Tồn kho cuối niên vụ 22/23 của Mỹ đã được USDA tăng ước tính lên 15 triệu giạ do xuất khẩu kém hơn. Với tiến độ xuất khẩu hiện tại khi lũy kế giao hàng từ đầu niên vụ tới nay của Mỹ đã đạt hơn 90% thì chúng tôi cho rằng con số xuất khẩu dự kiến cho cả niên vụ hiện tại khả năng cao sẽ đạt được. Ngoài ra, những số liệu về tình hình sản xuất ở Nam Mỹ cũng được điều chỉnh. Sản lượng đậu tương niên vụ 22/23 của Brazil tăng 1 triệu tấn lên mức kỷ lục mới là 156 triệu tấn, trong khi sản lượng đậu tương của Argentina chỉ giảm 2 triệu tấn xuống 25 triệu tấn. Con số này vẫn cao hơn khoảng 3 triệu tấn so với ước tính của 2 sở giao dịch ngũ cốc lớn tại Argentina. Chính vì thế nên về mặt nguồn cung, báo cóa này vẫn tiềm ẩn nhiều tác động “bullish” hơn.
Xét về mùa vụ hiện tại của Mỹ, mô hình El Nino đã được xác nhận quay trở lại sau 3 năm liên tiếp xảy ra La Nina. Thời tiết tại Mỹ được kỳ vọng sẽ ẩm ướt hơn trong thời gian tới. Xu hướng thời tiết hiện tại đã thuận lượi hơn ở các khu vực gieo trồng so với 3 năm trước. Tuy nhiên, các khu vực trung tâm với tỉ trọng sản lượng đậu tương lớn, đặc biệt là Illinois vẫn đang phải trải qua mức thiếu hụt độ ẩm nghiêm trọng. Một số khu vực ở phía bắc Illinois đã trải qua tháng 5 khô hạn nhất trong 131 năm qua. Đây chính là yếu tố có thể giúp giá đậu tương tiếp tục xu hướng hồi phục trong ngắn hạn.
Giá Arabica vẫn có thể tăng trước lo ngại sương giá và mưa lớn xuất hiện
Kết thúc tuần giao dịch 05/06 – 11/06, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt tăng mạnh gần 6% do lo ngại ảnh hưởng xấu từ thời tiết đến mùa vụ cà phê. Nguy cơ xuất hiện sương giá cùng những cơn mưa kèm theo tại vùng canh tác cà phê chính của Brazil, có thể làm gián đoạn hoạt động thu hoạch cà phê vào cuối tháng 06. Kết hợp với sự xuất hiện của El Nino làm gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung vốn sẵn có trên thị trường.
Vấn đề thiếu hụt nguồn cung ở hiện tại trên thị trường Arabica vẫn còn khá nhức nhối khi tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE chưa có dấu hiện ngừng đà giảm khi đã lui về 550.379 tấn, thấp nhất trong 6 tháng rưỡi.
Hơn nữa, giá cà phê thường khá nhạy cảm với những biến động của thời tiết do đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cũng như sản lượng cà phê. Do đó, việc liên tiếp các thông tin thời tiết bất lợi đối với hoạt động canh tác cà phê tại Brazil vẫn là nhân tố quan trọng hàng đầu hỗ trợ giá ở thời điểm hiện tại.
Dù vậy, nguồn cung cà phê niên vụ 2023/24 sẽ chưa chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những biến đổi thời tiết khi quả cà phê đã hoàn thành quá trình phát triển và đang được thu hoạch. Điều này cũng phần nào giảm bớt lo ngại sản lượng có thể sụt giảm mạnh.
Giá đồng dao động trong biên độ hẹp chờ cơ hội bứt phá
Trong phiên sáng đầu tuần, giá đồng chịu sức ép do đồng USD phục hồi trở lại. Hơn nữa, trong bối cảnh vắng bóng tin tức mới, dự báo giá đồng sẽ tiếp tục dao động trong biên độ hẹp trong phiên hôm nay.
Thị trường đồng có thể tiếp tục phải chịu sức ép khi lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, lĩnh vực đóng góp hơn 20% vào tổng tăng trưởng GDP và động lực tiêu thụ chính của kim loại cơ bản, chưa thể phục hồi.
Theo nghiên cứu của Goldman Sachs, ngành bất động sản của Trung Quốc có thể chứng kiến sự suy giảm trong nhiều năm. Trong tháng 5, tăng trưởng doanh số bán nhà của Trung Quốc chỉ đạt 6,7% trong tháng 5, từ mức hơn 29% trong hai tháng trước đó. Giá nhà mới trung bình tại 100 thành phố lớn của Trung Quốc giảm 0,01% trong tháng 5 (MoM), trong khi giá nhà cũ giảm 0,25% (MoM). Các dữ liệu tiếp tục cho thấy động lực mua nhà của người dân đang giảm dần, bất chấp những nỗ lực hỗ trợ của Chính phủ.
Do đó, nền kinh tế Trung Quốc cần nhận được những biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn. Cho tới lúc đó, giá đồng nhiều khả năng chưa thể bứt phá, do nhu cầu tiêu thụ chưa rõ ràng. Ngân hàng Citigroup mới đây đã dự báo giá đồng có thể giảm sâu hơn trong thời gian ngắn, nhưng sẽ bắt đầu hồi phục trong vòng 6 đến 12 tháng, đạt đỉnh khoảng 15.000 USD/tấn vào năm 2025.
Tuy vậy, yếu tố vĩ mô tích cực có thể giúp giá đồng hạn chế đà giảm mạnh. Kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6 đang được phần lớn nhà đầu tư ủng hộ, chiếm khoảng hơn 70%, theo công cụ theo dõi lãi suất FedWatch.
Hơn nữa, triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên bớt tiêu cực hơn khi nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới, vương quốc Anh, được dự báo sẽ tăng trưởng nhẹ trong năm nay, đạt mức 0,4% trong năm 2023, đảo ngược so với dự báo -0,4% trước đó. Ngoài ra, Ngân hàng Goldman Sachs đã hạ nguy cơ suy thoái kinh tế của Mỹ xuống còn 25%, từ mức 35% trong lần dự báo trước.
Giá dầu sẽ sớm phục hồi nếu thị trường giữ kỳ vọng Fed ngừng tăng lãi suất
Áp lực bán vẫn tiếp diễn trên thị trường dầu thô trong phiên giao dịch mở cửa sáng nay. Mới đây, Ngân hàng Goldman Sachs đã tiếp tục cắt giảm dự báo giá dầu. Dự báo giá dầu thô tháng 12 của ngân hàng hiện ở mức 86 USD/thùng đối với dầu Brent, giảm từ 95 USD và ở mức 81 USD/thùng đối với dầu WTI, giảm từ 89 USD. Lo ngại xung quanh vấn đề triển vọng nhu cầu tiếp tục gây sức ép tới giá.
Tuy nhiên, vì rủi ro nguồn cung vẫn còn tiềm ẩn, nên những nhà đầu cơ bán khống cũng sẽ thận trọng tại vùng giá dưới 70 USD/thùng đối với dầu WTI. Các quỹ phòng hộ đã thúc đẩy đặt cược tăng giá đối với dầu thô Brent và WTI trong tuần kết thúc vào ngày 6/6, với các vị thế mua ròng đạt mức cao 6 tuần.
Ngoài ra, các yếu tố vĩ mô cũng sẽ chi phối mạnh tới giá dầu trong tuần này, đặc biệt là báo cáo lạm phát của Mỹ vào tối mai và cuộc họp lãi suất sau đó vào đêm ngày 14/06.
Công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group cho thấy hiện có khoảng 73% ý kiến cho rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp lần này. Nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Mỹ công bố vào ngày mai cho thấy bằng chứng tiếp tục hạ nhiệt, kỳ vọng về một cuộc “hạ cánh mềm” sẽ có triển vọng hơn và giúp thúc đẩy tâm lý tích cực của các nhà đầu tư.
Tối nay, thị trường tạm thời cũng sẽ vắng bóng các tin tức vĩ mô, nên tâm lý của các nhà đầ tư cũng sẽ thận trọng chờ đợi các thông tin mới.