Giá đậu tương mở cửa phiên giao dịch sáng nay chỉ giằng co quanh mức tham chiếu. Sau phiên rung lắc mạnh hôm qua, chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp của đậu tương đã kết thúc. Thị trường bắt đầu phản ánh tác động từ những cơn mưa xuất hiện ở Argentina trong tuần này. Nếu như khô hạn kéo dài ở nước này khiến cho chất lượng đậu tương sụt giảm là yếu tố khiến cho xu hướng tăng giá thiết lập và duy trì trong vài tháng qua thì dự báo thời tiết cải thiện trong thời gian tới có thể sẽ là dấu hiệu cho nhịp biến động mới của giá.
Đợt hạn hán được đánh giá là tồi tệ nhất trong vòng 60 năm qua ở Argentina đã khiến cho nhiều tỏ chức lớn trên thế giới cắt giảm mạnh dự báo sản lượng đậu tương của nước này trong niên vụ 22/23. Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) mới đây đã điều chỉnh số liệu này xuống còn 41 triệu tấn, từ mức 48 triệu tấn trong báo cáo trước đó do năng suất sụt giảm và hoạt động gieo trồng đậu tương cũng bị trì hoãn nghiêm trọng. Con số này thậm chí còn thấp hơn và chỉ đạt mức 37 triệu tấn trong báo cáo của ở Giao dịch Ngũ cốc Rosario (BCR). Trong khi đó, với sự thận trọng thường thấy, USDA vẫn đưa ra dự báo cho mức sản lượng của Argentina cao hơn các tổ chức khác là 45.5 triệu tấn, sau khi điều chỉnh xuống 4 triệu tấn trong báo cáo Cung – cầu tháng 1 vừa qua. Mặc dù thường phản ánh khá chậm ảnh hưởng và thiệt hại của thời tiết tới mùa vụ của các nước nhưng với dự báo khô hạn sẽ cải thiện trong những tuần tới thì có khả năng con số ước tính trên của USDA sẽ gần với thực tế hơn. Chúng tôi cho rằng, nếu như độ ẩm ở các vùng sản xuất nông nghiệp chính ở Argentina dần cải thiện thì tác động “bullish” sẽ dần mất đi, động lực tăng cũng sẽ dần suy yếu.
Bên cạnh đó, trong ngắn hạn, đậu tương từ Brazil đang được nông dân đẩy mạnh bán hàng cũng đang tạo áp lực cạnh tranh lên giá CBOT.
Kỳ vọng Conab sẽ dự đoán sản lượng cà phê năm 2023 nới lỏng, khả năng cao khiến giá đảo chiều giảm
Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/01, hai mặt hàng cà phê đồng loạt khởi sắc, dù cho triển vọng nguồn cung đang chuyển biến tích cực tại cả 2 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế .giới là Brazil và Việt Nam.
Thị trường chờ đợt dự đoán đầu tiên của Conab về sản lượng cà phê trong năm 2023 của Brazil. Trong khi các nhà phân tích độc lập trên thị trường dự đoán sản lượng có thể sẽ nới lỏng hơn so với năm 2022, dù 2023 là năm mất mùa trong chu kỳ 2 năm được mùa 1 lần tại Brazil. Đặc biệt với sự hỗ trợ của thời tiết ẩm ướt trong vài tuần trở lại đây đã hỗ trợ sự phát triển của cây trồng, những dự đoán trên là hoàn toàn có căn cứ và có thể xảy ra. Trước khi có số liệu từ dự báo của Conab trong tối nay, những kỳ vọng trên có thể khiến giá Arabica đảo chiều suy yếu.
Thêm một tín hiệu cho thấy mùa vụ 2023 tại Brazil có thể đưa đến một sản lượng tích cực hơn là việc độ ẩm đất đang ở mức rất tốt. Điều này có thể khiến kích thước quả phát triển một cách tối đa, từ đó tăng sản lượng. Tuy vậy, các chuyên gia cũng dự đoán sản lượng sẽ không đạt đến mức kỷ lục trước đó.
Tồn kho đạt chuẩn Arabica trên Sở ICE tiếp tục tăng trong ngày hôm qua, trong khi vẫn còn hơn 100,000 bao loại 60kg đang chờ được phân loại lại và đẩy vào các kho dự trữ. Điều này được dự đoán sẽ giúp tồn kho đạt chuẩn nối dài chuỗi đà tăng trong thời gian ngắn tới, đồng thời sẽ tiếp tục là nhân tố gây sức ép lên giá.
Bức tranh kinh tế suy yếu và nhu cầu tiêu thụ hạn chế có thể gây áp lực tới giá đồng trong phiên
Triển vọng tiêu thụ đồng gia tăng tại Trung Quốc đã đẩy giá đồng liên tục tạo đỉnh mới trong hai phiên liên tiếp. Tuy nhiên đà tăng đã chững lại vào hôm qua và dự báo giá đồng sẽ tiếp tục giảm trong cả phiên hôm nay ngày 19/01.
Nền kinh tế Mỹ suy yếu làm dấy lên mối lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế trong bối cảnh lãi suất cao. Các số liệu doanh số bán lẻ và sản lượng sản xuất tháng 12 của Mỹ đều đạt mức suy giảm mạnh so với ước tính và cả tháng 11, cho thấy nền kinh tế đang gặp áp lực nhất định do chi phí đi vay cao hơn. Trong khi đó, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang mỹ (Fed) lại cho thấy động thái cứng rắn khi cho rằng lãi suất cần vượt qua 5% để kiềm chế lạm phát. Do đó, lo ngại nền kinh tế suy yếu cùng với mức lãi suất tăng cao có thể thúc đẩy đồng USD tăng, gây áp lực tới giá đồng. Đồng thời, với vai trò là thước đo sức khỏe của nền kinh tế, bức tranh kinh tế suy yếu có thể khiến lực mua đồng giảm, giá đồng tiếp tục giảm trong phiên hôm nay.
Về phía Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ đồng hàng đầu, người bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán có thể khiến hoạt động sản xuất tại nhiều nhà máy tại đây bị đình trệ, khiến nhu cầu tiêu thụ đồng giảm. Trung Quốc có 07 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, kéo dài từ ngày 21 đến 27 tháng 01, nhiều công nhân thậm chí không có kế hoạch trở lại làm việc cho đến sau ngày 05/02, ngày diễn ra Lễ hội đèn lồng truyền thống. Theo Bloomberg, tại tỉnh trung tâm sản xuất Chiết Giang, các nhà máy đã ngừng sản xuất sớm hơn bình thường từ một đến hai tuần.
Hơn nữa, theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin vào cuối ngày thứ Tư, chủ tịch Tập Cận Bình nói trong một cuộc gọi video rằng đợt bùng phát Covid-19 hiện tại rất dữ dội và Trung Quốc vẫn sẽ phải đối mặt với những nhiệm vụ khó khăn hơn trong cuộc chiến chống Covid. Cuộc gọi video là bất thường vì ông Tập đã trực tiếp đến thăm các vùng nông thôn trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012. Lo ngại dịch Covid gia tăng mạnh trong giai đoạn nghỉ Tết cùng với hoạt động sản xuất đình trệ sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ đồng, có thể khiến giá đồng giảm trong phiên hôm nay.
Giá dầu có thể tiếp tục lao dốc nếu báo cáo của EIA cho thấy tồn kho dầu và các sản phẩm lọc dầu tăng
Giá dầu giảm trong sáng nay trước những lo ngại về suy thoái kinh tế ở Mỹ và số liệu tồn kho dầu tăng mạnh trong báo cáo của API.
Triển vọng phục hồi của Trung Quốc chưa đủ để khiến giá dầu tăng mạnh, bởi trong ngắn hạn, thị trường dầu có thể vẫn ở trong trạng thái thặng dư. Các số liệu của nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu có thể tiếp tục tiêu cực trong quý I của năm nay, nhất là khi Trung Quốc sắp bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày.
Ngành giao thông vận tải chỉ chiếm 54% lượng tiêu thụ dầu của Trung Quốc, so với 72% ở Mỹ và 68% ở Liên minh châu Âu (EU), vì thế, ngay cả khi nhu cầu đi lại trong dịp lễ gia tăng, mức tăng trưởng sẽ không vượt quá khả năng đáp ứng nguồn cung.
Phần lớn những kỳ vọng vào Trung Quốc đều mang tính chất lâu dài, và các tổ chức lớn như IEA, EIA, hay OPEC cũng đều dự báo rằng “cú hích” đối với thị trường có thể xuất hiện từ quý III, nên trong giai đoạn hiện nay, giá dầu khó có thể bứt phá, và vẫn sẽ đi ngang trong biên rộng.
Trong phiên hôm nay, các nhà đầu tư sẽ cần chú ý tới báo cáo tuần của EIA. Nếu số liệu tồn kho tiêu cực hơn so với số của API trong sáng nay, giá dầu có thể sẽ phục hồi trở lại, tuy nhiên có thể giá vẫn đóng cửa trong sắc đỏ. Tuy nhiên, nhiều khả năng con số mà EIA đưa ra sẽ có cùng xu hướng với API, bởi các số liệu kinh tế gần đây của Mỹ đều cho thấy sự suy yếu của hoạt động sản xuất. Các tin tức đều đang chỉ ra xác suất giá dầu sẽ giảm cao hơn.