NÔNG SẢN
Đậu tương đóng cửa giảm nhẹ 0.52%, chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp trước đó. Mặc dù được hỗ trợ bởi đơn hàng hơn 100,000 tấn đậu tương trong báo cáo Daily Export Sales, tuy nhiên mức giảm mạnh của dầu đậu tương đã gây áp lực lớn lên giá mặt hàng này.
Dầu đậu tương là mặt hàng giảm mạnh nhất trong nhóm nông sản phiên hôm qua, với hơn 2%. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mức giảm trên là do sự suy yếu của giá dầu thô và dầu cọ. Qua đó, diễn biến trái chiều giúp cho giá khô đậu tương vẫn giữ được mức tăng nhẹ 0.5%.
Ngô đóng cửa giảm nhẹ 0.5% chủ yếu do ảnh hưởng từ mức giảm chung của nhóm đậu tương. Bên cạnh đấy, số liệu xuất khẩu đáng thất vọng trong báo cáo Export Inspections tuần này cũng khiến giá không bật trở lại được từ mức hỗ trợ quan trọng 550.
Lúa mì giảm hơn 1% về mức thấp nhất kể từ đầu tháng đến nay. Không có thông tin cơ bản nào mới tác động đến giá lúa mì trong phiên hôm qua, khi bức tranh cung – cầu của lúa mì trên toàn thế giới về cơ bản đã khá rõ ràng. Vì thế, diễn biến trong phiên hôm qua của lúa mì chủ yếu do ảnh hưởng từ mức giảm của của toàn bộ nhóm nông sản.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Đóng cửa ngày 9/8, giá Cà phê hai sở đồng loạt tăng. Giá Arabica tăng gần 2% lên 179.35 cents/pound, trong khi giá Robusta tăng 2.5% lên 1797 USD/tấn. Những lo ngại về nguồn cung tiếp tục là yếu tố giúp cho giá cả hai mặt hàng Cà phê bật tăng trở lại. Nỗi lo sương giá đã qua đi đối với nông dân trồng Cà phê thì lo ngại về khí hậu khô hạn quay trở lại, nhất là sau khoảng thời gian các vùng trồng Cà phê đã bị tàn phá vì hạn hán và sương giá. Tồn kho đạt chuẩn trên hai sản giảm trong bối cảnh hàng hóa vẫn tắc nghẽn ở các cảng cũng là yếu tố khiến lực mua hôm qua mạnh hơn. Tuy vậy, nhưng cả hai mặt hàng Cà phê vẫn nằm trong xu hướng tích lũy đi ngang với biên độ từ 171 – 180 cents/pound cho giá Arabica và khoảng giao dịch của giá Robusta là 1720 – 1800 USD/tấn.

KIM LOẠI
Sắc đỏ bao phủ bảng giá của các mặt hàng kim loại. Giá Bạc giảm 4.3% còn 23.27 USD/ounce, giá Bạch kim giảm nhẹ 0.13% còn 970 USD/ounce. Cả hai mặt hàng kim loại quý chịu áp lực bán lớn ngay từ đầu phiên, khiến cho giá Bạc có lúc giảm về 22.4 USD/ounce và giá Bạch kim cũng từng chạm mức 955 USD/ounce. Tuy nhiên, lực mua sau đó tại các vùng hỗ trợ đã giúp cho giá Bạc và Bạch kim có cú lội ngược dòng trở lại. Giá Bạch kim giảm ít hơn do trước đó giá đã có đợt sụt giảm mạnh hơn hẳn so với giá Bạc.

NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 2.64% xuống 66.48 USD/thùng, giá Brent giảm 2.35% xuống 69.04 USD/thùng.
Ngành hàng không chịu ảnh hưởng nặng từ các lệnh phong toả, cách ly Bắc Kinh đề ra từ cuối tháng trước, khi dịch COVID-19 lan ra gần một nửa lãnh thổ. Thị trường lo ngại tình trạng này sẽ lan rộng ra khắp khu vực châu Á từ giờ cho đến cuối năm, dẫn đến nhu cầu dầu thô suy yếu. Trong khi đó, EU hiện đang thảo luận việc thắt chặt các điều kiện cho du khách Mỹ, khi số ca nhiễm mới tại Mỹ vượt quá mức quy định khối đề xuất đầu tháng 6.
Nghiên cứu hôm qua của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) Liên Hợp quốc cũng tác động không nhỏ đến tâm lý thị trường, với mức giảm lên đến 4% ngay sau khi báo cáo của IPCC được công bố. Theo phân tích của Citibank, việc các nước thắt chặt các biện pháp chống biến đổi khí hậu có thể khiến nhu cầu dầu thô sớm đạt đỉnh trong vài năm tới, với nhu cầu tối đa giảm từ 110 triệu/thùng xuống 104 triệu/thùng.
Giá khí tự nhiên giảm điều chỉnh 1.93% xuống 4.06 USD/MMBTu sau khi thất bại trong việc phá kháng cự 4.2 USD/MMBtu.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)