Giá dầu thô thế giới suy yếu
Sắc đỏ quay lại thị trường dầu trong trong phiên 17/04, với giá dầu thô WTI giảm 2,05% về 80,83 USD/thùng, và giá dầu thô Brent đóng cửa giảm 1,80% về 84,76 USD/thùng.
Giá dầu giảm ngay từ đầu phiên sáng khi mà đồng USD phục hồi trở lại, với chỉ số Dollar Index tăng lên mức 102,10 điểm. Bất chấp các số liệu kinh tế tiêu cực trong tháng 3, thị trường vẫn đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp vào đầu tháng 5 sắp tới. Theo công cụ theo dõi lãi suất của CME, xác suất cho kịch bản này hiện đã tăng lên mức 88,1%, và khiến cho những hy vọng Fed ngừng chu kỳ tăng lãi suất ngày càng mờ nhạt.
Theo Bloomberg, những lo ngại về suy thoái đang khiến cho một số nhà máy lọc dầu tại châu Á xét cắt giảm đến khối lượng lọc dầu. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ dầu diesel, một chỉ số phản ánh tiêu thụ năng lượng, đang suy yếu với quy mô trên toàn cầu. Tại Trung Quốc, các kho dự trữ dầu diesel thương mại trên toàn quốc, không bao gồm các nhà máy lọc dầu thuộc nhà nước, đã tăng lên mức cao nhất trong tám tháng vào đầu tháng này. Trong khi đó, nhu cầu sưởi ấm ở châu Âu giảm, cùng với sự suy yếu các hoạt động sản xuất công nghiệp ở Mỹ cũng ngày càng làm lu mờ triển vọng tiêu thụ và làm suy yếu giá dầu.
Về phía các yếu tố nguồn cung, một quan chức của liên minh G7 cho biết, mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga sẽ được duy trì, bất chấp giá dầu thô toàn cầu tăng lên trong thời gian vừa qua. Mặc dù Bộ Năng lượng Nga cho biết nước này đã cắt giảm sản lượng dầu khoảng 700.000 thùng/ngày trong tháng trước, nhưng xuất khẩu dầu thô từ các cảng của Nga đã phục hồi trở lại từ 2,9 triệu thùng/ngày lên 3,4 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 14/04. Các số liệu vận tải khiến cho các nhà đầu tư đặt câu hỏi về quy mô thực tế của các đợt cắt giảm, và cũng làm giảm bớt sức mua trong phiên hôm qua.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sản lượng dầu thô tại 7 lưu vực đá phiến của nước này dự kiến sẽ tăng 49.000 thùng/ngày trong tháng 5 lên 9,33 triệu thùng/ngày, và cũng là mức cao nhất được ghi nhận. Những lo ngại về nguồn cung bị gián đoạn tại Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn trước cũng đã giảm bớt, khi mà Chính phủ liên bang Iraq và Chính quyền khu vực người Kurd (KRG) đã giải quyết các vấn đề kỹ thuật cần thiết để nối lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ phía bắc từ cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ sang các thị trường quốc tế.
Theo MXV, trong phiên hôm nay, nhà đầu tư sẽ cần theo dõi các số liệu kinh tế quan trọng của Trung Quốc như tăng trưởng GDP quý I, sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ. Đây là những chỉ báo quan trọng, có thể nói lên nhiều điều về triển vọng tiêu thụ dầu của nhà nhập khẩu dầu thô số một thế giới.
Lo ngại nguồn cung thúc đẩy giá nông sản
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, ngô đã tiếp tục tăng hơn 1%, ghi nhận phiên thứ 2 liên tiếp đóng cửa trong sắc xanh. Trong phiên sáng, giá diễn biến tương đối giằng co, trước khi dần duy trì đà tăng mạnh trong phiên tối. Những số liệu tích cực trong báo cáo Giao hàng xuất khẩu (Export Inspections) của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), là yếu tố đang hỗ trợ giá.
Trong báo cáo Export Inspections, USDA cho biết khối lượng giao hàng ngô của Mỹ đã tăng mạnh lên mức 1,22 triệu tấn, vượt xa mức 839.165 tấn trong tuần trước đó, với các khách hàng chính tiếp tục là Mexico, Nhật Bản và Trung Quốc. Đây là thông tin tích cực và đã hỗ trợ đà tăng của giá trong phiên tối qua.
Ngoài ra, vào cuối tuần trước, Ba Lan và Hungary cho biết họ đã quyết định cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine, nhằm bảo về ngành nông nghiệp địa phương sau khi nguồn cung ồ ạt làm giảm giá trên toàn khu vực. Lệnh cấm của Ba Lan đã bắt đầu có hiệu lực từ tối thứ 7(15/04). Bộ trưởng Công nghệ và Phát triển Ba Lan cho biết, việc vận chuyển ngũ cốc quá cảnh qua Ba Lan cũng sẽ bị cấm. Trong khi đó, theo Thư ký Bộ Nông nghiệp Hungary Sandor Farkas, nước này có thể gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine sau ngày 30/06 nếu EU không có động thái hỗ trợ nông dân. Việc các nước phía đông Ukraine cấm nhập khẩu lúa mì và hạn chế vận chuyển ngũ cốc của nước này sẽ khiến nguồn cung bị thắt chặt, từ đó hỗ trợ giá.
Tương tự ngô, lúa mì đã tăng mạnh hơn 2% trong ngày hôm qua. Mặc dù chịu một số áp lực bán vào đầu phiên, tuy nhiên, phe mua đã dần chiếm ưu thế và hỗ trợ giá tăng trở lại. Lo ngại về nguồn cung tại khu vực biển Đen tiếp tục là yếu tố thúc đẩy lực mua đối với lúa mì được thúc đẩy.
Bộ Phục hồi Ukraine cho biết, thỏa thuận ngũ cốc biển Đen có khả năng sẽ đổ vỡ sau khi Nga ngừng kiểm tra an ninh tại Trung tâm điều phối chung. Trong vòng ba ngày qua, các đại diện Nga đã từ chối đưa ba tàu vận tải vào danh sách kiểm tra, đồng thời không đưa ra bất cứ lời giải thích nào. Đạt được vào tháng 07 năm ngoái, thỏa thuận biển Đen đã giúp Ukraine xuất khẩu 27,7 triệu tấn nông sản, bao gồm 7,5 triệu tấn lúa mì. Việc Nga cản trở kiểm tra tàu có thể sẽ khiến xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đình trệ, từ đó khiến nguồn cung thắt chặt hơn và hỗ trợ giá.
Giá TĂCN có thể tiếp tục tăng cao
MXV nhận định, dòng chảy xuất khẩu ngũ cốc từ Biển Đen một lần nữa lại đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, trong khi mùa vụ của Mỹ vừa mới bắt đầu gieo trồng nhưng lại có dấu hiệu chậm trễ. Giá ngô và lúa mì có khả năng sẽ đón nhận một đợt tăng mới vào quý II trước những lo ngại về nguồn cung. Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua khi giá hạ nhiệt nhưng lượng hàng nhập khẩu trong tháng 5 và 6 vẫn còn khá ít cho thấy nhu cầu mua hàng từ các nhà máy TĂCN vẫn sẽ còn mạnh trong vài tuần tới. Giá nguyên liệu đầu vào tăng sẽ là yếu tố quan trọng để giá thành phẩm đầu ra ngành chăn nuôi neo ở mức cao.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá heo hơi nội địa bất ngờ chuyển biến tích cực khi tăng mạnh 1.000 – 2.000 đồng/kg. Theo đó, giá heo hơi trên toàn quốc dao động trong khoảng 50.0000 – 53.000 đồng/kg.