NÔNG SẢN
Kết thúc phiên giao dịch 29/07, sắc xanh bao trùm lên toàn bộ bảng giá của các mặt hàng nông sản.
Giá đậu tương tăng 1.23% nhờ có số liệu xuất khẩu đậu tương niên vụ 21/22 trong tuần kết thúc ngày 22/07 đạt mức 312,754 tấn, cao hơn một chút so với dự đoán và tăng 77.4% so với tuần trước đó. Đây cũng là tuần có khối lượng xuất khẩu cao nhất kể từ đầu tháng 6.
Lo ngại về việc nguồn cung bị gián đoạn từ Argentina sau khi cảng Rosario dự kiến cắt giảm tải 40% các tàu vận chuyển đến cuối tháng 9 tới là yếu tố chính hỗ trợ cho giá khô và dầu đậu tương.
Mặc dù lực bán áp đảo trong phiên sáng nhưng giá ngô vẫn đóng cửa với mức tăng 1.36%. Một đợt lạnh mới đã kéo đến Brazil vào thứ Tư và dự kiến sẽ kéo dài đến cuối tuần, với nguy cơ băng giá đè nặng lên các khu vực trồng ngô vụ thứ hai. Bên cạnh đó, số liệu bán hàng niên vụ 21/22 tăng mạnh so với tuần trước cũng hỗ trợ cho giá ngô trong phiên hôm qua.
Giá lúa mì tăng mạnh 2.4% do Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Nga đã cắt giảm dự báo sản lượng ngũ cốc trong năm 2021 đi 3 triệu tấn do một phần diện tích gieo trồng lúa mì phải trải qua đợt khô hạn kéo dài.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Cà phê hai Sở tiếp tục giảm khi giá Arabica kỳ hạn tháng 9 đóng cửa giảm gần 2% còn 196.5 cents/pound, giá Robusta cùng kỳ hạn giảm 2.33% còn 1885 USD/tấn. Đợt giảm điều chỉnh ở thị trường Cà phê vẫn tiếp tục được duy trì khi dự báo thời tiết cho biết đợt sương giá diễn ra ở tuần này sẽ không gây thiệt hại nặng nề bằng tuần trước. Bên cạnh đó, áp lực thanh khoản tăng cao ở thị trường Cà phê khi hai Sở đồng loạt yêu cầu tăng mức kí quỹ sau đợt tăng nóng vừa qua. Cụ thể, mức ký quỹ đối với mỗi hợp đồng Cà phê Arabica trên Sở ICE US tăng từ 7500 USD lên 9000 USD, còn mức ký quỹ với mỗi hợp đồng Robusta trên sở ICE EU tăng từ 1375 USD lên 1628 USD.
Giá đường giảm mạnh 1.67% khi thời tiết tại các bang miền nam của Brazil không lạnh như các dự đoán trước đó, dẫn đến tâm lý chốt lời của giới đầu cơ sau khi giá tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 03/2017 đến nay.

KIM LOẠI
Sắc xanh vẫn bao phủ hầu hết các mặt hàng của nhóm kim loại. Thị trường kim loại quý tiếp tục ghi nhận các tín hiệu tích cực khi giá Bạc đóng cửa tăng gần 4% lên 25.78 USD/ounce. Giá Bach kim cũng tăng gần 1% lên 1068 USD/ounce. Đà tăng của cả hai mặt hàng đều được hưởng lợi rất lớn từ sự suy yếu của đồng USD. Chỉ số Dollar Index giảm mạnh phiên thứ tư liên tiếp về 91.8 điểm, đây là mức thấp nhất trong vòng 3 tuần. Thị trường dường như vẫn đang hấp thụ các tác động khi FED tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và khiến cho một bộ phân không nhỏ các nhà đầu tư lại lo ngại về tình hình lạm phát ở Mỹ.
Ở thị trường kim loại cơ bản, diễn biến trái chiều tiếp tục được duy trì. Giá Đồng tăng gần 1% lên mức 4.524 USD/pound, tuy nhiên phe mua vẫn chưa thể lấy lại cột mốc 10,000 USD/tấn. Giá Đồng cũng được hưởng lợi từ sự sụt giảm của đồng bạc xanh, tuy nhiên, những tác động đến từ cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Úc cũng làm hạn chế đà tăng của giá. Thị trường cần thêm động lực để đưa giá quay trở lại mức 10,000 USD/tấn.
Giá Quặng sắt có phiên giảm mạnh gần 3% về 193.7 USD/tấn khi dự báo cho biết sản lượng thép của Trung Quốc sẽ giảm. Việc chính phủ mạnh tay siết chặt các hoạt động sản xuất thép để đảm bảo mục tiêu giảm khí thải carbon khiến cho nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu đầu vào là Quặng sắt có thể bị sụt giảm mạnh.

Tong hop dien bien thi truong

NĂNG LƯỢNG
Giá dầu lên mức cao nhất trong 2 tuần ngày hôm qua với giá WTI tăng 1.7% lên 73.62 USD/thùng, giá Brent tăng 1.67% lên 75.1 USD/thùng với tâm lý lạc quan lan rộng trên các thị trường.
Mặc dù GDP quý 2 tăng 6.5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng tăng 8.4% của thị trường, tuy nhiên với GDP đạt 19.36 nghìn tỷ USD, nền kinh tế Mỹ đã vượt qua mức trước đại dịch COVID-19. Trong khi đó, đồng USD suy yếu xuống mức thấp nhất trong 1 tháng cũng hỗ trợ đà tăng của dầu.
Bất chấp các lo ngại về chủng Delta tại Mỹ, số liệu thực tế cho thấy mức tiêu thụ xăng dầu tiếp tục tăng, các quy định mới chủ yếu chỉ dừng lại ở việc đeo khẩu trang chứ không phải lệnh giãn cách đã hỗ trợ tâm lý cho thị trường.
Tuy vậy, đà tăng của dầu bị hạn chế bởi nhiều yếu tố bất ổn trên thị trường hiện tại, như tình hình dịch phức tạp tại Đông Nam Á và việc Trung Quốc thắt chặt kiểm soát các nhà máy lọc dầu tư nhân có thể cản trở mức nhập khẩu dầu thô.
Giá khí tự nhiên tăng 2.29% lên 4.06 USD/MMBTu khi báo cáo tối qua của EIA cho thấy tồn kho tăng thấp hơn kỳ vọng trong khi nhu cầu tiếp tục tăng.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)