Ngô là mặt hàng nông sản duy nhất mở cửa phiên giao dịch đầu tuần này trong sắc xanh. Sau tuần lao dốc mạnh, thị trường đang hồi phục kĩ thuật nhẹ trở lại. Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, lực bán có khả năng vẫn sẽ chiếm ưu thế trong tháng 3 tới khi thị trường dần chuyển mối quan tâm từ mùa vụ Nam Mỹ sang hoạt động gieo trồng sắp diễn ra của nông dân Mỹ. Tình hình vụ ngô của Argentina vẫn đang gặp bất lợi bởi hạn hán và sương giá sớm nhưng đây chỉ là yếu tố hạn chế đà giảm mạnh của giá ngô trong giai đoạn hiện tại.
Theo Viện Kinh tế Nông nghiệp Mato Grosso (IMEA), tiến độ trồng ngô vụ 2 tại Mato Grosso đã đạt 72.66% kế hoạch, đều thấp hơn so với mức 82.74% cùng kỳ năm trước và 78.73% trung bình lịch sử. Theo hãng tư vấn AgRural, hơn một nửa vụ ngô thứ 2 ở các bang Parana và Mato Grosso của Brazil sẽ được trồng ngoài khoảng thời gian lý tưởng, thường kết thúc vào cuối tháng 2. Tuy nhiên, khoảng cách hiện tại theo chúng tôi đánh giá vẫn chưa chênh lệch quá lớn và tình hình thời tiết ở Brazil hiện vẫn đang ủng hộ cây trồng. Mặc dù trồng muộn hơn dự kiến nhưng nếu không phải trải qua các khung thời tiết cực đoan thì năng suất vẫn sẽ được đảm bảo và theo ước tính mới nhất của USDA, Brazil sẽ lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới vào niên vụ 22/23. Chính vì vậy nên lo ngại đối với mùa vụ ở Brazil vẫn chưa phải là yếu tố “bullish” đủ mạnh đối với thị trường ngô.
Trong khi đó, sau Hội thảo Ag Outlook hàng năm đã diễn ra vào tuần trước và công bố ước tính vụ mùa mới của USDA đối với các mặt hàng nông nghiệp. Đối với ngô, USDA ước tính 91 triệu mẫu Anh sẽ được gieo trồng, tạo ra sản lượng 15,085 tỷ giạ, chỉ kém kỷ lục 15,148 triệu giạ được sản xuất vào niên vụ 2015/16. Nếu như số liệu này được xác nhận trong báo cáo Prospective Plantings cuối tháng 3 thì sẽ phản ánh nguồn cung nới lỏng hơn trong năm nay và là yếu tố tạo áp lực với giá ngô.
Thông tin cơ bản biến động khiến giá cà phê khả năng cao sẽ giằng co trong tuần này
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, hai mặt hàng cà phê cùng nối tiếp đà tăng. Tuy vậy, mức tăng có sự điều chỉnh nhẹ lại, Arabica ghi nhận mức tăng hơn 1% khi Dollar Index tăng mạnh đã hạn chế đà tăng do việc hạn chế bán hàng của nông dân tại các nước cung ứng chính gây ra. Những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn giảm bớt khi Indonesia bắt đầu thu hoạch cũng gây sức ép khiến mức tăng ban đầu không duy trì được, đóng cửa tuần giá mặt hàng này tăng hơn 2%.
Thông tin cơ bản trên thị trường dường như vẫn đi theo xu hướng tác động “bullish” đến giá như tuần trước. Theo báo cáo hàng tuần của Cơ quan cung ứng mùa vụ của chính phủ Brazil (Conab), giá cà phê giao ngay ở quốc gia này đã tiếp tục tăng lên mức cao nhất 1,160 Real Brazil/bao 60kg, thay vì mức 1,120 Real Brazil/bao như trước đó. Giá cà phê hàng thực tiếp tục tăng cao có thể sẽ tiếp tục kéo giá Arabica giao dịch trên Sở ICE NewYork nối tiếp đà tăng.
Hơn nữa, theo hiện hội những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe), xuất khẩu Arabica tính đến ngày 24/02 đạt 1.78 triệu bao, giảm 18.35% so với mức 2.18 triệu bao của cùng kỳ tháng trước. Điều này cho thấy việc hạn chế bán hàng từ phía nông dân Brazil vẫn tiếp diễn, đặc biệt khi triển vọng nguồn cung niên vụ 2023/24 đã bắt đầu có dấu hiệu bớt tích cực hơn từ phía các nhà phân tích. Tuy vậy, với mức giảm này đã cho thấy một sự phục hồi đáng kể so với mức giảm 30.48% của 20 ngày đầu tháng 2 so với cùng kỳ tháng 1. Đây cũng có thể là 1 dấu hiệu đáng chú ý khi Dollar Index đang nối dài đà tăng gần đây, sẽ kích thích nhu cầu bán hàng của nông dân và giải quyết phần nào vấn đề hạn chế bán hàng hiện tại.
Giá đồng có thể tiếp tục suy yếu khi thị trường vắng bóng các tin tức cơ bản mang tính tích cực
Phiên sáng đầu tuần ngày 27/02, lực mua và lực bán đồng khá giằng co trong bối cảnh thị trường vẫn thận trọng trước áp lực từ yếu tố vĩ mô và nhu cầu tiêu thụ còn yếu. Dự báo giá đồng cả phiên hôm nay sẽ giằng co trong biên độ hẹp do vắng bóng động lực tăng mạnh.
Về yếu tố vĩ mô, chỉ số Dollar Index vẫn neo gần mức cao nhất trong 07 tuần vào sáng nay sau một loạt dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ làm củng cố quan điểm rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải tăng lãi suất cao hơn nữa và giữ ở đó lâu hơn. Đồng Dollar Mỹ vững chắc làm cho hàng hóa được định giá bằng đồng tiền của Mỹ đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, làm giảm lực mua.
Hơn nữa, không chỉ nền kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh mà khả năng phục hồi của nền kinh tế châu Âu và việc Trung Quốc mở cửa trở lại càng làm khơi dậy những lo ngại về lạm phát. Rủi ro Fed tiếp tục tăng lãi suất cao để hạ nhiệt lạm phát có thể đẩy nền kinh tế rơi vào nguy cơ suy thoái. Và với vai trò là thước đo sức khỏe của nền kinh tế, triển vọng kinh tế toàn cầu đối diện với nhiều rủi ro cũng khiến thị trường đồng ảm đạm hơn.
Tại Trung Quốc, tồn kho đồng tại Sở Giao dịch Thượng Hải tiếp tục tăng lên mức 140,242 tấn và phí bảo hiểm nhập khẩu đồng lại giảm, báo hiệu nhu cầu tiêu thụ còn mờ nhạt. Hôm nay Bloomberg cũng đưa tin mặc dù nền kinh tế Trung Quốc phục hồi đúng như dự kiến tuy nhiên không đồng đều, hoạt động dịch vụ tăng mạnh trong khi hoạt động công nghiệp chậm lại, doanh số bán nhà và xe hơi tiếp tục giảm và xuất khẩu có thể tiếp tục suy yếu. Trong khi đó, đồng là nguyên liệu quan trọng phục vụ trong sản xuất ô tô và lĩnh vực bất động sản, do đó, triển vọng tiêu thụ vẫn yếu sẽ là yếu tố kìm hãm đà tăng của đồng trong phiên.
Ngoài ra, thị trường cũng sẽ thận trọng chờ đợi khi sắp tới Trung Quốc sẽ báo cáo chỉ số PMI sản xuất tháng 2 và Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc khai mạc vào cuối tuần và sẽ chứng kiến các mục tiêu và chính sách kinh tế mới.
Giá dầu có thể dần lấy lại đà phục hồi trước kỳ vọng tích cực hơn khi cuộc họp Quốc hội Trung Quốc đến gần
Dầu thô tiếp tục chịu những áp lực từ các sức ép vĩ mô trong giai đoạn gần đây, khi tình hình lạm phát bất ngờ không hạ nhiệt nhanh như kỳ vọng của thị trường trước đó, làm dấy lên lo ngại lãi suất còn gia tăng gây áp lực tới nền kinh tế và hạn chế nhu cầu dầu. Tuy nhiên, những kỳ vọng tích cực hơn về các biện pháp kích thích tăng trưởng tại Trung Quốc, trong khi xuất hiện một số rủi ro về nguồn cung sẽ hỗ trợ cho giá dầu trong giai đoạn tới.
Các thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và nhóm G7 đã thông qua gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào Nga cuối tuần qua. Mặc dù gói trừng phạt không tác động trực tiếp tới dầu thô, nhưng rủi ro địa chính trị và lo ngại Nga có các hành động đáp trả trong tương lai gây gián đoạn dòng chảy có thể là yếu tố hỗ trợ cho giá.
Trong tháng 3 tới, Quốc hội Trung Quốc — Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) sẽ họp lần đầu tiên sau khi mở cửa thời kỳ hậu Covid-19. Thị trường sẽ tập trung lắng nghe kế hoạch khởi động lại “cỗ máy” tăng trưởng của quốc gia này thông qua các đường hướng, chính sách của các quan chức như thế nào. NPC sẽ xem xét hoạt động của chính phủ và lắng nghe các mục tiêu kinh tế và chính sách được đặt ra trong năm để hỗ trợ phục hồi. Đây là mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc trong năm nay, nên các thông tin liên quan tới kích thích kinh tế trong cuộc họp sẽ là động lực thúc đẩy giá nguyên vật liệu đầu vào quan trọng, trong đó có dầu thô.
Trước mắt, ngay trong tuần này, giá dầu sẽ phản ứng mạnh với dữ liệu quan trọng của Trung Quốc, chỉ số quản trị mua hàng PMI tháng 2 công bố vào sáng thứ 4. Sau khi trở lại ngưỡng 50 vào tháng 1, nhiều khả năng con số vẫn sẽ tích cực trong tháng 2 và có thể hỗ trợ cho giá dầu.