NÔNG SẢN
Giá đậu tương giảm mạnh gần 2.5%, chạm mức thấp nhất trong gần 1 tháng. Chất lượng đậu tương được đánh giá tốt-tuyệt vời được cải thiện lên mức 60%, cao hơn 2% so với tuần trước đó và dự đoán của thị trường là yếu tố chính tạo áp lực lên giá.
Giá dầu đậu tương cũng giảm 1.2% bất chấp mức hồi phục nhẹ của giá dầu cọ. Áp lực bán chung với nhóm đậu tương cũng tạo áp lực và khiến cho giá khô đậu tương giảm mạnh.
Với ngô, lực mua tăng mạnh ngay khi bước vào phiên tối nhưng yếu dần khiến giá đóng cửa giảm 1.34%. Giá ngô chịu áp lực do mức kháng cự kĩ thuật và ảnh hưởng chung từ đà giảm của thị trường nông sản.
Giá lúa mì chỉ giảm nhẹ chưa tới 1% với sự suy yếu của đà tăng mạnh trong phiên trước đó. Xuất khẩu lúa mì mềm của EU trong tháng đầu tiên của niên vụ 2021/22 đạt 35.4 triệu giạ, giảm 35% so với năm ngoái trong khi sản lượng của khu vực được dự báo tăng lên. Thông tin này đã góp phần tạo áp lực lên giá trong phiên hôm qua, bên cạnh việc chất lượng lúa mì được cải thiện.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá của cả Arabica và Robusta đồng loạt tăng 1% lên lần lượt là 174.85 cents/pound và 1772 USD/tấn. Rất nhiều nhà đầu tư tham gia “bắt đáy” sau khi giá Cà phê đã giảm 6 phiên liên tiếp. Bên cạnh đó, vì triển vọng tăng giá của thị trường Cà phê vẫn còn rất sáng sủa, cộng với việc hôm qua là ngày chốt vị thế trên cả hai Sở, do đó, có thể các quỹ cũng tham gia mua và giúp cho giá Cà phê bật tăng trở lại. Tuy nhiên khối lượng giao dịch yếu hơn hẳn trong các phiên gần đây, nên đà tăng lần này có thể thiếu ổn định.

KIM LOẠI
Ở thị trường kim loại quý, giá Bạc đóng cửa với mức tăng nhẹ lên 25.58 USD/ounce trong khi giá Bạch kim giảm 0.9% còn 1047 USD/ounce. Sự suy yếu của đồng USD gần đây cộng với việc dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại ở Mỹ khiến cho giới đầu tư phân bổ bớt vốn sang thị trường trú ẩn an toàn với hai mặt hàng là Vàng và Bạc. Trái lại, giá Bạch kim không được hưởng lợi nhiều, và tiếp tục giảm bởi các nhà đầu tư lo lắng về sự hồi phục của các hoạt động sản xuất ô tô cũng như doanh số bán xe trên toàn cầu có thể giảm do dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại làm hạn chế nhu cầu di chuyển của người dân. Rất có thể giá Bạch kim sẽ giảm về mức 1000 USD/ounce.
Đối với hai mặt hàng kim loại cơ bản, giá Đồng giảm nhẹ 1% còn 4.386 USD/pound trước sức ép của phe bán khi mà các hoạt động sản xuất trên toàn cầu có dấu hiệu chững lại. Bên cạnh đó, việc chính phủ Trung Quốc cũng sẽ giải phóng 30,000 tấn Đồng từ kho dự trữ quốc gia trong tuần này, cũng là yếu tố khiến các nhà đầu tư chần chừ trong việc mua vào.
Giá Quặng sắt tăng nhẹ lên 180.2 USD/tấn, tuy nhiên, xu thế đi ngang đang được hình thành, sau cú giảm mạnh tuần trước, bởi thị trường cần một chất xúc tác mạnh hơn tin tức từ phía Trung Quốc để đưa giá hồi phục trở lại.

Tong hop dien bien thi truong

NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 0.98% xuống 70.56 USD/thùng, giá Brent giảm 0.66% xuống 72.41 USD/thùng.
Trong những giờ giao dịch buổi tối, giá dầu đã có lúc giảm mạnh đến 3%, khi gần một nửa tỉnh thành tại Trung Quốc – quốc gia dẫn đầu mức tiêu thụ dầu thô châu Á chịu tác động của dịch COVID-19. Theo tập đoàn dầu khí China National Petroleum Corp, thông tin trên tác động tiêu cực đến gần 5% nhu cầu dầu thô thế giới trong ngắn hạn. Giá cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực khi tổng thống mới của Iran, Ebrahim Raisi tuyên bố chính phủ sẽ làm những gì có thể để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ khi đàm phán hạt nhân sụp đổ năm 2018.
Giá dầu phục hồi phần nào khi thị trường chứng khoán khởi sắc và tác động tích cực đến tâm lý chung trên thị trường năng lượng. Niềm tin chung hiện nay là nước Mỹ sẽ không rơi trở lại trạng thái phong toả diện rộng giống như năm ngoái.
Giá khí tự nhiên tăng mạnh trở lại 2.34% lên 4.027 USD/MMBTu bất chấp đà giảm của giá dầu.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)