NÔNG SẢN
Trừ khô đậu tương, các mặt hàng đều biến động không quá 1%.
Đậu tương tăng nhẹ 0.5% trong phiên hôm qua nhờ lực mua kĩ thuật sau phiên giảm mạnh nhất trong 4 tuần. Một lượng mưa nhỏ dự kiến sẽ xuất hiện ở Midwest trong tuần tới làm giảm bớt phần nào ảnh hưởng của hạn hán tại khu vực này cũng đã làm hạn chế mức tăng của đậu tương.
Dầu đậu tương giảm 0.42% bất chấp đà tăng mạnh của dầu cọ và khiến cho giá khô đậu tương tăng mạnh 1.23%.
Giá ngô giảm 0.9% nhưng vẫn nằm trong biên độ đi ngang chủ yếu do tác động “bearish” nhẹ khi sản lượng ethanol trong tuần tiếp tục giảm xuống lần thứ 4 liên tiếp nhưng mức giảm không đáng kể. Cụ thể, Mỹ đã sản xuất 1.01 triệu thùng/ngày, tương đương với 2,6 triệu tấn ngô có khả năng được tiêu thụ trong tuần.
Lúa mì dẫn đầu đà giảm chung của thị trường với mức giảm 1%. Sản lượng lúa mì ở các nước châu Âu dự kiến sẽ bị cắt giảm là thông tin hỗ trợ và khiến cho trong phiên có thời điểm giá tăng mạnh hơn 15 cents. Tuy nhiên, lực bán kĩ thuật đã khiến giá suy yếu và giảm mạnh vào cuối phiên.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Arabica tăng nhẹ 0.5% lên 175.65 cents/pound, trong khi giá Robusta giảm nhẹ còn 1770 USD/tấn. Biên độ dao động và khối lượng giao dịch trong phiên vẫn ở dưới mức trung bình, nói lên việc dòng vốn vẫn chưa quay trở lại với thị trường Cà phê. Đây là điều hợp lí, khi cả hai thị trường đang cần thời gian để xác định khoảng giao mới sau đợt biến động mạnh vừa qua.

KIM LOẠI
Giá Bạc giảm 0.5% còn 25.46 USD/ounce, giá Bạch kim cũng giảm gần 2.5% còn 1021 USD/ounce. Cả hai mặt hàng kim loại quý tăng nhẹ vào đầu phiên và đảo chiều giảm mạnh vào gần cuối phiên sau khi phó chủ tịch FED Richard Clarida cho biết FED đã đạt được những bước tiến nhất định để bắt đầu tăng lãi suất và thu hẹp chương trình mua trái phiếu vào năm 2023. Đồng USD bật tăng mạnh ngay sau khi có tin tức và gây sức ép lên giá của toàn bộ các mặt hàng kim loại quý. Chỉ số Dollar Index tăng lên 92.27 điểm, mức cao nhất trong vòng một tuần. Nỗi lo lạm phát khi nền kinh tế tăng trưởng nóng khiến rất nhiều thành viên của FED ủng hộ chính sách thắt chặt sớm hơn.
Tín hiệu tiêu cực cũng lan sang cả thị trường kim loại cơ bản khi giá Đồng và Quặng sắt đều giảm. Thị trường Đồng có phiên thứ 4 liên tiếp đóng cửa với sắc đỏ bằng mức giảm 1.2% còn 4.332 USD/pound. Tin tức về cuộc đình công ở mỏ đồng lớn nhất thế giới Escondida dường như là không đủ để hỗ trợ cho giá của kim loại này, trong bối cảnh tăng trưởng ở Trung Quốc và Mỹ đang có dấu hiệu chậm lại. Bên cạnh đó, biến thể Delta đang lây lan mạnh mẽ ở cả hai khu vực này, khiến cho các hoạt động công nghiệp có thể lại rơi vào trạng thái bị trì hoãn, do đó, giá Đồng giảm các phiên gần đây phản ánh tâm lý lo lắng của các nhà đầu tư về nhu cầu tiêu thụ Đồng trong giai đoạn sắp tới.
Giá Quặng sắt gần như không đổi so với phiên hôm trước khi đóng cửa ở mức 182.3 USD/tấn. Các nhà đầu tư Quặng sắt hiện không còn nhiều động lực để mua vào trong bối cảnh nước có nhu cầu tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc đã phải hạn chế đi lại vì đợt bùng phát dịch mới nhất do biến thể Delta. Bên cạnh đó, chính sách kiểm soát giá hàng hóa của Bắc Kinh cũng là một yếu tố gây sức ép lớn lên giá của cả hai mặt hàng kim loại cơ bản.

NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 3.42% xuống 68.15 USD/thùng, giá Brent giảm 2.8% xuống 70.38 USD/thùng.
Giá đã giảm từ chiều khi các thông tin bất lợi về dịch COVID-19 khiến thị trường rơi vào trạng thái lo ngại. Một loạt các thông tin tiêu cực về kinh tế Mỹ như số việc làm trong tháng tăng ít hơn kỳ vọng trong khi phó Chủ tịch FED cho biết sẽ đánh giá cắt giảm các chính sách hỗ trợ thị trường trong các cuộc họp tới cũng gây áp lực lên giá. Tuy nhiên, thông tin quan trọng nhất là tồn kho dầu bất ngờ tăng hơn 3.6 triệu thùng, trái với kỳ vọng giảm 2.9 triệu thùng của thị trường và đi ngược lại số liệu trong báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ API trước đấy.
Giá khí tự nhiên tăng lên mức cao nhất trong vòng 31 tháng khi nhiệt độ trong 2 tuần tới được kỳ vọng sẽ tăng cao hơn so với dự báo trước đó.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)