Trong khi Báo cáo cung cầu nông sản tháng 9 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) được phát hành vào tối qua đã gây ra biến động mạnh đối với các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên Sở Chicago, thì yếu tố vĩ mô liên quan tới đà suy yếu của đồng Dollar Mỹ là nguyên nhân chính kéo theo lực mua trên thị trường kim loại. Các thông tin đa dạng đã làm tăng sức hút đối với các nhà đầu tư trong phiên. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng vọt 37% lên hơn 6.000 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ giữa tháng 6 cho đến nay.

Các mặt hàng trong nhóm đậu tương tăng vọt do lo ngại về nguồn cung
Trên thị trường nông sản, sắc xanh cho thấy xu hướng chiếm ưu thế, trong đó, nhóm đậu tương đón nhận lực mua mạnh mẽ nhất. Giá đậu tương đã bật tăng mạnh ở mức hơn 5%, mức tăng hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 07 năm ngoái trước những số liệu tiêu cực về vụ mùa theo Báo cáo cung cầu nông sản tháng 9 của USDA.
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), trong báo cáo lần này, năng suất đậu tương Mỹ niên vụ 2022/23 đã bị cắt giảm xuống còn 50,5 giạ/mẫu, thấp hơn 1,0 giạ/mẫu so với mức dự đoán trung bình của thị trường. Trong khi đó, diện tích thu hoạch đậu tương niên vụ mới cũng bị cắt giảm thấp hơn so với mức dự đoán trung bình. Sự sụt giảm của năng suất lẫn diện tích gieo trồng là nguyên nhân khiến cho sản lượng đậu tương niên vụ 2022/23 của Mỹ dự báo chỉ đạt 4.378 triệu giạ, thấp hơn so với khoảng dự đoán.
Bên cạnh đó, tồn kho đậu tương niên vụ mới cũng bị hạ xuống còn 200 triệu giạ, trái ngược so với dự đoán tăng. Lo ngại về nguồn cung đã hỗ trợ cho đà tăng mạnh của giá mặt hàng này.
Tương tự đậu tương, cả dầu đậu lẫn khô đậu đều đồng loạt bật tăng mạnh trong phiên vừa rồi khi USDA đã hạ dự báo ép dầu niên vụ 2022/23 trong báo cáo lần này.

Đối với ngô, báo cáo tối qua đã cho thấy triển vọng nguồn cung thắt chặt khi năng suất ngô Mỹ đã bị cắt giảm từ mức 175,4 giạ/mẫu về mức dự đoán trung bình 172,5 giạ/mẫu. Diện tích ngô cũng bị điều chỉnh giảm do ảnh hưởng của hạn hán trong giai đoạn gieo trồng. Cả 2 yếu tố này đã dẫn tới việc mức sản lượng năm nay thấp hơn nhiều so với những kỳ vọng trước đó và là yếu tố thúc đẩy giá bật tăng mạnh ngay sau thời điểm báo cáo được công bố.

Nhóm kim loại được hưởng lợi từ sự suy yếu của đồng bạc xanh
Trên thị trường kim loại, bạc ghi nhận phiên tăng vọt 5,82%, mức tăng cao nhất kể từ cuối tháng 7 năm nay, đóng cửa tại 19,86 USD/ounce. Bạch kim nối dài đà bứt phá sang phiên thứ 6 liên tiếp, đạt mức 904,2 USD/ounce sau khi tăng 3,11%. Đây là chuỗi tăng dài nhất của bạch kim kể từ tháng 12/2020.
Trước thềm công bố dữ liệu lạm phát thông qua chỉ số giá tiêu dùng CPI tại Mỹ trong tháng 8, chỉ số Dollar Index hiện đang ghi nhận mức đóng cửa thấp nhất trong vòng 3 tuần. Các nhà đầu tư cho rằng lạm phát sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 8 và điều này sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể làm chậm tiến trình tăng lãi suất trong tương lai. Trước đó, thị trường vốn đã phản ứng mạnh mẽ trước các bình luận quyết liệt từ quan chức Fed và theo một số nhà phân tích, thị trường đã rơi vào trạng thái bán quá mức. Do đó, đồng Dollar Mỹ suy yếu đã hỗ trợ cho giá bạc và bạch kim tăng vọt trở lại. Đây là hai mặt hàng vốn nhạy cảm nhất với lãi suất và đồng bạc xanh.