Mở cửa phiên giao dịch ngày 10/02, giá hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 3 giảm nhẹ, nhưng đã nhanh chóng quay đầu tăng trở lại sau đó nhờ lực mua kỹ thuật tại vùng kháng cự 670. Về phía thông tin cơ bản, bên cạnh lo ngại xoay quay mùa vụ ngô mới tại Argentina, nỗ lực của Mỹ trong việc yêu cầu Mexico đưa ra lệnh nhập khẩu ngô biến đổi gen (GMO) của nước này cũng góp phần giúp giá có sự thể hiện tích cực trong sáng nay.
Trong sáng nay, ông Doug McKalip, trưởng đoàn đàm phán thương mại nông nghiệp mới của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), cho biết ông đã đưa ra thời hạn đến ngày 14/02 để Mexico có thể cung cấp các cơ sở khoa học đằng sau lệnh cấm nhập khẩu ngô biến đổi gen của họ. Mặc dù rất khó để đưa ra tỷ lệ chính xác lượng ngô mà Mỹ xuất khẩu sang Mexico vì tỷ lệ này thay đổi theo từng năm. Tuy nhiên, Mexico là một trong những quốc gia nhập khẩu ngô lớn nhất của Mỹ và luôn nằm trong số các điểm đến hàng đầu của các lô hàng ngô được xuất khẩu từ đây. Dựa vào dữ liệu của USDA, trong niên vụ 20/21, Mexico là thị trường xuất khẩu ngô lớn thứ hai của Mỹ, chiếm gần 18% tổng kim ngạch xuất khẩu. Do đó, động thái này của Mỹ cho thấy rõ sự không đồng tình của họ với chính sách mới của Mexico về việc cấm nhập khẩu ngô biến đổi gen và tạo hy vọng về kịch bản khách hàng quan trọng này sẽ nhẹ tay hơn, trực tiếp giảm bớt lo ngại về nhu cầu đối với mặt hàng này và hỗ trợ giá.
Vào cuối năm ngoái, Mexico đã đề nghị trì hoãn việc thực hiện lệnh cấm cho đến năm 2025, nhưng McKalip, người đã từng là cố vấn thương mại hàng đầu cho Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ, cho biết sự trì hoãn và các ngoại lệ sẽ không giải quyết được vấn đề cốt lõi, đó là các quyết định này cần phải dựa trên cơ sở khoa học. Mặc dù lệnh cấm sẽ không bắt đầu cho đến năm 2024, nhưng nó đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định gieo trồng của nông dân Mỹ.

Thông tin cơ bản tiếp tục diễn biến trái chiều, giá Arabica khả năng cao sẽ vẫn dao động trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch ngày 09/02, hai mặt hàng cà phê cùng nối tiếp đà giảm. Do áp lực từ việc đồng Real suy yếu khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2023 của Brazil thấp hơn dự kiến và tháng trước đó, giá Arabica kỳ hạn tháng 05 giảm 1.11% về mức 173.70 cents/pound. Robusta giảm 1.22% về giao dịch ở mức 2032 USD/tấn.
Xuất khẩu tiếp tục giảm tại Brazil đang cho thấy bức tranh về lực bán không mấy tích cực. Theo số liệu từ HIệp hội những người trồng cà phê tại Brazil (Cecafe), xuất khẩu trông tháng 01/2023 là 2.84 triệu bao, giảm gần 17% so với mức 3.42 triệu bao cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Arabica là mặt hàng ghi nhận mức giảm mạnh nhất với gần 19% khi chỉ xuất khẩu được 2.43 triệu bao so với mức 2.99 triệu bao của tháng 01/1022. Nguồn cung thấp trong 2 năm trước do ảnh hưởng tiêu cực bởi thời tiết khiến nông dân trở nên dè dặt trong việc bán hàng từ các kho dự trữ. Thông tin này có thể hỗ trợ giá trong phiên hôm nay.
Hơn nữa, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE NewYork quay đầu giảm bao loại 60 kg sau khi đạt mức cao nhất trong hơn 7 tháng. Lực bán yếu đi tại các quốc gia cung ứng lớn làm thiếu hụt đi nguồn cung trên ICE và góp phần hỗ trợ giá.
Tuy vậy, những dự báo tích cực về triển vọng nguồn cung trong năm nay tại Brazil vẫn là xu hướng nhận định chung của giới phân tích. Cooxupe, hợp tác xã sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất tại Brazil dự đoán sản lượng cà phê trong năm 2023 sẽ có sự hồi phục so với 2 năm trước đó. Triển vọng tốt có thể sẽ gây áp lực và hạn chế sự khởi sắc của giá do những thông tin hỗ trợ.

Giá đồng dự báo tăng theo triển vọng kinh tế phục hồi tích cực tại Trung Quốc
Giá đồng mở cửa phiên 10/02 với lực bán áp đảo. Tuy nhiên dự báo giá sẽ dần phục hồi khi thị trường hấp thụ dữ liệu kinh tế mới của Trung Quốc.
Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) mới công bố lạm phát tiêu dùng tháng 1 tăng lên trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 2.1% so với năm 2022 nhưng thấp hơn một chút so với mức 2.2% do các nhà kinh tế dự báo. Mặc dù lạm phát có dấu hiệu tăng nhẹ tuy nhiên vẫn được coi là ổn định và CPI tăng trở lại phản ánh nhu cầu tiêu dùng dần phục hồi sau quyết định mở cửa trở lại, đây là tín hiệu tích cực cho tiêu thụ hàng hoá trong đó có đồng.
Ngoài ra, kỳ vọng chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ tiếp thêm động lực phục hồi kinh tế, đồng thời thúc đẩy lực mua đồng trong thời gian tới. Hiện mức lãi suất vay qua đêm đã giảm hơn 40 điểm cơ bản xuống mức 1.86%. Theo ước tính trung bình trong một cuộc khảo sát của Bloomberg, các ngân hàng Trung Quốc có thể đã thực hiện các khoản vay mới trị giá 4.2 nghìn tỷ nhân dân tệ trong tháng 1, gấp ba lần so với tháng 12.
Về mặt vĩ mô, giá đồng cũng sẽ theo sát diễn biến của đồng USD trong phiên hôm nay khi các nhà đầu tư hướng sự chú ý vào bài phát biểu của quan chức Waller từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và khảo sát tiêu dùng của Đại học Michigan. Tâm lý tiêu dùng được dự báo sẽ tăng, và nếu quan chức Waller vẫn cho thấy quan điểm diều hâu như phần lớn quan chức đã phát biểu trước đó, đồng USD có thể tăng trở lại và gây sức ép tới giá đồng trong phiên.

Giá dầu có thể tăng trở lại trong phiên hôm nay khi kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi
Dầu thô mở cửa với mức giá thấp hơn sau một nến xanh rút chân trong phiên hôm qua, nhưng lực mua đang có phần chiếm ưu thế. Nhiều khả năng giá dầu sẽ phục hồi trong phiên hôm nay trước các dữ liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi, có thể tạo đà cho việc tiêu thụ nhiên liệu và hỗ trợ giá dầu.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 1 của Trung Quốc tăng 0.8% so với tháng trước đó, cao hơn ước tính ở mức 0.7% của các nhà kinh tế. Điều này cho thấy tiêu dùng đang có dấu hiệu phục hồi sau khi quốc gia này mở cửa trở lại.
Trong khi đó, chỉ số lạm phát đầu vào PPI giảm 0.8% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái, và là tháng giảm thứ 4 liên tiếp, nhưng đà giảm đang dần được thu hẹp. Sự suy yếu trong tháng 1 chủ yếu là do các doanh nghiệp hạn chế sản xuất trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Điều này đồng thời cũng để lại không gian cho Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có thể tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm cả việc cắt giảm lãi suất. Hiện tại, một số chuyên gia kinh tế từ Bloomberg cho biết PBOC có thể sẽ cắt giảm lãi suất chính sách một năm xuống 10 điểm cơ bản trong một hoặc hai tháng tới.
Theo Reuters, xuất khẩu xăng tháng 2 của Trung Quốc có thể giảm tháng thứ 2 liên tiếp xuống mức thấp nhất trong 8 năm do tiêu dùng trong nước phục hồi, ước đạt từ 285,000 tấn đến 360,000 tấn, giảm so với ước tính 840,000 tấn trong tháng 1. Đây sẽ là mức thấp nhất kể từ khi xuất khẩu xăng 224,000 tấn vào tháng 2 năm 2015. Xuất khẩu nhiên liệu máy bay đường biển của Trung Quốc cũng có thể giảm trong tháng 2 xuống 400,000 tấn so với khoảng 500,000 tấn trong tháng 1, trong bối cảnh số lượng hành khách hàng tuần vượt quá 10 triệu kể từ cuối tháng 1, mức cao nhất trong ít nhất 10 tháng. Điều này có thể sẽ thắt chặt nguồn cung trong khu vực trước mùa lái xe cao điểm vào mùa hè ở các nước bắc bán cầu và hỗ trợ cho giá dầu.

 

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)