NÔNG SẢN
Giá đậu tương chỉ giảm nhẹ 0.93% và giằng co trong biên độ hẹp. Số liệu về doanh số xuất khẩu trong các báo cáo Daily Export Sales liên tục xuất hiện là đã hạn chế tác động tiêu cực về triển vọng nhu cầu giảm do sự bùng phát trở lại của Covid-19.
Dầu đậu tương giảm mạnh 2.81% chủ yếu do diễn biến giảm từ giá dầu cọ khi xuất khẩu trong tháng 7 của Malaysia ở mức thấp. Khô đậu tương kết tuần tăng hơn 1% nhờ diễn biến trái chiều với dầu đậu tương.
Giá ngô tăng hơn 2% nhờ tác động từ mức tăng của lúa mì. Bên cạnh đó, một đợt sương giá tiếp theo ở Brazil cũng đang gây ra lo ngại đối với chất lượng của ngô vụ 2 ở đây. Tốc độ bán hàng niên vụ 2021/22 khả quan hơn của Mỹ trong báo cáo Export Sales cũng là yếu tố thúc đẩy giá ngô trong tuần trước.
Lúa mì đóng cửa tuần trước tăng 2.17% chủ yếu do lo ngại về thời tiết bất ổn ở các quốc gia sản xuất chính. Nếu mưa dông vẫn tiếp tục xuất hiện trong tuần trước gây ra nguy cơ lũ lụt, ngập úng ở Đức và Pháp thì ở Nga và Mỹ, hạn hán cũng đang gây ra thiệt hại tới chất lượng cây trồng.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Arabica giảm gần 2% còn 176 cents/pound, trong khi giá Robusta đóng cửa tuần giảm mạnh 2.4% còn 1743 USD/tấn. Cả hai mặt hàng Cà phê không có biến động quá mạnh và hình thành xu thế đi ngang trong các phiên đầu tuần, tuy nhiên, đến phiên thứ sáu vừa qua, giá cả Cà phê Arabica và Robusta đều gặp sức ép lớn trước sự gia tăng phi mã của đồng USD. Thêm vào đó, thời tiết được dự báo sẽ ấm dần và không có mưa đã làm cho thị trường vắng bóng các cơ hội đầu cơ về thời tiết, do đó, giá cà phê vốn đã trong nhịp giảm mạnh nay còn không có yếu tố nào hỗ trợ, nên khả năng tăng giá càng mong manh hơn.

KIM LOẠI
Giá Bạc giảm gần 5% về 24.33 USD/ounce, giá Bạch kim cũng giảm mạnh 7.3% còn 972 USD/ounce. Đáng chú ý, đây là mức giá thấp nhất trong 7 tháng đối với giá Bạch kim. Ngay từ đầu tuần, giá cả hai mặt hàng kim loại quý đã chịu rất nhiều áp lực từ các tín hiệu thắt chặt được đưa ra bởi các quan chức của FED, tuy nhiên, áp lực lớn nhất vẫn đến từ sự tăng giá của đồng USD. Thị trường lao động của Mỹ đã hồi phục rất tốt trong tháng 7, với hơn 940,000 việc làm mới và tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 5.4%. Sự hồi phục tích cực này đã làm đồng bạc xanh tăng mạnh và khiến cho lực bán ồ ạt trên thị trường kim loại quý. Bên cạnh đó, thị trường tiền điện tử cũng chứng kiến sự hồi phục cuối tuần qua khi đồng Bitcoin vượt mức 43,000 USD. Vì thế, dòng tiền cho thị trường kim loại quý trong thời gian sắp tới có thể sẽ tiếp tục giảm.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá Đồng giảm 3% còn 4.34 USD/pound, giá Quặng sắt cũng giảm mạnh 4% còn 172 USD/tấn. Các số liệu sản xuất tiêu cực trên toàn cầu, và đặc biệt là ở phía Trung Quốc đã khiến cho giới đầu tư lo ngại về triển vọng tiêu thụ cả Đồng và Quặng sắt trong thời gian sắp tới. Bên cạnh đó, biến thể Delta đang lây lan ngày một mạnh mẽ và vượt ngoài dự báo của các quốc gia lớn như Mỹ và Trung Quốc cũng có thể khiến cho các hoạt động công nghiệp và xây dựng lại rơi vào trạng thái trì hoãn, do đó, triển vọng của hai mặt hàng kim loại cơ bản cũng trở nên tiêu cực đi. Trong khi giá Quặng sắt vẫn ở trong chu kì điều chỉnh, giá Đồng có thể được hỗ trợ nhờ cuộc đình công ở mỏ đồng lớn nhất thế giới Escondida.

NĂNG LƯỢNG
Giá dầu có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2020, khi lo ngại về dịch COVID-19 gia tăng tại Trung Quốc và Mỹ đè nặng tâm lý thị trường. Cụ thể, giá WTI giảm 7.67% xuống 68.28 USD/thùng, giá Brent giảm 6.25% xuống 70.7 USD/thùng.
Bất chấp việc sở hữu hàng rào chống dịch nghiêm ngặt nhất thế giới, số ca nhiễm COVID-19 vẫn lan rộng ra gần một nửa tình thành tại Trung Quốc, buộc nước này phải ban hành một loạt lệnh giãn cách, phong toả mới, bao gồm huỷ các chuyến bay và hạn chế khách du lịch. Trong tháng 7, nhập khẩu dầu thô châu Á chỉ đạt 21.77 triệu thùng, mức thấp nhất trong 10 tháng gần đây. Dollar Index tăng mạnh cũng tác động tiêu cực đến các mặt hàng định giá bằng đồng bạc xanh như dầu.
Tuy vậy, về mặt thực tế, tại Mỹ nhu cầu sử dụng nhiên liệu vẫn đang tiếp tục tăng lên và nền kinh tế Mỹ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đà tăng trưởng thế giới. Tốc độ tiêm chủng vắc-xin COVID-19 phục hồi từ mức thấp nhất trong tháng 7 làm giảm khả năng nước này tái phong toả trong cuối năm. Thị trường chờ đợi các báo cáo thị trường mới của 3 tổ chức năng lượng lớn EIA, IEA và OPEC để đánh giá triển vọng trong thời gian tới.
Trái ngược với dầu, giá khí tự nhiên tăng mạnh trong tuần vừa rồi với dự báo nhiệt độ nóng lên và tồn kho tăng thấp hơn dự kiến.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)