Dù một số mặt hàng nông sản có dấu hiệu phục hồi, nhưng xuất khẩu nông sản chung của VN trong năm tháng đầu năm nay vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2014, trong đó không ít mặt hàng giảm giá sâu và đầu ra gặp khó.
Ngoài một số mặt hàng có sự tăng trưởng tích cực thì gạo, cà phê, cao su tiếp tục giảm giá,
Cà phê giảm kỷ lục
Thời gian gần đây, mỗi ngày ông Lê Văn Phượng (Bảo Lâm, Lâm Đồng) điện thoại liên tục để hỏi giá cà phê. Vụ năm nay gia đình ông thu hoạch được gần 6 tấn. Vào đầu vụ, ông đã bán đi một nửa với giá 40.000 đồng/kg để trả nợ tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chi tiêu, còn một nửa ông quyết định giữ lại đợi giá cao hơn mới bán.
Đến khi cần tiền sửa lại mái nhà trước mùa mưa, giá cà phê giảm còn 34.000 đồng/kg làm ông khá lo lắng. “Với lượng cà phê trong nhà cũng không nhiều nhặn gì nhưng cứ so với giá hồi đầu vụ vẫn mất cả hai chục triệu đồng thì tiếc quá” - ông Phượng cho hay.
Giá cà phê đã giảm liên tiếp trong thời gian qua khiến người trồng cà phê và giới kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Nếu như năm ngoái, nhiều nông dân và đại lý trữ cà phê lại từ đầu vụ đợi giá lên đều trúng lớn vì giá diễn biến đúng theo kỳ vọng thì năm nay đang đi ngược lại khiến cộng đồng cà phê choáng váng.
Giá trong nước giảm mạnh do giá cà phê giao dịch trên các sàn giao dịch quốc tế giảm không phanh. Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm 2015 ước đạt 578.000 tấn với giá trị 1,2 tỉ USD, giảm 39,4% về khối lượng và giảm 38% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia phân tích ngành hàng cà phê, cho biết người dân VN đang trữ cà phê trong nhà tin tưởng rằng giá cà phê ngày 27-5 vừa qua giảm thấp nhất kể từ đầu vụ sẽ tăng trở lại trong thời gian tới.
Cho dù thông tin VN mất mùa đến 30% và thực tế là lượng cà phê bán ra của VN trong những tháng đầu năm giảm đến 40% so với cùng kỳ năm trước nhưng giá vẫn không tăng. Bởi giá cà phê cao ổn định trong những năm qua đã khuyến khích các quốc gia mở rộng diện tích loại cây này và niên vụ 2014/2015 hầu như cả thế giới đều được mùa.
Lượng thiếu hụt từ VN đã được bổ sung bằng cà phê từ Indonesia và Brazil... “Các yếu tố trên đã tạo ra một tâm lý chờ đợi ở người mua nên họ không dễ gì nâng giá lên trong thời gian tới” - ông Bình nhận định. Ngoài yếu tố mùa vụ, theo ông Bình, giá cà phê thời gian qua giảm mạnh còn do một lượng hàng cà phê lớn trong kho của các nhà thương mại đã mua từ trước đó với giá thấp.
Lúa gạo vẫn khó đầu ra
Trong khi đó, xuất khẩu gạo của VN vẫn tiếp tục gặp khó khăn về đầu ra. Sau tháng 4 xuất khẩu trên 650.000 tấn gạo cũng là tháng bán nhiều gạo nhất kể từ đầu năm, lượng gạo mà các doanh nghiệp VN giao hàng trong tháng 5 đã giảm khá mạnh.
Cụ thể, tính từ ngày 1-5 đến 21-5, các doanh nghiệp VN mới xuất khẩu được 201.000 tấn gạo các loại. Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Tiền Giang cho biết lượng gạo giao hàng giảm khá mạnh do các đơn hàng mới ít trong khi lượng hàng giao cho các hợp đồng đã ký kết cũng đã xong.
Giá gạo chào bán của VN vẫn ở mức thấp nhất trong các quốc gia xuất khẩu gạo chủ lực. Gạo 5% tấm được chào bán với giá 350-360 USD/tấn, còn gạo 25% tấm có giá 325-335 USD/tấn. “Trung Quốc vẫn tiếp tục cấm biên nên gạo VN hầu như không thể xuất khẩu vào nước này, các thị trường gần trả giá rất thấp. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo chúng tôi đang rất khó khăn trong khi thời hạn hỗ trợ lãi suất mua tạm trữ cũng sắp hết rồi” - vị giám đốc này cho hay.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Hoàng Lâm, giám đốc Công ty cổ phần Hưng Lâm (An Giang), cho biết xuất khẩu gạo của VN hiện rất khó khăn do các hợp đồng mới ký được rất ít và giá rất thấp.
“Các thị trường lớn của VN như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia đang đóng băng nên doanh nghiệp muốn bán được hàng phải tiếp cận các thị trường ở xa nhưng cũng không dễ dàng” - ông Lâm nói. Cũng theo ông Lâm, lượng gạo xuất khẩu giảm sẽ tạo áp lực giá cả rất lớn lên vụ hè thu đã sắp thu hoạch.
Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản giảm

 

Báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm cho biết nhiều mặt hàng xuất khẩu nông sản quan trọng của VN sụt giảm rất mạnh cả về lượng và giá trị. Cụ thể, xuất khẩu cà phê giảm 39,6% về lượng và 38,2% về giá trị; gạo giảm 7,4% về lượng và 10,7% về giá trị...
Ngoài cà phê và gạo, theo Bộ NN&PTNT, trong 5 tháng đầu năm 2015 xuất khẩu cao su đạt 330.000 tấn, giá trị đạt 475 triệu USD, tăng 30,1% về khối lượng nhưng giảm 2,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá cao su xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2015 đạt 1.428 USD/tấn, giảm 27,84% so với cùng kỳ năm 2014.
Tuy nhiên, hạt điều có xu hướng phục hồi với tổng khối lượng xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt 117.000 tấn với 828 triệu USD, tăng 14,4% về khối lượng và tăng 27,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Trong khi đó, xuất khẩu hạt tiêu vẫn tăng trưởng ổn định với khối lượng đạt khoảng 74.000 tấn, giá trị 677 triệu USD, giảm 21,1% về khối lượng nhưng tăng 2,1% về giá trị. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2015 đạt 9.185 USD/tấn, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2014.
C.V.K. - TR.M.