NÔNG SẢN
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, sắc đỏ bao phủ toàn bộ bảng giá các mặt hàng nông sản tuy nhiên mức biến động đều không quá mạnh như tuần trước đó.
Giá lợn giảm đã gây áp lực lên nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Trung Quốc khiến cho nhập khẩu đậu tương của nước này có khả năng chậm lại trong nửa cuối năm 2021. Điều này đã tạo tác động bearish lên giá đậu tương và kéo theo đó là mức giảm của khô đậu tương.
Tình trạng khan hiếm nguồn cung dầu cọ toàn cầu dự kiến sẽ giảm dần trong dài hạn, theo Trung tâm Thông tin Dầu và Ngũ cốc Quốc gia Trung Quốc. Điều này cùng với lực bán kĩ thuật đã khiến giá dầu đậu tương liên tục giảm trong tuần vừa qua.
Giá ngô giảm nhẹ 1.63% do các số liệu về doanh số bán hàng và sản lượng ethanol đều giảm xuống so với tuần trước cho thấy triển vọng nhu cầu tiêu thụ ngô kém hơn. Tuy nhiên, thời tiết sương giá ở Brazil và lo ngại về hạn hán kéo dài ở Midwest, Mỹ vẫn đang là yếu tố hỗ trợ và hạn chế đà giảm của giá.
Lúa mì đóng cửa tuần giảm 1.23% khi không có thêm thông tin cơ bản mới hỗ trợ. Tác động “bearish” với mặt hàng này chủ yếu đến từ diễn biến giá ngô và đà phục hồi của đồng USD.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá cà phê trên hai sở bứt phá và trở thành điểm sáng của thị trường hàng hóa. Giá Arabica kỳ hạn tháng 9 tăng 17% lên 189 cents/pound, mức cao nhất trong vòng 7 năm. Đà tăng vượt trội cũng kéo theo giá Robusta tăng hơn 7% lên 1899 USD/tấn. Đợt sương giá hoành hành trên diện rộng tại các bang trồng Arabica chủ chốt ở Brazil là yếu tố chính khiến giá vọt tăng trong tuần qua.
Giá đường tiếp tục tăng 2.5% nhờ ảnh hưởng tích cực từ đà phục hồi của dầu thô. Trong khi đó, giá bông một lần nữa test lại kháng cứ 90 cents khi các vùng gieo trồng bông chính tại Mỹ hầu hết đầu không có mưa trong tuần vừa rồi.
KIM LOẠI
Giá cả hai mặt hàng kim loại quý đều đóng cửa tuần với sắc đỏ. Giá Bạc giảm 1.8% còn 25.235 USD/ounce, giá Bạch kim giảm hơn 4% còn 1061 USD/tấn. Đồng USD tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng khiến cho giá của các mặt hàng kim loại quý suy yếu.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá Đồng và Quặng sắt diễn biến trái chiều. Đồng giảm mạnh vào phiên thứ hai khi gặp sức ép từ đồng USD, nhưng sau đó giá tăng mạnh liên tiếp 4 phiên và bứt phá ra khỏi biên độ đi ngang kéo dài trong vòng một tháng qua với mức đóng cửa tuần là 4.4 USD/pound. Giá tăng bất chấp các tin tức tiêu cực về nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc, đồng thời làm dấy lên những lo ngại về yếu tố đầu cơ trên thị trường.
NĂNG LƯỢNG
Tuần vừa rồi có thể xem là tuần giao dịch dầu thô biến động nhất trong năm nay, khi giá tăng trở lại 4 phiên liên tiếp sau khi “sập” mạnh vào đầu tuần. Vượt qua lo ngại về dịch COVID-19, giá dầu WTI đóng cửa tăng 0.71% lên 72.07 USD/thùng, dầu Brent tăng 0.69% lên 74.1 USD/thùng.
Thông tin OPEC+ tăng dần sản lượng lên 2 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm, kết hợp với khả năng Iran quay trở lại xuất khẩu trong trường hợp đạt được thoả thuận hạt nhân mới với Mỹ và biến thể Delta của vi-rút COVID-19 lây lan đã khiến cho giá dầu giảm mạnh 7% ngay trong phiên đầu tuần. Tuy nhiên tâm lý “bắt đáy” cùng với các chính sách “thích ứng” trong mùa dịch của các ngân hàng trung ương đã hỗ trợ cho thị trường, với kỳ vọng nền kinh tế của Mỹ, châu Âu sẽ phục hồi đủ mạnh để thúc đẩy tiêu thụ xăng dầu trong năm nay.