Giá ngô mở cửa phiên giao dịch ngày 07/03 vẫn chỉ duy trì xu hướng giằng co. Những dự đoán về sự điều chỉnh số liệu mùa vụ Nam Mỹ trong báo cáo Cung – cầu tháng 3 được USDA phát hành vào tối mai cùng với triển vọng trung hạn đối với nguồn cung tại Mỹ là 2 yếu tố trái chiều nhau khiến cho giá ngô vẫn chỉ biến động trong biên độ hẹp vài phiên gần đây.
Hoạt động bán hàng của nông dân Brazil kể từ sau khi ký kết thúc đẩy thương mại với Trung Quốc đã tăng vọt và liên tục đạt các mức xuất khẩu ngô kỷ lục trong cùng giai đoạn hàng tháng. Theo số liệu từ Ban thư ký ngoại thương Brazil (Secex), nước này đã xuất khẩu 2.28 triệu tấn ngô trong tháng trước, vượt xa so với mức 768,396 tấn trong cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất được ghi nhận kể trong giai đoạn tháng 02 hằng năm của Brazil kể từ năm 2016. Đây sẽ là dấu hiệu cho thấy USDA sẽ hạ điều chỉnh số liệu dự báo xuất khẩu ngô của Mỹ do áp lực cạnh tranh từ thị trường Brazil.
Tuy nhiên, điều chỉnh mà hầu như thị trường đều khá chắc chắn trong báo cáo Cung – cầu tháng 3 này chính là sản lượng ngô của Argentina bị cắt giảm do điều kiện khô hạn tiếp tục kéo dài cùng với đợt băng giá sớm diễn ra gần đây. Đối với mùa vụ ở Brazil, mặc dù đã có một số lo ngại dấy lên do các vấn đề chậm trễ vè mưa lớn trong giai đoạn gieo trồng ngô vụ 2 nhưng vẫn quá sớm để USDA thực hiện điều chỉnh dự báo cho sản lượng ngô của nước này. Nếu như nguồn cung từ Nam Mỹ được kỳ vọng sẽ nới lỏng và dự báo sản lượng tăng khoảng 10 triệu tấn so với năm ngoái thì mức gia tăng này khả năng sẽ thu hẹp xuống dưới 3 triệu tấn. Nếu giá ngô Nam Mỹ tiếp tục phản ứng với triển vọng nguồn cung thắt chặt, ngô Mỹ sẽ thu hút mạnh mẽ nhu cầu thế giới. Bên cạnh đó, lượng ngô sẵn có ở Brazil sẽ bị hạn chế trong giai đoạn giữa năm nên đây là càng dấu hiệu thay đổi hướng đi của nhu cầu ngô từ Trung Quốc trong nửa cuối năm tiếp thị. Khả năng xuất khẩu ngô có thể gia tăng trong trung hạn lại là yếu tố “bullish” tiềm ẩn với giá ngô sau báo cáo.
Trong phiên hôm nay, giá ngô sẽ tiếp tục xu hướng biến động đi ngang do tác động trái chiều từ dự đoán trước báo cáo. Theo đánh giá của chúng tôi, giá có khả năng sẽ chỉ giằng co dưới kháng cự 648 và chờ đợi các số liệu.
Động lượng giảm vẫn còn, giá cà phê khả năng cao sẽ tiếp tục biến động trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, hai mặt hàng cà phê tiếp tục diễn biến trái chiều. Trong khi Arabica đảo chiều tăng sau 7 phiên giảm liên tiếp trước đó nhờ Dollar Index suy yếu và xuất khẩu giảm trong tháng 2 tại Colombia, Robusta ghi nhận mức giảm 0.42% khi tồn kho Robusta trên Sở ICE London tiếp tục tăng lên mức 73,740 tấn, cao nhất kể từ ngày 14/12/2022.
Trong khi việc xuất khẩu tại Brazil đang có những dấu hiệu hồi phục thông qua dữ liệu xuất khẩu trong những ngày đầu tháng 3 theo thống kê từ Cecafe, xuất khẩu tại Colombia vẫn có thấy sự chững lại. Theo FNC, Colombia đã vận chuyển được 928,000 bao cà phê trong tháng 2/2023, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng trong báo cáo này của FNC, một số dấu hiệu tích cực cũng được bộc lộ thông qua việc xuất khẩu vẫn tăng so với mức 835,000 tấn vào tháng 1 và sản lượng sản xuất được trong tháng 2 cũng tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái khi những tác động tiêu cực từ thời tiết đã tiêu bớt.
Hơn nữa, một số vùng tại Brazil sẽ bắt đầu thu hoạch vào tháng 4 tới với kỳ vọng sản lượng tăng so với 2 năm trước đó dù cho đây là năm mất mùa trong chu kỳ 2 năm được mùa một lần. Điều này sẽ góp phần khiến nguồn cung được nới lỏng hơn hiện tại, từ đó gây sức ép lên giá.
Dữ liệu nhập khẩu đồng suy yếu của Trung Quốc có thể làm giảm triển vọng tiêu thụ đồng trong ngắn hạn
Thị trường đồng tiếp tục đón nhận lực bán trong phiên sáng nay ngày 07/03 khi dữ liệu cho thấy nhu cầu nhập khẩu đồng suy yếu tại Trung Quốc, quốc gia tiêu dùng hàng đầu.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố sáng nay, nhập khẩu đồng chưa gia công của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2023 đạt 879,000 tấn, giảm 9.3% so với một năm trước đó ở mức 969,289 tấn do giá toàn cầu cao hơn đã hạn chế nhu cầu.
Sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 trên cả nước sau khi Bắc Kinh đột ngột rút khỏi chính sách Zero-COVID vào đầu tháng 12 đã làm gián đoạn hoạt động công nghiệp, làm giảm nhu cầu đồng. Ngoài ra, giá toàn cầu tăng cao cũng làm giảm nhu cầu nhập khẩu trong tháng 1 và tháng 2, thời điểm mà thị trường thường yếu do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài của Trung Quốc.
Tuy nhiên, dự báo thông tin này không có tác động quá mạnh tới giá đồng trong dài hạn do hiện tại hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đang trên đà phục hồi mạnh mẽ trong tháng 02. Theo Lynn Zhao, chiến lược gia hàng hóa tại Macquarie có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: dự kiến nhu cầu đồng tinh chế cả năm ở Trung Quốc sẽ tăng khoảng 3% vào năm 2023, sau khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khiêm tốn cho năm nay.
Về yếu tố vĩ mô, thị trường cũng sẽ thận trọng chờ đợi phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vào hôm nay. Đây là phát biểu công khai đầu tiên của ông kể từ khi dữ liệu lạm phát cao hơn dự kiến được công bố vào tháng trước. Trong những lần xuất hiện gần đây, ông Powell đã đưa ra những lưu ý tương đối lạc quan rằng lạm phát - mặc dù vẫn còn quá cao nhưng đang trong quá trình giảm nhẹ để hướng tới mục tiêu 2%. Thêm vào đó, hiện tại lo ngại Fed tăng lãi suất cao đã tạm thời lắng xuống và đồng USD giảm dần. Do đó, nếu chủ tịch Powell tiếp tục cho thấy quan điểm ôn hòa, đồng USD có thể tiếp tục giảm và hỗ trợ cho giá đồng trong phiên.
Giá dầu có thể tiếp tục biến động mạnh do ảnh hưởng từ cả tin tức cung cầu và vĩ mô
Giá dầu tiếp tục tăng trong sáng nay trong bối cảnh thị trường vẫn tiếp tục hấp thụ các tin tức tích cực từ tối qua. Đà tăng đang có dấu hiệu chậm lại khi giá hướng về khu vực hỗ trợ cũ 81 – 82 USD/thùng.
Tại hội nghị năng lượng CERAWeek, các quan chức của OPEC bày tỏ sự lo ngại về công suất dự phòng của nhóm và khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng hiện nay. Một số nhà phân tích đã dự báo rằng thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng thâm hụt trong nửa cuối năm do sự phục hồi của Trung Quốc, điều này sẽ đẩy nhu cầu toàn cầu cao hơn trong khi nguồn cung bị tụt lại phía sau.
Tâm lý thận trọng cũng gia tăng, khi mà các nhà đầu tư đều chờ đợi thông tin từ cuộc điều trần của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trước Quốc hội, trong hôm nay và ngày mai. Hiện giá dầu WTI đang ở mức cao nhất trong gần một tháng, tuy nhiên, kể từ tháng 11 năm ngoái, giá dầu đều không thể duy trì trên 82 USD trong thời gian dài, và đều chịu sức ép bán ở khu vực này.
Vì vậy, để giá có thể bứt phá, thị trường cần những thông tin mang tính bất ngờ hơn. Trong hôm nay, thị trường sẽ đón nhận báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) của EIA. Nguồn cung dầu từ Mỹ hiện cũng được thị trường theo dõi sát sao, bởi đây là nhà sản xuất lớn cũng như đối tác quan trọng của châu Âu trong quá trình thay thế nguồn cung từ Nga.
Về mặt kỹ thuật, sức ép bán tại khu vực kháng cự (cạnh trên của Bollinger Band) khiến giá dầu giảm so với sáng nay. Chỉ số RSI cho thấy lực mua vẫn rất áp đảo, tuy nhiên khối lượng giao dịch giảm cảnh báo mức độ rủi ro cao nếu các nhà đầu tư muốn mở vị thế mua mới.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)