Trao đổi với TBKTSG Online hôm 14-6, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã xác nhận thông tin trên.

Theo ông Năng, ngoài Việt Nam, Philippines cũng đã mời Thái Lan và Campuchia cùng dự thầu cung cấp gạo cho quốc gia này theo thỏa thuận liên Chính phủ (G2G).

Cũng theo ông Năng, lẽ ra phiên mở thầu vào ngày 16-6 tới, Philippines mua đến 250.000 tấn, nhưng không hiểu lý do tại sao họ chỉ mua 100.000 tấn. “Rất có thể họ thực hiện kế hoạch như vậy (chào mua với số lượng ít) là nhằm mục đích để các nước xuất khẩu phải hạ giá bán”, ông Năng nhận định.

Về hợp đồng bán 150.000 tấn gạo mà Việt Nam đã giành được trong phiên mở thầu hôm 5-6 rồi, theo ông Năng, mức giá trúng thầu 410,12 đô la Mỹ/tấn giao tại kho NFA không phải là mức giá có lợi cho doanh nghiệp trong nước, “nhưng chúng tôi vẫn phải quyết định bán 150.000 tấn là để có đầu ra, giúp giữ giá nội địa không giảm sâu thêm”, ông cho biết.

Trong khi đó, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát - doanh nghiệp hội viên của VFA - cho biết mức giá trúng thầu như trên cũng không phải quá thấp bởi hiện có một số hợp đồng thương mại chào bán với giá thấp hơn, nhưng tiêu thụ cũng tương đối khó khăn.

Theo tìm hiểu của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã giành được hợp đồng cung cấp tổng cộng 450.000 tấn gạo cho Philippines, trong đó lần đầu giành được hợp đồng cung cấp 300.000 tấn vào cuối tháng 2 và lần gần đây nhất là hợp đồng cung cấp 150.000 tấn vào ngày 5-6. Thế nhưng, cả hai hợp đồng này chỉ giành được sau khi chấp nhận “thỏa hiệp” giảm giá theo yêu cầu của NFA.

Trong năm 2014, Philippines đã nhập khẩu tổng cộng 1,8 triệu tấn gạo, còn theo dự báo của Tổ chức Lương- Nông Liên hiệp quốc (FAO), trong năm nay, Philippines sẽ nhập khẩu khoảng 1,8 triệu tấn để ổn định giá nội địa và gia tăng dự trữ quốc gia.

Nguồn: TBKTSG