất kỳ động thái nào về lãi suất, để xem lạm phát có phải là tạm thời hay chỉ là một lần, để xem mức thuế quan này kéo dài bao lâu và liệu có bất kỳ thay đổi nào về thuế hay không", Robert Pavlik, giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Dakota Wealth cho biết.
Ông Powell cũng cho rằng hy vọng rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ can thiệp để kiềm chế sự biến động của thị trường.
Dữ liệu của Mỹ vào thứ Tư cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng mạnh trong tháng 3 khi các hộ gia đình tăng cường mua xe cơ giới trước khi Mỹ áp dụng thuế quan.
Đồng euro đã tăng 0,84% trong phiên thứ Tư, lên mức 1,1376 USD, gần sát mức cao nhất trong ba năm là 1,1473 USD đạt được vào thứ Sáu.
Đồng USD giảm 0,71% so với yen Nhật xuống còn 142,22 JPY sau khi trước đó đạt 142,03, giảm nhẹ xuống dưới mức thấp nhất của Thứ Sáu và chạm mức thấp nhất kể từ ngày 30 tháng 9.
Ông Bechtel lưu ý rằng khối lượng giao dịch đang giảm trước kỳ nghỉ Thứ Sáu Tuần Thánh, khi hầu hết các thị trường Mỹ sẽ đóng cửa mặc dù thị trường ngoại hối vẫn mở cửa.
Đồng USD đã giảm 1% so với đồng franc Thụy Sĩ xuống 0,815, chỉ cao hơn một chút so với mức thấp nhất trong 10 năm chạm tới hôm thứ Sáu tuần trước.
Đồng franc đã tăng giá mạnh nhất trong số các loại tiền tệ G10 kể từ sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo áp thuế vào ngày 2 tháng 4. Nếu lạm phát tăng trở lại, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ có thể sẽ đưa lãi suất trở lại mức âm. SNB thường can thiệp trực tiếp vào thị trường để hạn chế biến động của đồng franc. Chris Turner, giám đốc thị trường toàn cầu tại ING, cho biết suy đoán của thị trường rằng SNB có thể không can thiệp có thể khiến các nhà giao dịch cảm thấy tự tin hơn khi mua đồng franc.
Đồng bảng Anh đã giảm 0,07% vào cuối phiên thứ Tư, xuống 1,3221 USD, sau khi đạt mức cao nhất trong sáu tháng là 1,3292 USD trước đó.
Đồng Đô la Canada tăng 0,5% lên 1,39 CAD/USD sau khi Ngân hàng Canada giữ nguyên lãi suất chính sách chủ chốt ở mức 2,75%, lần tạm dừng đầu tiên sau bảy lần cắt giảm liên tiếp và cho biết họ sẽ sẵn sàng hành động quyết đoán nếu cần để kiểm soát lạm phát.
Đồng đô la Australia tăng 0,35% lên 0,6365 USD vào cuối phiên, sau khi có lúc đạt 0,6391 USD, mức cao nhất kể từ ngày 24 tháng 2.
Trên thị trường tiền điện tử, bitcoin không đổi trong ngày ở mức 83.989 USD.
• Vàng tăng vượt 3.300 USD/oz khi các nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn an toàn
Giá vàng tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục mới, vượt mốc 3.300 USD/ounce, do đồng USD yếu và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng, khiến nhà đầu tư tìm đến tài sản an toàn.
Vàng giao ngay cuối phiên tăng 3,1% lên 3.327,97 USD/ounce, sau khi chạm mức cao kỷ lục 3.332,89 USD trong phiên. Hợp đồng vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 tăng 3,3%, chốt phiên ở 3.324,50 USD.
Trong khi đó, bạc tăng 1,7% lên 32,85 USD/ounce, bạch kim tăng 0,8% lên 967,45 USD, còn palladium giảm nhẹ 0,1% xuống 970,42 USD/ounce.
“Vàng đang được hỗ trợ bởi đồng USD suy yếu, lo ngại về thuế quan và nguy cơ suy thoái toàn cầu. Ông nhận định nếu vượt 3.300 USD, thị trường có thể hướng đến các ngưỡng tâm lý tiếp theo như 3.400 hay 3.500 USD, nhưng cũng cảnh báo nguy cơ chốt lời nếu có tiến triển tích cực trong đàm phán Mỹ - Trung”, nhà nghiên cứu cấp cao Lukman Otunuga của FXTM cho biết.
Tổng thống Trump mới đây đã ra lệnh điều tra khả năng áp thuế lên toàn bộ khoáng sản quan trọng nhập khẩu, gây lo ngại căng thẳng thương mại gia tăng.
Đồng USD giữ gần mức thấp nhất trong ba năm, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn với người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng gần 700 USD, do tranh chấp thương mại, kỳ vọng cắt giảm lãi suất và hoạt động mua vào mạnh của ngân hàng trung ương các nước.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết tăng trưởng kinh tế Mỹ đang chậm lại, chi tiêu tiêu dùng tăng nhẹ, trong khi lượng nhập khẩu tăng mạnh để tránh thuế có thể ảnh hưởng tiêu cực đến GDP.
• Giá dầu tăng 2% lên mức cao nhất trong 2 tuần
• Căng thẳng thương mại toàn cầu chi phối thị trường dầu
• Dữ liệu của EIA: Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng vào tuần trước
• Tăng trưởng GDP quý của Trung Quốc vượt kỳ vọng
Giá dầu tăng gần 2% sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt mới đối với các công ty Trung Quốc nhập khẩu dầu từ Iran, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung toàn cầu.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent tăng 1,18 USD lên 65,85 USD/thùng, dầu WTI tăng 1,14 USD lên 62,47 USD/thùng – mức cao nhất kể từ ngày 3/4.
Reuters đưa tin chính quyền của Tổng thống Trump đang nối lại đàm phán hạt nhân với Iran nhưng phía Iran tuyên bố không chấp nhận đàm phán về quyền làm giàu uranium.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ đã nhận được kế hoạch cập nhật đối với Iraq, Kazakhstan và các nước khác về việc cắt giảm sản lượng dầu hơn nữa để bù đắp cho việc bơm vượt hạn ngạch đã thỏa thuận. Điều này góp phần thúc đẩy giá dầu tăng.
Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô Mỹ tăng 515.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 11/4, trong khi tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất lại giảm.
Sự bất ổn về căng thẳng thương mại đã khiến một số ngân hàng, bao gồm UBS, BNP Paribas và HSBC, cắt giảm dự báo về giá dầu thô.
Trong khi đó, dữ liệu cho thấy GDP của Trung Quốc tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước trong quý 1/2025, vượt qua mức 5,1% dự kiến trong cuộc thăm dò của Reuters, nhưng theo nhà phân tích Tamas Varga của PVM Oil thì mức tăng trưởng này khó có thể tiếp tục trong suốt cả năm.
• Giá đồng ổn định nhờ dữ liệu lạc quan của Trung Quốc và đồng USD yếu hơn
• Giá quặng sắt giảm do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
Giá đồng tăng nhẹ vào thứ Tư khi tăng trưởng kinh tế mạnh hơn của Trung Quốc trong quý 1/2025 mạnh và đồng USD yếu, dù căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng gây lo ngại về nhu cầu suy giảm.
Trên sàn London (LME), giá đồng kết thúc phiên tăng nhẹ 0,4% lên 9.202,50 USD/tấn.
Hợp đồng đồng giao dịch nhiều nhất trên sàn Thượng Hải giảm 1,1% xuống 75.210 nhân dân tệ (10.269 USD)/tấn.
Giá đồng đã giảm 10% so với đỉnh 10.164,50 USD hôm 26/3, nhưng đã hồi phục phần nào sau khi chạm mức thấp nhất trong 16 tháng là 8.105 USD vào ngày 7/4.
Trong số các kim loại cơ bản trên sàn LME, giá kẽm giảm mạnh nhất, mất 1,2% còn 2.583,50 USD/tấn sau khi tồn kho tăng 70% lên 190.550 tấn, nhôm tăng 0,2% lên 2.379 USD/tấn, nickel tăng 0,8% lên 15.680 USD, chì giảm 0,4% còn 1.906 USD, còn thiếc giảm 0,6% xuống 30.850 USD/tấn.
Dữ liệu cho thấy tiêu dùng và sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đều tăng mạnh trong quý I, giúp hỗ trợ thị trường kim loại. Đồng thời, đồng USD giảm giá khiến các mặt hàng định giá bằng USD trở nên hấp dẫn hơn với người mua sử dụng các đồng tiền khác.
Tuy nhiên, trước đó giá đồng đã rơi xuống mức thấp nhất trong ngày là 9.028,50 USD do lo ngại về căng thẳng thuế quan sau khi Mỹ áp thêm hạn chế với công ty chip Nvidia, khiến tâm lý thị trường xấu đi.
Chuyên gia Naeem Aslam nhận định nhu cầu đồng sẽ tiếp tục chịu áp lực do thiếu rõ ràng về mức độ nghiêm trọng của chiến tranh thương mại, nhưng cuối cùng Mỹ và Trung Quốc sẽ phải đàm phán.
Trong khi đó, giá quặng sắt giảm khi căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục gia tăng, làm dấy lên lo ngại về nhu cầu, trong khi thị trường giảm kỳ vọng vào các biện pháp kích thích kinh tế mới của Trung Quốc sau loạt dữ liệu kinh tế khả quan.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 9/2025 trên sàn Đại Liên (DCE) giảm 0,14%, chốt phiên ở mức 708 nhân dân tệ/tấn. Trong khi đó, hợp đồng giao tháng 5 trên sàn Singapore giảm 1,28% xuống 97,45 USD/tấn.
Dữ liệu mới công bố cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,4% trong quý I, trong khi giá nhà mới trong tháng 3 không đổi so với tháng trước, cho thấy tín hiệu cải thiện nhẹ so với mức giảm 0,1% của tháng 2.
Tuy nhiên, sự phục hồi này khiến thị trường giảm kỳ vọng rằng Bắc Kinh sẽ tung ra các biện pháp kích thích mạnh mẽ nhằm đối phó với tác động từ căng thẳng thuế quan, gây áp lực lên giá quặng và các nguyên liệu sản xuất thép, bất chấp dấu hiệu nguồn cung hạn chế và nhu cầu vẫn vững.
Hãng Rio Tinto báo cáo lượng xuất khẩu quặng sắt quý I thấp nhất kể từ năm 2019 và cảnh báo có thể không đạt kế hoạch năm nếu thời tiết tiếp tục bất lợi. Trong khi đó, Vale của Brazil sản xuất 67,7 triệu tấn quặng sắt, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng thép thô của Trung Quốc trong tháng 3 tăng 4,6% so với năm trước nhờ biên lợi nhuận cải thiện và xuất khẩu mạnh.
• Giá đậu tương, lúa mì tăng do USD yếu đi; ngô tăng do rủi ro về thời tiết
• Giá đường thô phục hồi từ mức thấp nhất 2,5 năm mặc dù nguồn cung tăng
• Giá cà phê tăng
Giá đậu tương Mỹ tăng do đồng USD suy yếu và thông tin Trung Quốc sẵn sàng đàm phán thương mại với Mỹ, dù nguồn cung lớn từ Nam Mỹ và nhu cầu yếu từ Trung Quốc đối với đậu tương Mỹ tiếp tục gây áp lực.
Hợp đồng đậu tương giao dịch nhiều nhất trên sàn CBOT tăng 2,75 US cent lên 10,38-3/4 USD/bushel, ngô kỳ hạn tháng 7 tăng 2,25 cent lên 4,91-3/4 USD/ bushel, lúa mì tăng 5 cent lên 5,61 USD/giạ.
Đồng USD tiếp tục suy yếu, gần mức thấp nhất trong ba năm, sau các chính sách thuế quan của Tổng thống Trump, khiến nông sản Mỹ tăng sức cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.
Một báo cáo từ Bloomberg cho biết Trung Quốc có thể sẵn sàng nối lại đàm phán thương mại, điều này làm gia tăng tâm lý tích cực trên thị trường.
Mưa lớn và tình trạng ngập úng tại vùng Trung Tây Mỹ đã làm chậm tiến độ gieo trồng ngô, từ đó hỗ trợ giá. Dự kiến diện tích ngô năm nay sẽ tăng nên nông dân muốn gieo sớm để đảm bảo tiến độ. Mưa cũng ảnh hưởng đến lúa mì vụ xuân ở cùng khu vực, trong khi dự báo thời tiết lại cho thấy sắp có mưa – điều cần thiết cho vụ lúa mì cứng đỏ mùa đông tại vùng đồng bằng nước Mỹ.
Giá đường thô phục hồi trở lại sau khi chạm mức thấp nhất trong 2,5 năm, được hỗ trợ bởi thị trường tài chính ổn định hơn và đồng USD suy yếu, mặc dù triển vọng cung cấp đường dồi dào vẫn kìm hãm đà tăng giá.
Giá đường thô trên sàn ICE tăng 0,34 cent, tương đương 1,9%, lên 17,86 cent/lb, sau khi trước đó đã chạm mức thấp 17,51 cent, mức thấp nhất trong 2,5 năm. Giá đường trắng cũng tăng 1,5%, đạt 497,30 USD/tấn.
Giá dầu tăng có thể khuyến khích các nhà máy ở Brazil chuyển hướng mía sang sản xuất ethanol thay vì đường. Tuy nhiên, một yếu tố bất lợi là Ấn Độ dự báo sẽ có lượng mưa trên mức trung bình trong năm 2025, điều này giúp gia tăng xuất khẩu đường.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tăng 6,65 cent (tương đương 1,8%) lên 3,738 USD/lb, sau khi giảm 2,7% tuần trước do lo ngại về chiến tranh thương mại và suy thoái kinh tế. Giá Robusta kỳ hạn tăng 0,7% lên 5.379 USD/tấn. Các nhà giao dịch cho biết giá Robusta đang được hỗ trợ bởi việc xuất khẩu Robusta từ Brazil giảm mạnh.
Safras & Mercado dự báo sản lượng cà phê Brazil năm 2025 có thể cao hơn kỳ vọng, tuy nhiên nông dân mới chỉ bán được 14% vụ mùa mới, thấp hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn 25%, do lo ngại về triển vọng sản lượng.

