Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá lúa mì đang dẫn đầu đà giảm của nhóm nông sản. Bên cạnh báo cáo Cung – cầu tháng 3 được phát hành vào tối thứ Tư tuần này, triển vọng thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen có được tiếp tục gia hạn vào ngày 18/03 tới hay không cũng là yếu tố có ảnh hưởng lớn tới giá lúa mì.
Về thỏa thuận sắp tới, các kịch bản dự đoán đang được giới phân tích đưa ra với khả năng gia hạn vẫn chiếm tỉ lê cao hơn. Tuy nhiên, ở trong tường hợp rủi ro, thỏa thuận ngũ cốc sẽ đổ vỡ và Ukraine buộc phải ngừng xuất khẩu nông sản thông qua Biển Đen. Khi đó, Ukraine sẽ chỉ có thể sử dụng các tuyến đường xuất khẩu thay thế: đường sắt qua biên giới phía tây, đường bộ và các cảng nhỏ trên sông Danube. Mặc dù năng lực xuất khẩu ngũ cốc qua các tuyến đường thay thế của Ukraine đã được cải thiện đáng kể, nhưng khối lượng nông sản còn mắc kẹt tại nước này là rất lớn và điều này sẽ gây áp lực lên hoạt động bảo quản và xuất khẩu. Với tình hình chiến tranh khó lường thì rủi ro hoạt động xuất khẩu lúa mì từ Ukraine bất ngờ bị gián đoạn nếu các điều khoản giữa 2 bên không đạt được sẽ là yếu tố hỗ trợ giá lúa mì, đặc biệt là ở vùng hỗ trợ tâm lí 700.
Bên cạnh nguồn cung, triển vọng kinh tế toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu lúa mì trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu tại phiên họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu mở rộng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 5% vào năm 2023, khá khiêm tốn so với kỳ vọng mức tăng trưởng 5.5% của thị trường, một dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo hàng đầu của quốc gia vẫn lo ngại về sự phục hồi của đất nước. Với hoạt động sản xuất vẫn chưa ghi nhận mức hồi phục đáng kể thì giá nông sản hay giá lúa mì vẫn sẽ khó có thể nhận mức tăng mạnh mà chỉ giằng co trên vùng 700.
Xuất khẩu hồi phục trở lại tại Brazil khả năng cao sẽ khiến giá Arabica tiếp tục suy yếu trong tuần này
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, hai mặt hàng cà phê thể hiện xu hướng trái chiều. Trong khi Arabica hợp đồng tháng 05 quay đầu giảm mạnh hơn 5% sau chuỗi 6 tuần tăng liên tiếp do áp lực xuất khẩu cà phê tháng 2 tại Honduras tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, Robusta hợp đồng tháng 05 nối dài đà tăng sang tuần thứ 9 liên tiếp, giúp giá duy trì ở mức cao nhất trong 5 tháng.
Xuất khẩu cà phê tại Brazil đang dần trở lại sau 2 tháng sụt giảm mạnh. Theo Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE), quốc gia này đã xuất khẩu được 316,578 bao cà phê loại 60kg, tăng 23% so với mức 257,038 bao của cùng kỳ tháng trước. Điều này thể hiện động thái bán hàng của nông dân đang dần trở lại, giúp thúc đẩy nguồn cung ra thị trường. Kết hợp với việc Honduras, quốc gia xuất khẩu lớn nhất Trung Mỹ cũng đang trong giai đoạn đẩy mạnh bán hàng sẽ giúp nguồn cung trên thị trường trở nên nới lỏng hơn, từ đó gây sức ép khiến giá tiếp tục suy yếu.
Giá đồng có thể suy yếu khi Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn làm giảm tâm lý lạc quan của thị trường
Sau sự phục hồi trong tuần trước, đồng mở cửa phiên sáng đầu tuần ngày 06/03 với lực bán áp đảo sau khi Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến của thị trường. Điều này đã làm giảm đi kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ trong nhu cầu tiêu thụ đồng tại quốc gia tiêu dùng hàng đầu này.
Vào hôm qua, Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC) của Trung Quốc đã được khai mạc, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 5% vào năm 2023. Mặc dù mức tăng trưởng mục tiêu này tăng mạnh so với mức tăng trưởng 3% GDP mà Trung Quốc đạt được trong năm ngoái, tuy nhiên, vẫn thấp hơn so với kỳ vọng của thị trường, cho thấy Chính phủ nước này vẫn lo ngại về sự phục hồi của đất nước bởi niềm tin người tiêu dùng yếu và thị trường nhà đất vẫn chịu áp lực.
Trong lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực chiếm tới 20% GDP của Trung Quốc và tiêu thụ phần lớn đồng, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã phát biểu Chính phủ sẽ nỗ lực ngăn chặn sự mở rộng quá mức để thúc đẩy sự phát triển ổn định của lĩnh vực này. Điều này trái với kỳ vọng trước đó của phần lớn thị trường về việc Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa ra những chính sách hỗ trợ tích cực cho lĩnh vực này phục hồi.
Do đó, mục tiêu khiêm tốn của Chính phủ Trung Quốc đã làm giảm bớt tâm lý lạc quan của nhà đầu tư về sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc. Triển vọng tiêu thụ đồng cũng giảm bớt và có thể tiếp tục gây suy yếu lực mua đồng trong phiên hôm nay. Tuy nhiên trong dài hạn, dự báo giá đồng có thể vẫn tăng khi Trung Quốc sắp bước vào mùa tiêu thụ cao điểm, cùng với dữ liệu tích cực về hoạt động sản xuất trong tháng 02.
Ngoài ra, về nguồn cung, tại Peru, nhà sản xuất đồng lớn thứ hai thế giới, tiếp tục phải đối mặt với việc bị phong tỏa một đường cao tốc nằm trong hành lanh khai thác đồng quan trọng trong tuần này. Ngoài ra, Reuters cũng cho biết hoạt động khai thác tại các mỏ đồng lớn như Antapaccay, Las Bambas và Constancia sẽ bị yêu cầu ngừng hoạt động từ thứ Hai. Đây có thể sẽ là thông tin hạn chế đà giảm mạnh của giá đồng trong phiên.
Giá dầu có thể giảm nhờ lực bán kỹ thuật và thông tin vĩ mô từ các nền kinh tế lớn
Tin đồn UAE rời khỏi nhóm OPEC nhưng nhanh chóng bị bác bỏ đã khiến giá dầu chao đảo vào cuối tuần, giảm về dưới 76 USD rồi bật tăng mạnh lên sát ngưỡng 80 USD/thùng. Sự phục hồi lớn hơn sự sụt giảm ban đầu về tin tức đưa giá dầu vào vùng “quá mua”, nên nhiều khả năng giá sẽ có nhịp điều chỉnh giảm trong phiên hôm nay.
Ngoài ra, trong cuộc họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (NPC) diễn ra vào cuối tuần qua, các nhà lãnh đạo quốc gia này đã đặt mục tiêu tăng trưởng tương đối khiêm tốn ở mức 5%, thấp hơn khoảng dự báo 5.5% - 6% của các chuyên gia kinh tế. Đây cũng là mục tiêu tăng ttrưởng thấp nhất trong lịch sử. Điều này có thể là dấu hiệu cho thấy sự suy giảm niềm tin tiêu dùng hay sự trì trệ trong lĩnh vực bất động sản còn cần nhiều thời gian để phục hồi. Các kích thích kinh tế cũng sẽ khá chừng mực. Năm ngoái, tổng hạn ngạch cho các đợt phát hành trái phiếu đặc biệt là 4.15 nghìn tỷ nhân dân tệ (601 tỷ USD). Năm nay, Bắc Kinh đặt mục tiêu 3.8 nghìn tỷ nhân dân tệ. Các mục tiêu thấp hơn kỳ vọng của thị trường có thể sẽ hạn chế đà tăng của giá dầu khi phần lớn xu hướng phục hồi trong giai đoạn gần đây là do góc nhìn tích cực về kinh tế Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng có thể sẽ giữ tâm lý thận trọng khi tuần này sẽ có báo cáo thị trường dầu tháng 3 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và Bảng lương phi nông nghiệp. Trong tháng này, Fed sẽ họp lãi suất, và thị trường lao động vẫn đang là điểm nóng khi chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đáng kể. Điều đó sẽ thúc đẩy không gian tăng lãi suất của Fed và gây sức ép tới thị trường dầu.