NÔNG SẢN
Tổ hợp đậu tương tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn từ diễn biến của giá khô đậu. Sau khi chạm lên mốc cao nhất trong vòng gần 8 năm, giá khô đậu đã quay đầu giảm đến 25 USD và đóng cửa với mức giảm mạnh 1.71%, về mức 454.0 USD/tấn Mỹ.
Tâm lý chốt lời của toàn thị trường hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng gia tăng, sau khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt lên trên mức 2%, đã khiến đậu tương quay đầu giảm hơn 50 cents và đóng cửa ở mức 1574.25 cents/giạ.
Đối với ngô, Conab giảm dự báo sản lượng niên vụ 21/22 về mức 112.3 triệu tấn, bất chấp việc thời tiết đang khá thuận lợi cho ngô vụ 2 của nước này, cũng giúp giá tăng mạnh trong đầu phiên. Nhưng ở hướng ngược lại, Nam Phi tăng sản lượng thêm 6.6% so với năm ngoái, cùng với đà giảm chung của toàn nhóm đã khiến giá ngô giảm 0.77% vào cuối phiên, về mức 641.75 cents/giạ.
Lúa mì là mặt hàng giảm mạnh nhất trong phiên hôm qua, khi mà sản lượng lúa mì của Brazil dự báo tăng thêm 200,000 tấn so với báo cáo trước đó của Conab. Áp lực bán từ kháng cự tâm lý 800 cũng góp phần đẩy giá giảm mạnh trong suốt phiên tối.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Trong khi giá Arabica giảm 1.22% về 255.2 cents/pound, giá Robusta tiếp tục tăng nhẹ 0.4% lên 2279 USD/tấn. Sau khi đã tăng hơn 8% trước đó, thị trường Arabica chịu lực bán chốt lời ngay từ đầu phiên. Đến khi chỉ số giá tiêu dùng CPI được công bố làm cho đồng USD tăng mạnh, và chịu ảnh hưởng bởi lực bán được lan toả từ thị trường chứng khoán, phe mua đã không thể chiến thắng phe bán trong phiên hôm qua, dù thị trường có rất nhiều tin tức tích cực. Ngoài ra, mức tồn kho đạt chuẩn trên sở ICE US dù ở mức thấp nhưng tốc độ giảm đang có dấu hiệu chậm lại và cũng khiến cho sức mua yếu đi. Trái lại, giá Robusta vẫn giữ được sắc xanh trong bối cảnh số liệu xuất khẩu tiêu cực của Việt Nam có phần khiến cho thị trường bất ngờ bởi đây là giai đoạn xuất khẩu trọng điểm của nhà sản xuất Robusta số một thế giới.
Diễn biến trái chiều cũng quay trở lại trên thị trường đường với hợp đồng đường 11 tháng 3 giảm gần 1% về 18.3 cents/pound, trong khi hợp đồng đường trắng cùng kỳ hạn tăng 1.43% lên 510.4 USD/tấn.
Giá bông cũng đóng cửa trong sắc đỏ với mức giảm 0.61% về 125.66 cents/pound và là phiên đi ngang thứ 8 liên tiếp. Sau khi lập mức đỉnh 11 năm ở mức 127 cents, lực mua đang có dấu hiệu chùng xuống. Đồng USD tăng trở lại trong các phiên gần đây đang làm hạn chế khối lượng xuất khẩu bông của Mỹ.

KIM LOẠI
Hai mặt hàng kim loại quý tiếp tục tăng nhẹ với giá bạc đóng cửa tăng gần 0.8% lên 23.522 USD/ounce còn giá bạch kim cũng tăng khoảng 0.5% lên 1042.5 USD/tấn. Cả giá bạc và bạch kim đều đi ngược lại với giá vàng sau khi chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 1 của Mỹ được công bố. Các chỉ số đều tiêu cực hơn so với dự báo, cụ thể thay đổi CPI theo năm tăng 7.5% và 0.6% theo tháng. Áp lực lạm phát khiến cho các nhà đầu tư càng tin vào việc FED sẽ đẩy mạnh tốc độ thắt chặt và tăng lãi suất ngay trong tháng 3, thậm chí có thể cao hơn mức 0.25%.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng tiếp tục tăng 1.24% lên gần 4.66 USD/pound còn giá quặng sắt tăng mạnh hơn 5% lên 152.94 USD/tấn. Tồn kho thấp trên cả ba Sở COMEX, LME và Sở Thượng Hải tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng.

NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 0.25% lên 89.88 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 0.15% xuống 91.41 USD/thùng.
Dầu thô đã có lúc tăng gần 2 USD/thùng trước sức ép của địa chính trị gia tăng và các dự đoán mang tính tích cực của OPEC trong báo cáo thị trường dầu ngày hôm qua. Cuộc tập trận quy mô lớn của Nga và Belarus tiến hành cuộc tập trận trên cả biên giới đất liền lẫn khu vực Biển Đen với quy mô lớn. Nước Anh cho rằng đây là “thời khắc nguy hiểm nhất” trong mối quan hệ giữa NATO và Nga trong khi Mỹ đã thúc giục các công dân ở Ukraine về nước do khả năng bị lôi vào vòng xoáy quân sự.
Giá đảo chiều cùng với diễn biến đi xuống của thị trường chứng khoán Mỹ, sau khi một quan chức FED cho biết Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 01/2022 tăng 0.6% so với tháng 12/2021, và tăng 7.5% so với cùng kỳ năm trước, lên mức cao nhất trong 40 năm, khiến cho ông ngày càng ủng hộ việc FED tăng lãi suất mạnh. Trên thị trường, hiện có khoảng 60% dự đoán FED sẽ tăng lãi suất 0.5% trong tháng 3.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV